Wednesday, 29 May 2013

Bồ-tát Thánh Thiên

Đại sư Thánh Thiên (skt. Āryadeva) là đệ tử xuất sắc nhất của Bồ-tát Long Thọ và là một trong những Đại luận sư lỗi lạc của Phật giáo Đại thừa. Nhiều sách nói, ngài sinh ra tại đảo quốc Tích Lan.[1] Nhưng cũng có sách ghi, ngài sinh ra ở Nam Ấn. [2] Bồ-tát Thánh Thiên, cũng còn gọi là Đề-bà, sống trong khoảng nửa cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III TL.
Sử liệu không thấy đề cập khoảng thời gian trước khi Thánh Thiên gặp Bồ-tát Long Thọ. Nhưng có thể khoảng thời gian trước ấy, ngài đã là một tu sĩ Phật giáo hoặc là một hiền sỹ đang vân du tìm Thầy học đạo. Trên đường tìm Thầy học đạo, Thánh Thiên nghe tin Bồ-tát Long Thọ đang ở Tu viện Śrīparvata. Ngài liền đến Śrīparvata mong được thảo luận một số vấn đề về Phật học và triết học.[3] Theo thường lệ của tu viện Śrīparvata, Thánh Thiên phải gặp thầy tri khách trước khi diện kiến Bồ-tát Long Thọ. Ngay khi gặp thầy tri khách, Thánh Thiên bảo thầy vào thưa với Long Thọ là có Thánh Thiên muốn gặp. Khi biết Thánh Thiên, người mà Long Thọ đã từng nghe danh, đang đợi ở phòng khách, Bồ-tát Long Thọ đưa cho thầy thị giả một thâu nước sạch và bảo thầy mang ra cho Thánh Thiên. Nhận được thâu nước, Thánh Thiên im lặng, cúi xuống nhặt một chiếc dép bỏ vào thâu nước sạch. Nghe tin này, Bồ-tát Long Thọ biết rằng người này quả thật là kẻ trí và là pháp khí của Đại thừa nên cho mời Thánh Thiên vào gặp. Hai ngài gặp nhau và sau vài hồi thảo luận, Thánh Thiên thỉnh cầu Bồ-tát Long Thọ làm Thầy. Bồ-tát Long Thọ chấp nhận.[4] Không lâu sau đó, Thánh Thiên trở thành học trò xuất sắc nhất của Bồ-tát Long Thọ. Danh tiếng của Bồ-tát Thánh Thiên nhanh chóng lan rộng, không những tại miền Nam mà lên đến miền Bắc.
Lúc bấy giờ, tại Bắc Ấn, có đạo sĩ ngoại đạo tên là Durdharṣa-kāla. Người này thông hiểu giáo thuyết của nhiều tôn giáo đương thời và có tài tranh biện. Ông đi diễn thuyết nhiều nơi và mỗi khi diễn thuyết, ông luôn công kích Phật giáo. Nghe Nālandā là một trung học thuật có tiếng của Phật giáo, ông đến Nālandā và gởi lời mời tranh biện. Nhưng tại đây, không có Thầy Tỳ-kheo nào đủ khả năng tranh biện với đạo sĩ Durdharṣa-kāla. Các Thầy ở Nālandā gởi thư trình bày sự việc đến Bồ-tát Long Thọ và có ý muốn thỉnh Bồ-tát Thánh Thiên lên Nālandā. Sau khi thỉnh ý Bồ-tát Long Thọ, Bồ-tát Thánh Thiên du hành đến Nālandā. Tại Nālandā, ngài đã tranh biện với Durdharṣa-kāla trong suốt ba ngày với sự tham dự của hàng nghìn thức giả của nhiều tôn giáo và trường phái triết học. Ngài Thánh Thiên đã thắng tuyệt đối trong suốt ba ngày tranh biện. Sau ba ngày, Durdharṣa-kāla cầu Bồ-tát Thánh Thiên làm Thầy và có pháp danh là Mātṛcetā.[5] Sau khi xuất gia theo Phật, Thầy Mātṛcetā sáng tác nhiều trường ca ca ngợi những sự vĩ đại của đức Phật và tiền thân đức Phật. Trong đó nổi bật nhất là tác phẩm Śatapañcāśatka Stotra (“150 bài tụng ca”).[6] Bồ-tát Thánh Thiên lưu lại và giảng dạy ở Nālandā thêm một thời gian. Sau đó, ngài trở về và hoằng pháp tại Nam Ấn cho đến ngày viên tịch.[7]
Đại luận sư Thánh Thiên trước tác nhiều tác phẩm để xiển dương luận thuyết Tánh không của Bồ-tát Long Thọ và giáo nghĩa Bồ-tát của Đại thừa. Nổi bật nhất là hai tác phẩm Bách luận (Śata-śāstra) and Quảng bách luận (Catuḥśataka). Quảng bách luận được ngài Huyền Trang dịch sang tiếng Hán và được hai ngài Nguyệt Xứng (Candrakīrti) và Hộ Pháp (Dharmapāla) viết chú giải. Một số chương của hai bản chú giải được lưu giữ trong Hán tạng. Một phần của Quảng bách luận trong tiếng Sanskrit được Haraprasāda tìm thấy và đã xuất bản. Bách luận được Đại sư Cưu-ma-la-thập dịch sang tiếng Hán. Bách luận là một trong ba điển phạm lập tông của Tam luận tông Trung Hoa và Nhật Bản. 
Cũng như Bồ-tát Long Thọ, Thánh Thiên đả phá quyết liệt giáo thuyết Thực tại luận của Nhất thiết hữu bộ và một số giáo điển mà ngài cho là “Tiểu thừa” của một số bộ phái Phật giáo. Ngài cũng chỉ trích mạnh mẽ luận thuyết thần ngã và một số luận thuyết khác của Bà-la-môn giáo, đặc biệt là của hai phái Số luận và Thắng Luận của tôn giáo này.[8] Bồ-tát Thánh Thiên dấn thân không mệt mỏi để “tồi tà phụ chánh” và xiển dương giáo nghĩa Đại thừa. Nhờ sự dấn thân của ngài mà Đại thừa được phát triển sâu rộng hơn tại Ấn Độ. Và vì để bảo vệ giáo thuyết của Phật giáo nói chung và Phật giáo Đại thừa nói riêng, ngài không khoan nhượng với những luận thuyết chống lại Phật giáo của một số tôn giáo khác. Vì vậy, theo Đề-bà Bồ-tát truyện, một số tu sĩ và tín đồ cực đoan của một đạo sư ngoại đạo rất căm hận ngài, nhiều lần muốn ám sát ngài. Và rồi cuối cùng họ đã ám sát ngài. Lúc ngài sắp viên tịch, chúng đệ tử vân tập đông đủ. Trong số họ, một vài đệ tử còn nhiều sân hận có ý định trả thù. Biết được ý định này, ngài khuyên dạy chúng đệ tử, “này các con, các con hãy từ bỏ có ý niệm trả thù. Nếu các con thấu hiểu bản chất của các pháp, các con sẽ biết rằng không có người bị giết, cũng không có người giết. Ai là bạn? Ai là thù? Ai là kẻ giết người? Và ai là người bị giết? Chẳng có ai cả. Các con đang khóc là bởi các con đang bị thúc đẩy bởi tà kiến. Các con không nên có những hành động sai trái bằng cách lấy hận thù để diệt hận thù, lấy đau khổ để trả thù đau khổ.”[9] Khuyên dạy chúng đệ tử và giao việc hướng dẫn các thầy tỳ-kheo trẻ cho ngài Rahulabhadhra xong, Bồ-tát Thánh Thiện an nhiên thị tịch. Ngài Rahulabhadhra thay Bồ-tát Thánh Thiên hướng dẫn chúng Tăng, tiếp tục công việc trước tác và hoằng pháp của ngài.[10]
Thích Nguyên Lộc
 
