Monday, 13 May 2013

Bồ-tát Long Thọ

Bồ-tát Long Thọ là một trong những Đại sư vĩ đại nhất của Phật giáo Đại thừa.[1] Ngài thực hành theo con đường của Bồ-tát. Do vậy, Đại sư Cưu-ma-la-thập và nhiều sử gia Phật giáo gọi Tổ sư Long Thọ là Bồ-tát. Ở đây, chúng tôi cũng gọi theo cách gọi tôn kính này.
Long Thọ là tên gọi theo cách dịch trong tiếng Trung Hoa. Tên của ngài trong tiếng Sanskrit là Nāgārjuna. “Nāga” là loài rắn. Trong tín ngưỡng Ấn Độ, rắn là một loài hung dữ và tượng trưng cho sự phá hủy. Rắn được tôn thờ như một vị thần. Tên gọi của ngài có liên hệ với một loài phá hủy. Và đúng như tên gọi, Nāgārjuna như một rắn thần hung dữ. Bằng Tánh không luận, ngài phá hủy tất cả. Phá hủy tất cả giáo thuyết về Tiểu ngã và Đại ngã của Bà-la-môn giáo. Phá hủy tất cả quan niệm về “linh hồn” đang thịnh hành trong giới bình dân của Độc tử bộ. Phá hủy tất cả luận thuyết “Nhất thiết hữu” đang ảnh hưởng trong giới trí thức của Nhất thiết hữu bộ...
Bồ-tát Long Thọ thường được xem là tông chủ của nhiều tông phái thuộc truyền thống Đại thừa. Do vậy, thời gian ra đời và công cuộc hoằng pháp của ngài có một số khác biệt khi được ghi lại trong các sử liệu của các tông phái. Sử liệu sớm nhất về Bồ-tát Long Thọ là tác phẩm Long Thọ Bồ-tát truyện.[2] Tác phẩm này được ngài Cưu-ma-la-thập dịch sang tiếng Trung Quốc vào năm 405 TL. Bản dịch Long Thọ Bồ-tát truyện của Cưu-ma-la-thập không đề cập năm sanh của ngài Long Thọ. Nhưng những học trò của Đại sư Cưu-ma-la-thập như Huệ Viễn cho rằng Bồ-tát Long Thọ ra đời vào thế kỷ thứ IX sau Phật diệt độ. Căn cứ vào những nguồn sử liệu này và so sánh với sử liệu Tây Tạng, giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng Long Thọ có thể sinh vào năm 113 và mất vào năm 173.[3] T.R.V. Murti cũng cho rằng Long Thọ thành lập Trung Quán tông vào năm 150 TL.[4] Và nhìn chung, các sử gia Phật giáo và các nhà cứu nghiên lịch sử Ấn Độ đồng ý rằng Long Thọ là bạn thân cũng là Thầy của vua Gautamīputra, triều đại Śātavāhana ở Nam Ấn. Vua Gautamīputra trị vì, theo giáo sư Raychaudhuri,[5] trong khoảng 103 đến 130 TL và theo Nilakatha Sastri, trong khoảng 170-199 TL.[6] Như vậy, có thể khẳng định rằng Bồ-tát Long Thọ sinh ra và mất đi trong thế kỷ II sau TL.
Ngài Huyền Trang, trong Đại Đường Tây Vực ký,[7] và ngài Bu-ston, trong Lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ và Tây Tạng[8] đều ghi rằng Bồ-tát Long Thọ sinh ra ở nước Vidarbha (phía Nam Kosala), nay là thành phố Nagpur, thuộc tiểu bang Maharastra của miền Nam Ấn Độ. Theo Long Thọ Bồ-tát truyện, ngay từ nhỏ, Long Thọ tỏ rõ là một cậu bé thông minh. Đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia học Phật. Thời gian đầu, ngài theo học giáo điển của các bộ phái thuộc Thinh Văn thừa. Chỉ trong 90 ngày, ngài đã lãnh hội toàn bộ giáo nghĩa của các bộ phái này. Nhưng không hài lòng với lời dạy trong những kinh điển này, Long Thọ vân du cầu học. Và một hôm, ngài gặp một Trưởng lão cao Tăng đang sống ẩn dật trong núi Tuyết. Tại đây, vị Tăng trưởng lão này trao cho ngài một số kinh điển của Đại thừa. Ngài rất hài lòng và say mê nghiên cứu. Sau đó, Bồ-tát Long Thọ được mời đến cung của Long Vương và tại đây, ngài nhận được thêm nhiều kinh điển khác của Đại thừa, nổi bật nhất là kinh Bát-nhã.[9]
Sự kiện Bồ-tát Long Thọ vào Long Cung để nhận kinh điển Đại thừa có hơi hướng huyền thoại lịch sử. Có thể rằng thời gian đầu, Long Thọ xuất gia học Phật theo Đại chúng bộ hoặc chi phái của Đại chúng bộ, những bộ phái đang thịnh hành tại Nam Ấn. Trong thời gian này, Ngài thân cận một số trưởng lão có tư tưởng Đại thừa sống trong các chi phái của Đại chúng bộ, cụ thể là phái Pūrvaśailas and Aparaśailas. Truyền thống Tây Tạng ghi lại rằng vào thế kỷ đầu Tây lịch, hai chi phái này đã tụng đọc và nghiên cứu giáo nghĩa của kinh Bát-nhã.[10] Nên hoàn toàn có thể, ngài Long Thọ đã nghiên cứu kinh điển Đại thừa, đặc biệt là Tiểu Phẩm Bát-nhã với các trưởng lão có tư tưởng Đại thừa trong hai chi phái của Đại chúng bộ. Gặp được kinh điển Đại thừa, Bồ-tát Long Thọ say mê nghiên cứu, hành trì theo giáo thuyết của kinh điển Đại thừa. Với trí tuệ siêu việt và năng lực phi phàm, ngài đã trước tác nhiều tác phẩm để xiển dương giáo điển Đại thừa, kiệt tác nhất là Trung Luận, và truyền bá giáo điển ấy.