Chú thích:
[1] Theo ngài Huyền Trang trong T. Watters, On Yuan chwang’s Travels in India, Vol. II, New Delhi: Munshiram Mahoharlal, 1973, tr. 200; theo ngài Tāranathā trong History of Buddhism in India, Chattopadhyaya, A. (dịch.), Calcutta: K.P Bagchi & Company, 1980, tr. 123; và theo ngài Bu-ston trong The History of Buddhism in India and Tibet, E. Obermiller (dịch), Delhi: Sri Satguru, 1986, tr. 130.
[2] Theo bản dịch Đề-bà Bồ-tát truyện của Cưu-ma-la-thập trong Đại chánh, số 2048, tr. 186c.
[3] Bu-ston, sđd., tr. 130; Tāranātha, sđd., tr. 124.
[4] T. Watters, sđd., tr. 200.
[5] Bu-ston, sđd., tr. 130.
[6] A.K. Warder, Indian Buddhism, Delhi: Motilal Banarsidass, 2005, tr. 371.
[7] Tāranathā, sđd., tr. 124-6.
[8] Đề-bà Bồ-tát truyện, Đại chánh., số 2048, tr. 187.
[9] Như trên, tr. 187c.
[10] Tāranathā, sđd., tr. 124-6.
-->Đọc thêm...

Monday, 27 May 2013

NGỦ DƯỚI GỐC CÂY

Xưa, Đức Thế Tôn dạy các đệ tử: “Chớ ngủ hai đêm, dưới cùng một gốc cây”.
Lời dạy, thoạt nghe có vẻ ngộ nghĩnh, gần như chẳng quan trọng gì, nhưng khi được Thầy chỉ rõ hơn, đệ tử mới biết rằng, một lời, dù đơn sơ, từ kim khẩu Đức Thế Tôn, đều là một bài pháp.
Thuở đó, tăng đoàn thường ba Y, một Bát, từng bước chân trần hoằng hóa đó đây, đêm nghỉ trong rừng, tìm gốc cây êm mát, gối đầu mà ngủ. Nếu ít lâu sau, tình cờ lại đi ngang khu rừng ấy mà khởi tâm nhớ gốc cây đã ngủ đêm nào, là vô tình vướng mắc ái nhiễm! Một gốc cây ngủ qua đêm còn luyến nhớ, thì lưới tình chằng chịt nhân gian làm sao ra khỏi!
Lời cảnh giác thật đơn giản, mà mãnh liệt.
Nhưng, phàm được làm người, ai chẳng từ tình mà sanh! Khởi từ tình cha, tình mẹ, rồi tình anh chị em, tình con cháu, tình thân bằng quyến thuộc. Nợ nần nhau thì lại kết thành tình bạn bè, tình chồng vợ, để vay trả, để buộc ràng. Cái lưới ái vô hình mà lồng lộng, bền bỉ, hết kiếp này sang kiếp khác. Đức Thế Tôn cũng thị hiện ta-bà trong lưới ái này. Chỉ khác, Ngài sớm nhìn ra những mắt lưới, những tên cai ngục do chính chúng ta tạo ra để tự nhốt mình trong luân hồi lục đạo. Có nhìn ra, mới dũng mãnh buông xả, để thăng hoa.
Bỏ hoàng gia, rời cung vàng điện ngọc có phải cũng là khắc phục sự đắm nhiễm một gốc cây êm mát quen thuộc không? Bước chân dừng dưới cây nào, ta sẽ ngủ dưới gốc cây ấy. Nếu nơi nào cũng chỉ là giấc ngủ qua đêm, giấc ngủ đó sẽ không mộng mị, nơi dừng đó sẽ không bận lòng. 
Nhưng xả bỏ như thế có phụ tình những ngnời thân liên hệ với ta, và làm họ đau khổ hay không?
Nhìn chặng đường Phật đi thì chúng ta thấy phần nào, có và không. Hoàng gia rất đau khổ vì sự ra đi của Thái tử Tất Đạt Đa, nhưng sự đau khổ đó chỉ ngắn hạn. Sự đau khổ đó đã chấm dứt, để tiếp nối bằng hạnh phúc vô bờ khi toàn thể dân chúng thành Ca Tỳ La Vệ cùng hoàng gia, nao nức đón tăng đoàn, mà người ôm bình bát đi đầu chính là vị Thái Tử năm xưa. Ngài đã tìm ra Đạo Cả, đã ban vui cứu khổ bao người, nay trở về chốn cũ bằng bước chân của Bậc Giác Ngộ, độ cho thân thuộc và dân chúng.
Sự trở về quê hương của Đức Phật cũng chỉ là bước dừng trên đường hoằng hóa, và đêm ngủ trong cung vàng cũng chỉ là ngủ dưới một gốc cây. Bởi tâm không hề vướng mắc nên sau chặng dừng đó, Ngài lại thanh thản hướng dẫn tăng đoàn lên đường, lại đi như dòng sông, để mỗi bước chân qua, đều để lại phù sa mầu mỡ, làm vạn hữu đơm hoa kết trái.
Ngẫm mà sợ thay!
Phàm phu chúng ta chẳng phải chỉ đắm nhiễm một nơi chốn mà còn dễ  vương vấn từ lời nói đến nụ cười, từ đóa hoa vườn nào, đến chiếc lá mùa rơi… Tâm đối cảnh, lập tức sanh tình, bao chủng tử chất chứa trong tàng thức Alaya lập tức trỗi dậy, và hỷ nộ ái ố tạo ra từ những chủng tử ấy cũng lập tức sinh khởi vui buồn, ân oán. Đó chính là những mắt lưới vô hình nhưng chằng chịt, trùm phủ cả đại-dương-tâm, đàn cá vụng về làm sao thoát khỏi!
Nghe lời Phật dạy, dẫu kính tin nhưng mơ màng, lý sự chẳng đi đôi thì thực tế không giúp hành giả bao nhiêu, vì cứ Giác một phút lại Mê mười phút thì chặng đường từ bờ mê tới bến giác còn thăm thẳm; trong khi, kiếp người trăm năm có chờ ai, đợi ai! Thời gian lạnh lùng trôi nhanh như bóng câu qua cửa, biết kiếp sau còn đủ phước báu được làm người để mượn thân tứ đại như phương tiện mà tu tập hay không?
Có vị Thầy, một lần vào đạo tràng, nhìn được tâm đại chúng, dù đã đủ duyên tới được nơi chờ nghe pháp, mà vui buồn bên ngoài còn quá xôn xao, vướng bận. Thầy bèn khoanh chân kiết già, nhắm mắt, lặng thinh. Năm phút, rồi mười phút …  lúc đó đại chúng mới nhận thấy sự bất thường. Tiếng nói chuyện nhỏ dần, bớt dần, tâm người cũng theo đó mà lắng đọng theo. Khi ấy, Thầy mới chậm rãi, nhẹ nhàng thỉnh chuông rồi nhìn khắp đại chúng, mỉm cười và bắt đầu bài pháp bằng câu chuyện về Tỳ-kheo-ni Ưu Ba Tiên Na.
Một lần, Ưu Ba Tiên Na đang tọa thiền trong rừng cây ngoài thành Vương Xá, bỗng cất tiếng hốt hoảng cầu cứu. Khi đó, tôn giả Xá Lợi Phất cũng đang tọa thiền ở khu rừng kế bên, nghe tiếng kêu, bèn vội chạy sang. Đến nơi, thấy Ưu Ba Tiên Na sắc mặt bình thường, vẫn trong tư thế kiết già.  Tôn giả bèn hỏi:
- Cớ sao kêu cứu?
Ưu Ba Tiên Na thưa:
- Ít phút trước đây, con đang nhắm mắt tĩnh tọa, bỗng cảm thấy như có vật gì trơn láng, trườn tới. Con vừa nghĩ “Trời ơi, cái gì vậy? Lẽ nào là rắn độc!” thì liền bị vật đó cắn mạnh vào cườm tay. Con nhận biết nọc độc đang chạy khắp thân thể, và con sắp lìa đời. Xin Tôn giả từ bi báo cho ni chúng biết, hãy về đây gấp cho con kịp có lời từ biệt.
Khi nói những lời này, Ưu Ba Tiên Na vẫn bình thản, sắc mặt vẫn hồng hào. Tôn giả bèn trấn an:
- Có lẽ không nghiêm trọng đâu, dẫu có bị rắn cắn, chắc cũng không phải rắn độc vì sắc diện cô vẫn bình thường.
Ưu Ba Tiên Na bèn chắp tay thưa:
- Bạch tôn giả, quả thật, con đã bị rắn độc cắn, nhưng khi bất ngờ trực diện ranh giới của sống chết, con mới may mắn liễu ngộ sâu sa lời Phật dạy về tấm thân vô thường này. Thân chỉ do tứ đại, ngũ uẩn duyên hợp mà thành, bản chất thân này chẳng gì là thực, chỉ là Không. Đã là Không thì dẫu chẳng phải rắn độc, mà bất cứ thứ chi, vật chi, cũng chẳng còn là đối tác có thể xâm phạm được. Vừa hiểu như thế, con liền dứt cả đau đớn lẫn sợ hãi. Bạch Tôn giả, phải chăng nhờ hốt nhiên trong phút giây thực sự buông bỏ mọi ràng buộc, mọi cảm thọ, con đã chạm tới được bản-lai-diện-mục, là cái nhận biết tỉnh sáng thường hằng vô sanh bất diệt,  khiến thân tâm con bình an?
Khi các Tỳ-kheo-ni vân tập về khu rừng, là lúc Ưu Ba Tiên Na mỉm cười, nhìn tất cả, rồi chắp hai tay, bình thản đi vào cõi tịch diệt Niết Bàn.
Kể câu chuyện đến đây, giảng sư lại nhắm mắt, khoanh chân kiết già.
Cả đạo tràng bỗng hiển lộ sự an nhiên tĩnh mặc, cực kỳ mầu nhiệm, như que diêm nào vừa bật lên giữa căn phòng đang chìm trong bóng tối.
Thời gian như đọng lại. Chợt, ở một khoảnh khắc nào, từ cuối đạo tràng, ai đó bỗng bật khẽ một tiếng: “Buông!”
Âm thanh chỉ đủ cho hạt bụi tình cờ bay ngang, nghe được. Hạt bụi đậu lại trên trang kinh đang mở, lẩm nhẩm đánh vần, rồi chậm rãi đọc:
“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách…”    

Huệ Trân
 (Chớm đông 2010, dặm đường ven biển, đi, về,
nghe trong sóng khua vang tiếng nước)
-->Đọc thêm...

Saturday, 25 May 2013

Phật dạy pháp An cư

Phật dạy chúng đệ tử tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni, mỗi năm, chín tháng mùa khô có thể du hóa trong dân gian, còn ba tháng mùa mưa phải an cư tại một trú xứ. Pháp an cư này được hai chúng xuất gia vâng hành cho đến ngày nay.
Pháp an cư có Tiền an cư và Hậu an cư. Pháp tiền an cư, theo truyền thống Bắc tông, được bắt đầu vào ngày 16 tháng 4 và kết thúc vào ngày 15 tháng 7 âm lịch. Pháp hậu an cư được bắt đầu vào bất kỳ ngày nào từ ngày 17 tháng 4 đến hết ngày 15 tháng 5 âm lịch và kết thúc sau 90 ngày kể từ ngày kiết giới an cư.
Phật dạy, trú xứ an cư của chúng tỳ-kheo nên có ít nhất năm thầy tỳ-kheo. Bởi vì, tối thiểu phải có năm thầy tỳ-kheo mới đủ túc số Tăng để tác pháp tự tứ trong ngày tự tứ. Trú xứ có từ hai đến bốn thầy tỳ-kheo có thể cùng an cư, nhưng không thể tác pháp yết-ma tự tứ, chỉ có thể đối thú tự tứ. Trú xứ chỉ có một thầy tỳ-kheo mà thầy tỳ-kheo đó không thể đến những trú xứ khác để an cư thì có thể tâm niệm an cư và tâm niệm tự tứ.
Phật dạy pháp an cư là để cho các thầy tỳ-kheo có thời gian cùng sống chung hòa hợp và cùng sách tấn nhau tu tập. Hòa hợp và thanh tịnh là sinh mệnh của Tăng. Khi nào chúng Tăng còn thanh tịnh và hòa hợp thì khi ấy Phật giáo còn tồn tại và hưng thịnh. Ba tháng an cư cũng là thời gian thuận lợi nhất để chúng Phật tử tại gia thân cận chúng Tăng học hỏi chánh pháp và tu tạo phước đức.
Hôm nay là ngày 16 tháng 4 âm lịch. Là ngày chúng Tăng kiết giới an cư.
Thích Nguyên Lộc
-->Đọc thêm...

Friday, 24 May 2013

Năm 2013 là năm Phật lịch 2556 hay 2557?

Xem hình ảnh mừng Phật đản sanh trên các trang mạng Phật giáo thấy có sự khác biệt trong cách tính Phật lịch giữa Việt Nam và Thái Lan. Theo Phật giáo Việt Nam, năm Tây lịch 2013 là năm Phật lịch 2557. Nhưng Phật giáo Thái Lan, xem qua hình ảnh Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Bangkok, lại ghi Phật lịch 2556 – Tây lịch 2013. Vậy Phật lịch năm nào là chính xác?
 