Nhận thấy cần truyền bá giáo điển Đại thừa lên Bắc Ấn, Bồ-tát Long Thọ đã du hóa về phương Bắc. Đầu tiên ngài đến các khu vực phía Tây thuộc quyền cai trị của hoàng tộc Śaka. Rồi đi dần lên Tây Bắc của hoàng tộc Kuṣāṇa.[11] Và sau đó, theo các sử gia Tây Tạng, Ngài xuôi về Đông Bắc. Tại Đông Ấn, ngài đã lưu lại và giảng dạy một thời gian dài tại Nalanda. Cuối đời, Bồ-tát Long Thọ trở về Nam Ấn và sống tại tu viện Śrīparvata.[12] Tại tu viện này, ngài đã tiếp nhận Thánh Thiên làm đệ tử. Thầy Thánh Thiên là học trò kiệt xuất nhất của Bồ-tát Long Thọ. Đã có người có thể tiếp nối công việc trước tác và hoằng pháp, Bồ-tát Long Thọ bắt đầu nghĩ đến việc viên tịch.
Theo ngài Huyền Trang, với sở chứng của mình, Bồ-tát Long Thọ có thể sống vài trăm năm. Nhưng với phong thái của một Đại sỹ Bồ-tát tự tại giữa sống và chết, Long Thọ đã tự cắt đứt đầu của mình theo lời đề nghị của một hoàng tử, con của vua Dẫn Chánh (Yin-cheng), bạn của ngài Long Thọ.[13] Bồ-tát Long Thọ viên tịch tại Tu viện Śrīparvata. Sau này, tu viện Śrīparvata thường được gọi là tu viện Nāgārjunakoṇḍa, gọi theo tên của Bồ-tát Long Thọ. Nāgārjunakoṇḍa nay thuộc Andra Pradesh,  một tiểu bang ở miền Đông Nam Ấn Độ.
Bồ-tát Long Thọ là một Tu sĩ thuộc truyền thống Đại thừa. Nên ngài dấn thân không mệt mỏi để xiển dương giáo lý Đại thừa nói chung và luận thuyết Tánh không của ngài. Long Thọ đưa ra luận lý “Bát bất Trung đạo.” Và với luận lý này, Ngài đả phá triệt để những luận thuyết về Thực tại luận và Đa nguyên luận của các bộ phái Phật giáo và các chi phái của Bà-la-môn giáo.[14] Long Thọ tuyên bố Tánh của tất cả các pháp là Không tánh.
Bồ-tát Long Thọ cũng là một Tăng sĩ Phật giáo nói chung. Nên ngài luôn tận tâm bảo vệ Tăng sĩ của tất cả bộ phái Phật giáo và thừa nhận những giáo lý chung của Phật giáo. Trong một lá thư dài gởi vua Gautamīputra, Bồ-tát Long Thọ chỉ dành một phần ngắn khuyên vua thực hành một số việc cần làm của một Phật tử Đại thừa. Còn phần lớn nội dung của thư này, ngài khuyên đức vua nên quy kính ba ngôi Tam bảo[15] và thực hành những giá trị đạo đức chung của Phật giáo.[16] Ngài Long Thọ khuyên vua quy kính Phật, Pháp, Tăng cũng có nghĩa là khuyên vua hãy tôn trọng và bảo vệ Tu sĩ của tất cả bộ phái Phật giáo.
Đại sư Tāranātha, một sử gia Phật giáo Tây Tạng, cho rằng Bồ-tát Long Thọ là nhà lãnh đạo của tất cả bộ phái Phật giáo.[17] Cho dù, ngài khó có thể là nhà lãnh đạo chung của Phật giáo. Nhưng ngài chắc chắn là Thầy của rất nhiều Tu sĩ thuộc các  bộ phái Phật giáo khác nhau. Trong số những Tăng sĩ này, có nhiều vị đã chuyển theo truyền thống Đại thừa. Và thực tế lịch sử cho thấy rằng từ khi Bồ-tát Long Thọ chuyển theo Đại thừa, Đại thừa bắt đầu phát triển mạnh và truyền bá đến nhiều tiểu vương quốc tại Ấn Độ.
Như vậy, có một số khác biệt trong các nguồn sử liệu về thời gian ra đời và hành trạng của Bồ-tát Long Thọ như thường thấy đối với hầu hết các sự kiện liên quan đến lịch sử của Phật giáo Ấn Độ. Nhưng trên đại thể, hành trạng của Bồ-tát Long Thọ được ghi lại trong các nguồn sử này là giống nhau. Bồ-tát Long Thọ là một nhà tư tưởng lớn của Đại thừa, là một nhà hoằng pháp không biết mệt mỏi, là tác giả của Trung Luận và tông chủ của Trung Quán tông. Sự xuất hiện luận thuyết về Tánh không của Trung Quán tông như cơn địa chấn làm rung chuyển nền tảng của nhiều luận thuyết đương thời. Giáo thuyết về Tánh không ấy cũng là phương pháp hành trì của các hành giả Trung Quán tông. Và cho đến ngày nay, Tánh không ấy vẫn là một luận thuyết được giới học giả nghiên cứu về triết học quan tâm và luận giải. Pháp quán về Tánh không ấy vẫn còn là một phương pháp hành trì của các hành giả Không quán.
Thích Nguyên Lộc