 

Ở đây, chúng tôi không bàn đến sự khác nhau về năm sinh của đức Phật được đề cập trong nhiều nguồn sử liệu của các truyền thống Phật giáo. Theo sự chấp nhận chung của Phật giáo, chúng tôi chấp nhận năm sinh của đức Phật là năm 624 trước Tây lịch. Đức Phật nhập niết-bàn năm 80 tuổi. Nghĩa là năm Phật niết-bàn là năm 544 trước TL. Và Phật lịch thường được tính từ năm Phật niết-bàn. Nếu bắt đầu tính là năm 544 đến 543 là Phật lịch năm thứ nhất, thì năm 2013 là Phật lịch năm thứ 2557. Phật giáo Việt Nam tính theo cách này. Nhưng tại Việt Nam, ngày rằm tháng tư âm lịch (trùng hợp với đêm trăng tròn tháng Vesak, theo lịch Ấn Độ) là ngày tưởng niệm Phật đản sanh, không phải là ngày tưởng niệm Phật niết-bàn. Tuy nhiên, theo truyền thống Bắc tông, Phật niết-bàn vào ngày rằm tháng 2 âm lịch. Như vậy, tháng tư âm lịch đã sang Phật lịch mới. Nghĩa là đã tính Phật lịch 2557.
Phật giáo Thái Lan, trong Đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc năm 2013 lại ghi Phật lịch 2556. Hiện nay, Phật giáo Thái Lan cũng chấp nhận năm đức Phật niết-bàn năm 544 TTL. Nhưng Phật giáo Thái Lan và Phật giáo một số nước thuộc truyền thống Nam tông lại có cách tính khác. Phật giáo các nước này tính từ năm 0, tức là từ năm 544 đến 543 là năm 0, chứ không phải năm Phật lịch thứ 1. Tính theo cách này, nên Phật giáo Thái Lan tính từ đêm trăng tròn tháng Vesak năm nay, (ngày 24 /6/2013) đến đêm trăng tròn tháng Vesak năm tới (ngày 13/5/2014) là Phật lịch 2556. Phật giáo các nước Nam tông tổ chức ba sự kiện, Phật đản sanh, Phật thành đạo và Phật niết-bàn trong một ngày.
Vậy tính theo cách nào là đúng? Thiết nghĩ chẳng có cách nào là đúng hay không đúng cả. Cách tính ngày tháng để tưởng niệm những sự kiện liên quan đến đức Phật tùy thuộc vào cách tính lịch pháp của mỗi quốc gia, mỗi truyền thống. Những sự khác biệt này không có gì quan trọng. Có điều đáng quan tâm là Đại lễ Vesak tại Thái Lan là đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc, có nhiều đoàn Phật giáo từ nhiều quốc gia tham dự. Mà đại lễ này lại ghi PL 2556. Vậy chúng ta nên theo cách tính của Phật giáo Thái Lan để tính Phật lịch hay vẫn tiếp tục tính theo cách tính của Phật giáo Việt Nam?
Hôm nay là ngày nghĩ lễ. Quanh vùng chúng tôi ở không có chùa, cũng không có cộng đồng người Việt. Tụng kinh, lễ Phật xong, vào các trang mạng Phật giáo xem đọc tin mừng Phật đản, chúng tôi thấy có sự khác nhau trong cách tính Phật lịch giữa Phật giáo Việt Nam và Thái Lan, nên ghi nhanh vài dòng trong ngày mừng Phật đản sanh.
Thích Nguyên Lộc
-->Đọc thêm...

Tuesday, 21 May 2013

Hài nhi Kỳ diệu

Từ xưa, hình tượng Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh tại vườn Lâm tì ni đã được cách điệu, phổ quát thành nghệ thuật hội hoạ, điêu khắc là một đồng tử, tôn trí phụng thờ trong các ngôi chùa trên đất nước Việt Nam. Ngày nay, thường được chuẩn hoá làm hình tượng trung tâm của các lễ đài kỷ niệm ngày Phật Đản.
Hình ảnh một anh nhi thánh hạnh, khuôn mặt tròn đầy phước tướng, biểu hiện ứng thân đức Phật Thích Ca giáng sanh dưới nhành hoa vô ưu với bảy bước chân đầu đời, mỗi bước một hoa sen nâng đỡ, với câu nói đầu tiên chớm nở trên đôi môi hồng tươi tắn của một Em Bé: “Trên trời dưới đất, chỉ ta độc nhất”. Hình ảnh ấy được nhất quán mô tả qua kinh điển, hình ảnh ấy từng được Đại sĩ Mã Minh (Asvaghova. 100 – 160 TL) thi hoá vào Trường ca Phật sở hành tán:
An tường hành thất bộ        Ung dung bảy bước đi
Túc hạ an bình chỉ              An bình in rõ dấu
Bích triệt du thất tinh          Bảy sao sáng khác gì
Thú Vương sư tử bộ            Uyển chuyển bước sư tử.
Bảy bước chân anh nhi thánh hạnh ghi dấu ấn giữa mặt đất thế giới ta bà như bảy vì sao sáng, mỗi bước chân anh nhi thánh hạnh trầm hùng như mỗi bước chân vua loài thú…
Có lẽ Phật Sở Hành Tán (Buddhacarita) đã là Trường ca đầu tiên Phật giáo Bắc truyền viết về cuộc đời đức Phật; có lẽ chính từ bước đi khai phá của Đại sĩ Mã Minh, nguồn mạch thi ca đã được khơi dậy nguồn cảm xúc cho các nhà thơ về sau mạnh dạn thi hoá hình ảnh Đản sanh đức Từ Phụ vào thi ca:
Bụt ơi, sao Bụt mà xinh
Bé ơi! Sao bé đẹp tình nhân gian
Bé, từ trong trái tim ngoan
Bụt, từ trong cõi nhân hoàn thiết tha
Bụt về Bụt hẹn cùng ta
Rằng ai ai nữa cũng là Như Như…
(Trụ Vũ – Ngón Tay Hoa)
Em ơi! Đức Phật là Người
Bàn tay nhân ái, nụ cười bao dung.
(Hạnh Phương – Phật Là Người)
Phát triển theo chiều dài lịch sử truyền bá, đạo Phật Việt Nam, hình ảnh Đức Phật đản sanh lại được Việt Nam hoá, bình dân hoá, ca dao hoá… thành hình ảnh thánh thiện mà thân thiết trong mạch sống thi ca:
Bài thơ mừng đón Đản sinh
Âm ba đồng vọng ân tình nước non 
Quê hương đạo nghĩa vuông tròn
Từng trang lịch sử vàng son thái hoà
Bài thơ tự tánh đơm hoa
Vang reo khúc hát hoan ca thanh bình
Nụ cười em bé tươi xinh
Lắng nghe đức Phật trong mình nguy nga…
(Hạnh Phương – Chân Thường Niềm Vui)
Đạo Phật như dòng suối mát dạt dào, đạo Phật đến đâu mang theo sức sống thanh bình đến đó, đạo Phật đến Việt Nam, với khả năng “thâu hoá sáng tạo”(*) đặc thù; hình ảnh đức Phật ngay từ Sơ sinh Khánh đản đã được minh hoạ bằng hình ảnh một Em Bé Việt Nam, một Hài Nhi Kỳ Diệu của đất nước bốn ngàn năm văn hiến:
Trên chùa Bụt son tô vàng thiếp
Ngoài nhân gian, Bụt xuống đồng xanh
Bụt làm suối, suối ngào ngọt chảy
Thơm dịu dàng hoa bưởi hoa chanh
Bụt làm gió, gió dào dạt dậy
Kiến Sâu vui chân bước xuân hành.
… … … …
Bụt xôi oản cho đầy tay bé
Bé quê hương yêu Bụt hiền lành.
(Trụ Vũ – Bụt Của Bé)
Hình ảnh Bụt Sơ Sinh, Em Bé Hài Nhi Kỳ Diệu được khuôn vào tư tưởng pháp thân Như Lai thường trụ, Pháp Thân bất hoại, phi biến dị; nó lại càng lung linh màu sắc, lại càng tinh tế huyền nhiệm:
Tuyệt vời bảy buớc hoa sen
Trang nghiêm cho cõi bùn đen nhiệm mầu
Giữa lòng biển lệ thiên thâu
Chợt nghe lóng lánh xưa sau nụ cười
Sáng nay, Bụt lại vào đời
Ngón tay hoa trỏ, cho mười phương trăng.
(Trụ Vũ – Ngón Tay Hoa)
Trụ Vũ, một nhà thơ lớn của Phật Giáo Việt Nam hiện đại, có viết bài thơ Hoa Sứ, mà mỗi lần đọc, bạn đọc dễ liên tưởng đến những âm thanh vang vọng, lời Vua trời Đế Thích Sakra nói giữa không trung, vẳng tới với Hoàng hậu Maya: “Hoàng hậu hãy vui mừng; vì đã khai sinh một đức bé may mắn thế nầy.”
Vâng; Đứa Bé May Mắn ấy là Hoàng Tử Đông Cung của một triều đại thịnh vượng nhất Ấn Độ cổ đại. Đứa bé ấy chính là hình tượng Anh Nhi Thánh Hạnh trong nét phác ký họa chân dung sau đây của Nhà thơ Trụ Vũ:
Chú bé thơ ngây
Thiên thần đậu cánh
Phật Đản về đây
Mặt trời lóng lánh.
Mặt trời là em
Em là thái tử
Mũ ngọc không thèm
Chỉ thèm hoa sứ
Nên em ra cửa
Chập chững chân hồng
Ngước mắt vời trông
Phật cười hoa nở.
(Trụ Vũ – Hoa Sứ)
Bạn đọc có cảm giác như đang đọc những câu thơ tiên tri, như lời tiên đoán của Tiên ông A tư đà. Ngay từ buổi sơ sinh khánh đản, anh nhi thánh hạnh đã không khát thèm chiếc mũ ngọc quyền uy tột đỉnh, không khát thèm cung điện lầu son nguy nga tráng lệ. Em Bé Hài Nhi Kỳ Diệu bảy bước chân đi bảy bước hoa sen nở, ngón tay chỉ trời gồm thâu nhiếp hoá cả mười phương không gian vô tận, ngón tay chỉ đất gồm thâu tất cả sơn hà đại địa vô biên… Vâng, Em Bé ấy chỉ thấy thích nguồn hương, như nguồn hương hoa sứ của trời đất Việt Nam; nguồn hương hoa sứ thoảng đến từ phương trời giải thoát Giác ngộ…
Do vậy, khi khởi niệm hướng về Khánh Đản, hướng về ngày Có Mặt Giữa Cuộc Đời của Đấng Toàn Giác, Đấng Cao Thượng, Đấng Vua Pháp Tối Thượng là chúng ta thấy ngay những điều mầu nhiệm:
Tất cả chúng mình là Chú Bé Hài Nhi Kỳ Diệu
Từng giây một, từng sát na giai điệu
Mình sơ sinh, như hạt nước cành sen
Như Chú Bé Ban Sơ
Nên Bụt hiện trong lòng ta Khánh Đản
Em là Bụt, Bụt là em: Tia Sáng
Trên cành dâu quê mẹ sáng tinh mơ.
(Trụ Vũ – Hài Nhi Kỳ Diệu)
Tự thân Bụt là Như Lai, Pháp thân Phật là Như Lai, là Đến là Đi Như Thế, từ vô lượng trời gian quá hiện vị lai, từ vô biên quốc độ hằng hà sa số vi trần, Như Lai đến và đi như Một Hài Nhi Kỳ Diệu:
Mỗi buớc Bụt đản sanh
Mỗi hoa sen thơm ngát
Và mỗi bước chúng mình
Niềm tin yêu dào dạt
Bụt thân thiết lắm mà
Ở ngay giữa nhà ta
Ngay giữa tim mình đó
Lời Kinh Bụt ngân nga.
Chớ bảo Bụt cao siêu
Pháp thân ngài vốn vậy
Chỉ cần em bé thấy
Bụt chính là mẹ yêu…
… Mỗi bước chúng mình đi
Luôn có Bụt từ bi
Đưa em về cõi Bụt
Mừng Khánh Đản uy nghi.
(Hạnh Phương – Ngưỡng Vọng Đản Sanh)
Pháp giới duyên sanh vận hành theo quy luật tự thân của nó, nó có mặt tràn đầy trong vạn pháp. Tự thể pháp giới duyên sanh là Vô Ngã, do đó nó vượt khỏi vô lượng thời gian, vô biên không gian. Với cái nhìn trí tuệ vô ngã, quán chiếu thực tại nhiệm mầu hình tượng Hài Nhi Kỳ Diệu thì chúng ta thấy ngay hình ảnh Đức Bụt xuống thăm Cõi Đời:
Hôm nay Phật Đản về đây
Mười phương Bồ Tát hiện đầy hương vân
Đàn trẻ thơ chơi ngoài sân
Dung dăng dung dẻ tay cầm tay trăng
Vì hoa cho tháng Tư rằm
Vì em cho Bụt xuống thăm cõi đời.
(Trụ Vũ – Tháng Tư Rằm)
Bụt xuống thăm cõi đời? Bụt hiện ở đâu, lúc nào? Khi tâm linh ta tròn đầy niềm ngưỡng mộ Người Cao Quý Nhất Giữa Loài Người, thì ở nơi đâu, bất cứ lúc nào ta cũng thấy đức Phật đản sanh. Phật không chỉ riêng có mặt trong tâm thức ta mà cả nơi vầng trăng tròn nọ, nơi ngọn gió hiu kia, cả nơi ngọn lá tươi non, cả trong nụ hoa đàm tiếu:
Nương am vắng
Bụt hiện từ bi
Gió hiu hiu…
Mây nhè nhẹ
(Huyền Quang)
Có lẽ Thiền sư Huyền Quang, cách xa chúng ta vài thế kỷ, khi người thiền hành lên chùa Vân Yên, xứ của khói mây, chiêm quan bầu trời cảnh Bụt, cũng đã từng thấy Bụt Đản Sanh; và cái nhìn trí tuệ ấy cũng không khác gì cái nhìn tuệ giác của những người Ở Đây, Bây Giờ:
Nữa khuya, đức Phật vào đời
Trong đôi cánh hạc tuyệt vời lên trăng
Cành hoa muộn nở ngoài sân
Thoảng hương xa, Phật đến gần trong hương
Phật là hoa, Phật là hương
Là trăng, là hạc, là hồn phương đông.
(Trụ Vũ – Nữa Khuya)
Phật nương cánh hạc mà đến. Phật ngát trong cành hoa nở muộn trước sân, Phật là hoa, Phật là hương… Đọc những ý thơ ấy chúng ta lại liên tưởng lời thoại giữa Thiền sư Như Mãn với vua Đường Thuận Tông:
- Phật Đản sinh phương nào, nhập diệt về đâu?
Phật thường trụ ở đời nhưng bây giờ thì Phật đang ở đâu?
- Phật từ vô vi đến, khi diệt về vô vi
Pháp thân đồng hư không, thường trụ chốn vô tâm.
Có niệm về vô niệm, có trụ về vô trụ
Đến vì chúng sinh mà đến, đi vì chúng sinh mà đi.
Có duyên Phật ra đời, hết duyên Phật nhập diệt,
Mỗi nơi giáo hoá chúng sanh như bóng trăng hiện dưới nước…
(Thích Phước Hảo dịch – Ngũ Đăng Hội nguyên Tiết Dẫn)
Do vậy, cứ nhịp chu tuần thời gian chuyển dịch, khi vầng trăng tròn tháng tư vằng vặc giữa không trung, khi những đoá hoa sen đầu mùa toả hương thanh khiết là lòng người con Phật lại nôn nao quy hướng về ngày hội lớn, ngày hội Đản Sanh:
Con về trẫy hội Tâm Xuân
Tháng Tư đản Phật chu tuần nguy nga
Nam mô Từ Phụ Thích Ca
Lâm tỳ ni nở bông hoa diệu kỳ
Tám mươi nét đẹp… Hài Nhi
Bảy hoa sen… bảy bước đi… nhiệm mầu…
(Tâm Hương – Hội Hoa Đản Phật)
Hình ảnh phương phi bậc anh nhi thánh hạnh lại mồn một rạng ngời trong tâm thức người con Phật. Rồi nơi đâu, lúc nào chúng ta cũng cảm thấy được bơi lội trong hồng ân đức Từ phụ hiện thân Anh Nhi Thánh Hạnh, chú bé Hài Nhi Kỳ Diệu luôn có mặt giữa cuộc đời.
Hạnh Phương
 