Chú thích:
[1] "Đại thừa" trong tiếng Sanskrit là "Mahāyāna". Phật giáo Việt Nam hiện nay gọi truyền thống Mahāyāna là Bắc tông. Cách gọi này có thể phù hợp tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi thấy không phù hợp khi gọi những sử kiện liên quan đến truyền thống Mahāyāna tại Ấn Độ là Bắc tông hay Bắc truyền. Nên ở đây, chúng tôi gọi Mahāyāna, theo cách dịch của các Tổ sư Trung Hoa, là Đại thừa. Hoàn toàn không có ý niệm phân biệt Đại thừa hay Tiểu thừa. Đại thừa chỉ là danh xưng của một bộ phái trong nhiều bộ phái Phật giáo đã tồn tại trong lịch sử Ấn Độ. Ngày nay, Phật giáo các nước và sách Phật học bằng tiếng Anh vẫn thường gọi hai truyền thống Phật giáo hiện còn là: Mahāyāna và Theravāda.
[2] Đại chánh., 2047.
[3] Lê Mạnh Thát, The Philosophy of Vasubandhu, T.P. Hồ Chí Minh: NXB. Tổng Hợp, 2006, tr. 50-53.
[4] T.R.V. Murti, The Central Philosophy of Buddhism, George Allen & Unwin, 1955, tr. 87.
[5] H.C. Raychaudhuri, Political History of Ancient India, Calcutta: University of Calcutta, 1953, tr. 491.
[6] N. Sastri, A History of South India, Oxford University Press, 1958, tr. 92.
[7] T. Watters, On Yuan chwang’s Travels in India, Vol. II, New Delhi: Munshiram Mahoharlal, 1973, tr. 201.
[8] Bu-ston, The History of Buddhism in India and Tibet, E. Obermiller (dịch.), Delhi: Sri Satguru, 1986, tr. 122.
[9] Đại chánh., 2047, tr. 185c19-186a.
[10] A. K. Warder, trong Indian Buddhism, trích dẫn từ É. Lamotte, “Sur la formation du Mahāyāna’, Asiatica, tr. 387.
[11] S. Ichimura, “Nāgārjuna’s Historicity on the Basis of Suhṛllekha and Rathnāvalī”, Buddhist Critical Spirituality Prajñā and Śūnyatā, Delhi: Motilal Banarsidass, tr. 34.
[12] Tāranātha, History of Buddhism in India, Chattopadhyaya, A. (dịch), Calcutta: K.P Bagchi & Company, 1980, tr. 106; Bu-ston, sđd., tr. 123.
[13] Theo ký sự của ngài Huyền Trang được T. Watters dẫn lại, Bồ-tát Long Thọ sống đến mấy trăm tuổi. Và tuổi thọ của vua Dẫn Chánh tùy thuộc vào tuổi thọ của ngài Long Thọ. Hoàng tử út của vua và mẹ của hoàng tử này tin rằng chỉ khi nào ngài Long Thọ xả thọ mạng và thị tịch thì vua mới băng hà. Hoàng tử này không muốn qua đời trước vua cha và muốn sớm lên ngôi vua. Nên đã đến thỉnh cầu Bồ-tát Long Thọ xả bỏ thọ mạng. Chấp nhận lời thỉnh của hoàng tử, Bồ-tát Long Thọ xả bỏ thọ mạng và tự chấm dứt mạng sống của ngài. T. Watters sđd., vol. II, tr. 201-202.
[14] J. Takakusu, The Essentials of Buddhist Philosophy, Delhi: Motilal Banarsidass, 2002, tr. 99.
[15] Ven. L. Jamspal (dịch), Nāgārjuna’s Letter to King Gautamīputra, Delhi: Motilal Banarsidass, 2004, tr. 1-2.
[16] Sđd., tr. 6.
[17] Tāranātha, sđd., tr. 106.

No comments:

Post a Comment