 
 
-->Đọc thêm...

Thursday, 16 May 2013

“Ta là đấng Tối tôn trong ba cõi”

Đó là lời đức Thế Tôn tuyên bố ngay sau khi đản sanh trong thế giới nhân loại. Như chúng ta đã biết, sau khi đản sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni, bước đi trên bảy đóa sen, nhìn bốn hướng, đức Thế Tôn dũng mãnh tuyên bố những lời tuyên ngôn, mà theo cách nói hình tượng, làm rung động ba cõi. Tuyên ngôn đó được ghi lại trong nhiều kinh sách Phật giáo của nhiều truyền thống khác nhau. Và có một số khác biệt theo quan điểm của các truyền thống. Theo bài kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp của kinh Trung bộ thuộc kinh tạng Nikāya, đức Phật tuyên bố, “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa.” Hay theo các kinh điển được lưu giữ trong Hán tạng, đức Phật tuyên bố, “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Nhất thiết thế gian, sanh lão bệnh tử”; “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn. Yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử”, v.v..
Nội dung của lời tuyên ngôn này ghi lại trong các kinh điển có khác biệt nên có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng theo chúng tôi, nhìn chung, các kinh sách đều cho rằng “Ta” (ngã) trong lời tuyên bố này là “Ta” trong ngôi thứ nhất số ít. Nghĩa là chỉ cho đức Phật. Lời tuyên ngôn này cũng được ghi lại trong kinh tạng Nikāya mà hệ thống kinh tang Nikāya không có khái niệm “chân ngã” nên, theo chúng tôi, nếu hiểu theo cách hiểu chung của Phật giáo thì chữ “Ta” ở đây không có nghĩa là Ta (ngã) trong “chân ngã”. Nó càng không phải “Ta” trong cách hiểu “cái Ta” bị tham chấp. “Ta” ở đây là danh từ hiểu theo nghĩa tục đế chỉ cho ngôi thứ nhất, mà cụ thể là đức Phật. Chữ “Ta” theo cách hiểu này về sau đức Phật cũng có dùng trong khi giao tiếp hay giảng pháp. Như vậy, có thể hiểu ý chính của lời tuyên ngôn này là đức Phật tuyên bố rằng Ngài là đấng tối tôn và tối thắng trong ba cõi. Ngài là đấng tối tôn và tối thắng trong ba cõi bởi vì Ngài sẽ giải thoát ba cõi và giúp chúng sanh giải thoát ba cõi.
Lời tuyên bố ấy có ngã mạn quá không? Xin trả lời ngay là không. Lời tuyên bố ấy như lời một lời tự khẳng định. Ngày trước, Phật Nhiên Đăng dự nói trong tương lai xa Ngài sẽ thành Phât hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Bây giờ, Ngài phải tự khẳng định trong tương lai gần Ngài sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và trước khi thành Phật, Ngài đã là bậc Tối tôn trong ba cõi; sau khi thành Phật, Ngài sẽ dìu dắt chúng sanh ra khỏi ba cõi. Theo quan niệm chung của Phật giáo, trước khi thành Phật, đức Phật là Bồ-tát “Nhất sanh bổ xứ”. Đã là Bồ-tát “nhất sanh bố xứ” mà không dũng mãnh tuyên bố mình là Thầy của trời người, sẽ vượt thoát ba cõi, sẽ thành Phật thì làm sao có thể thành Phật, làm sao có thể làm Thầy dìu dắt chúng sanh trong ba cõi. Thành Phật không phải là việc may rủi hay đến đâu hay đến đó. Nên ngay khi đặt chân xuống thế giới này, Ngài phải dõng mãnh tuyên bố như thế. Sự tuyên bố này hoàn toàn không thể hiện tính ngã mạn hay ngạo mạn. Sự khẳng định vị trí và khả năng của các Thánh giả không thể hiểu theo cách hiểu ngã mạn của một con người bình thường.
Thiết nghĩ, không chỉ có đức Phật mà bất kỳ chúng sanh nào, muốn vượt ra ba cõi và thành Phật thì trước phải tự khẳng định mình có khả năng vượt thoát sanh tử và thành Phật. Nhưng sự khẳng định đó phải khởi ra từ cảm thức tâm linh chứ không phải từ sự hiểu biết của tri thức thường nghiệm. Mà cảm thức tâm linh thì không thuộc phạm trù nhị nguyên để nói là ngã mạn hay không ngã mạn. Chưa khẳng định được mình như vậy thì con đường vượt ra ba cõi và thành Phật còn dài xa thẳm.
Đọc lại lời tuyên ngôn này làm chúng tôi nhớ lại lời dạy tha thiết của đức Phật được lưu giữ trong các kinh điển Phật giáo. Đại ý Phật dạy, này những người con yêu quý của Như Lai, Như Lai đã vượt thoát ba cõi, Như Lai đã thành Phật. Các con cũng có khả năng vượt thoát ba cõi, các con cũng có khả năng thành Phật. Các con phải dõng mãnh khẳng định mình như vậy, các con phải dõng mãnh bước lên và đi theo con đường cao rộng của các bậc Thánh. Dù con đường thành Phật rất dài, nhưng các con quyết đi, các con sẽ đến đích. Các con phải nhớ lời Như Lai dạy, “Như Lai là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành.”
Nhân mùa Phật đản, đọc lại tuyên ngôn Phật đản của Phật, thêm một lần nữa, tôi biết rằng tôi cũng có khả năng thành Phật! Nhưng con đường thành Phật của tôi còn dài xa thẳm! Nhiều khi nghĩ đến đường còn dài xa thẳm, tôi thật sự lo sợ. Trên con đường dài ấy, tôi rất cần sự động viên và sách tấn của bằng hữu tri thức!
Thích Nguyên Lộc
-->Đọc thêm...

Wednesday, 15 May 2013

Niềm tĩnh lặng

 
Bên đài hoa sen trắng 
Trông thấy ánh đạo vàng 
Bên niềm vui tĩnh lặng 
Thấy Phật tỏa hào quang

Yêu người mơ thấy Phật
Ngưỡng Phật thấy ngần xinh
Ba mươi hai tướng tốt
Từng giây phút đản sinh
 
Mỗi tay chấp hoa sen
Mỗi vào chùa mô Phật
Ngập ngụa giữa bùn đen
Mỗi thăng hoa diệu mật
 
Cứ mỗi mùa khánh đản
Quán niệm Phật trong mình
Lâm tỳ ni bỉ ngạn
Hoa ưu đàm ngần xinh
 
Phật trỏ tay chỉ trời
Trời xanh biếc khơi vơi
Phật mỉm cười trỏ đất
Đất nâu bỗng rạng ngời

Phật hóa thân em bé
Tim mẹ ngát hương thiền
Phật hóa thân con trẻ
Vua Cha mừng lòng yên
 
Thầm nghe giữa lòng mình
Mười phương Phật đản sinh
Kia hình hài máu mũ
Thảy thảy đều quang vinh
 
Thầm nghe tôi là em
Lắng nghe em là mẹ
Mỗi mỗi là hoa sen
Mưa lâm thâm lá hẹ
 
Bên đài hoa sen trắng
Lại thấy vương miện vua
Chuyển luân vương tối thắng
Ngoài được mất hơn thua
 
Đức Vua Pháp dạy mình
Tứ đại thực là xinh
Năm uẩn mà tối thắng:
Vì vậy: Phật đản sinh
 
Thầy Ba Cõi hằng khuyên
Mười phương thuần tịnh độ
Niệm Phật - tự phòng hộ
Pháp tánh hiện chân nguyên
 
Bên đài hoa sen trắng
Thấy bản thể chân như
Nghe pháp âm thù thắng
  Hùng lực đại bi từ
                                               
Hạnh Phương

-->Đọc thêm...

Monday, 13 May 2013

Bồ-tát Long Thọ

Bồ-tát Long Thọ là một trong những Đại sư vĩ đại nhất của Phật giáo Đại thừa.[1] Ngài thực hành theo con đường của Bồ-tát. Do vậy, Đại sư Cưu-ma-la-thập và nhiều sử gia Phật giáo gọi Tổ sư Long Thọ là Bồ-tát. Ở đây, chúng tôi cũng gọi theo cách gọi tôn kính này.
Long Thọ là tên gọi theo cách dịch trong tiếng Trung Hoa. Tên của ngài trong tiếng Sanskrit là Nāgārjuna. “Nāga” là loài rắn. Trong tín ngưỡng Ấn Độ, rắn là một loài hung dữ và tượng trưng cho sự phá hủy. Rắn được tôn thờ như một vị thần. Tên gọi của ngài có liên hệ với một loài phá hủy. Và đúng như tên gọi, Nāgārjuna như một rắn thần hung dữ. Bằng Tánh không luận, ngài phá hủy tất cả. Phá hủy tất cả giáo thuyết về Tiểu ngã và Đại ngã của Bà-la-môn giáo. Phá hủy tất cả quan niệm về “linh hồn” đang thịnh hành trong giới bình dân của Độc tử bộ. Phá hủy tất cả luận thuyết “Nhất thiết hữu” đang ảnh hưởng trong giới trí thức của Nhất thiết hữu bộ...
Bồ-tát Long Thọ thường được xem là tông chủ của nhiều tông phái thuộc truyền thống Đại thừa. Do vậy, thời gian ra đời và công cuộc hoằng pháp của ngài có một số khác biệt khi được ghi lại trong các sử liệu của các tông phái. Sử liệu sớm nhất về Bồ-tát Long Thọ là tác phẩm Long Thọ Bồ-tát truyện.[2] Tác phẩm này được ngài Cưu-ma-la-thập dịch sang tiếng Trung Quốc vào năm 405 TL. Bản dịch Long Thọ Bồ-tát truyện của Cưu-ma-la-thập không đề cập năm sanh của ngài Long Thọ. Nhưng những học trò của Đại sư Cưu-ma-la-thập như Huệ Viễn cho rằng Bồ-tát Long Thọ ra đời vào thế kỷ thứ IX sau Phật diệt độ. Căn cứ vào những nguồn sử liệu này và so sánh với sử liệu Tây Tạng, giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng Long Thọ có thể sinh vào năm 113 và mất vào năm 173.[3] T.R.V. Murti cũng cho rằng Long Thọ thành lập Trung Quán tông vào năm 150 TL.[4] Và nhìn chung, các sử gia Phật giáo và các nhà cứu nghiên lịch sử Ấn Độ đồng ý rằng Long Thọ là bạn thân cũng là Thầy của vua Gautamīputra, triều đại Śātavāhana ở Nam Ấn. Vua Gautamīputra trị vì, theo giáo sư Raychaudhuri,[5] trong khoảng 103 đến 130 TL và theo Nilakatha Sastri, trong khoảng 170-199 TL.[6] Như vậy, có thể khẳng định rằng Bồ-tát Long Thọ sinh ra và mất đi trong thế kỷ II sau TL.
Ngài Huyền Trang, trong Đại Đường Tây Vực ký,[7] và ngài Bu-ston, trong Lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ và Tây Tạng[8] đều ghi rằng Bồ-tát Long Thọ sinh ra ở nước Vidarbha (phía Nam Kosala), nay là thành phố Nagpur, thuộc tiểu bang Maharastra của miền Nam Ấn Độ. Theo Long Thọ Bồ-tát truyện, ngay từ nhỏ, Long Thọ tỏ rõ là một cậu bé thông minh. Đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia học Phật. Thời gian đầu, ngài theo học giáo điển của các bộ phái thuộc Thinh Văn thừa. Chỉ trong 90 ngày, ngài đã lãnh hội toàn bộ giáo nghĩa của các bộ phái này. Nhưng không hài lòng với lời dạy trong những kinh điển này, Long Thọ vân du cầu học. Và một hôm, ngài gặp một Trưởng lão cao Tăng đang sống ẩn dật trong núi Tuyết. Tại đây, vị Tăng trưởng lão này trao cho ngài một số kinh điển của Đại thừa. Ngài rất hài lòng và say mê nghiên cứu. Sau đó, Bồ-tát Long Thọ được mời đến cung của Long Vương và tại đây, ngài nhận được thêm nhiều kinh điển khác của Đại thừa, nổi bật nhất là kinh Bát-nhã.[9]
Sự kiện Bồ-tát Long Thọ vào Long Cung để nhận kinh điển Đại thừa có hơi hướng huyền thoại lịch sử. Có thể rằng thời gian đầu, Long Thọ xuất gia học Phật theo Đại chúng bộ hoặc chi phái của Đại chúng bộ, những bộ phái đang thịnh hành tại Nam Ấn. Trong thời gian này, Ngài thân cận một số trưởng lão có tư tưởng Đại thừa sống trong các chi phái của Đại chúng bộ, cụ thể là phái Pūrvaśailas and Aparaśailas. Truyền thống Tây Tạng ghi lại rằng vào thế kỷ đầu Tây lịch, hai chi phái này đã tụng đọc và nghiên cứu giáo nghĩa của kinh Bát-nhã.[10] Nên hoàn toàn có thể, ngài Long Thọ đã nghiên cứu kinh điển Đại thừa, đặc biệt là Tiểu Phẩm Bát-nhã với các trưởng lão có tư tưởng Đại thừa trong hai chi phái của Đại chúng bộ. Gặp được kinh điển Đại thừa, Bồ-tát Long Thọ say mê nghiên cứu, hành trì theo giáo thuyết của kinh điển Đại thừa. Với trí tuệ siêu việt và năng lực phi phàm, ngài đã trước tác nhiều tác phẩm để xiển dương giáo điển Đại thừa, kiệt tác nhất là Trung Luận, và truyền bá giáo điển ấy.
Nhận thấy cần truyền bá giáo điển Đại thừa lên Bắc Ấn, Bồ-tát Long Thọ đã du hóa về phương Bắc. Đầu tiên ngài đến các khu vực phía Tây thuộc quyền cai trị của hoàng tộc Śaka. Rồi đi dần lên Tây Bắc của hoàng tộc Kuṣāṇa.[11] Và sau đó, theo các sử gia Tây Tạng, Ngài xuôi về Đông Bắc. Tại Đông Ấn, ngài đã lưu lại và giảng dạy một thời gian dài tại Nalanda. Cuối đời, Bồ-tát Long Thọ trở về Nam Ấn và sống tại tu viện Śrīparvata.[12] Tại tu viện này, ngài đã tiếp nhận Thánh Thiên làm đệ tử. Thầy Thánh Thiên là học trò kiệt xuất nhất của Bồ-tát Long Thọ. Đã có người có thể tiếp nối công việc trước tác và hoằng pháp, Bồ-tát Long Thọ bắt đầu nghĩ đến việc viên tịch.
Theo ngài Huyền Trang, với sở chứng của mình, Bồ-tát Long Thọ có thể sống vài trăm năm. Nhưng với phong thái của một Đại sỹ Bồ-tát tự tại giữa sống và chết, Long Thọ đã tự cắt đứt đầu của mình theo lời đề nghị của một hoàng tử, con của vua Dẫn Chánh (Yin-cheng), bạn của ngài Long Thọ.[13] Bồ-tát Long Thọ viên tịch tại Tu viện Śrīparvata. Sau này, tu viện Śrīparvata thường được gọi là tu viện Nāgārjunakoṇḍa, gọi theo tên của Bồ-tát Long Thọ. Nāgārjunakoṇḍa nay thuộc Andra Pradesh,  một tiểu bang ở miền Đông Nam Ấn Độ.
Bồ-tát Long Thọ là một Tu sĩ thuộc truyền thống Đại thừa. Nên ngài dấn thân không mệt mỏi để xiển dương giáo lý Đại thừa nói chung và luận thuyết Tánh không của ngài. Long Thọ đưa ra luận lý “Bát bất Trung đạo.” Và với luận lý này, Ngài đả phá triệt để những luận thuyết về Thực tại luận và Đa nguyên luận của các bộ phái Phật giáo và các chi phái của Bà-la-môn giáo.[14] Long Thọ tuyên bố Tánh của tất cả các pháp là Không tánh.
Bồ-tát Long Thọ cũng là một Tăng sĩ Phật giáo nói chung. Nên ngài luôn tận tâm bảo vệ Tăng sĩ của tất cả bộ phái Phật giáo và thừa nhận những giáo lý chung của Phật giáo. Trong một lá thư dài gởi vua Gautamīputra, Bồ-tát Long Thọ chỉ dành một phần ngắn khuyên vua thực hành một số việc cần làm của một Phật tử Đại thừa. Còn phần lớn nội dung của thư này, ngài khuyên đức vua nên quy kính ba ngôi Tam bảo[15] và thực hành những giá trị đạo đức chung của Phật giáo.[16] Ngài Long Thọ khuyên vua quy kính Phật, Pháp, Tăng cũng có nghĩa là khuyên vua hãy tôn trọng và bảo vệ Tu sĩ của tất cả bộ phái Phật giáo.
Đại sư Tāranātha, một sử gia Phật giáo Tây Tạng, cho rằng Bồ-tát Long Thọ là nhà lãnh đạo của tất cả bộ phái Phật giáo.[17] Cho dù, ngài khó có thể là nhà lãnh đạo chung của Phật giáo. Nhưng ngài chắc chắn là Thầy của rất nhiều Tu sĩ thuộc các  bộ phái Phật giáo khác nhau. Trong số những Tăng sĩ này, có nhiều vị đã chuyển theo truyền thống Đại thừa. Và thực tế lịch sử cho thấy rằng từ khi Bồ-tát Long Thọ chuyển theo Đại thừa, Đại thừa bắt đầu phát triển mạnh và truyền bá đến nhiều tiểu vương quốc tại Ấn Độ.
Như vậy, có một số khác biệt trong các nguồn sử liệu về thời gian ra đời và hành trạng của Bồ-tát Long Thọ như thường thấy đối với hầu hết các sự kiện liên quan đến lịch sử của Phật giáo Ấn Độ. Nhưng trên đại thể, hành trạng của Bồ-tát Long Thọ được ghi lại trong các nguồn sử này là giống nhau. Bồ-tát Long Thọ là một nhà tư tưởng lớn của Đại thừa, là một nhà hoằng pháp không biết mệt mỏi, là tác giả của Trung Luận và tông chủ của Trung Quán tông. Sự xuất hiện luận thuyết về Tánh không của Trung Quán tông như cơn địa chấn làm rung chuyển nền tảng của nhiều luận thuyết đương thời. Giáo thuyết về Tánh không ấy cũng là phương pháp hành trì của các hành giả Trung Quán tông. Và cho đến ngày nay, Tánh không ấy vẫn là một luận thuyết được giới học giả nghiên cứu về triết học quan tâm và luận giải. Pháp quán về Tánh không ấy vẫn còn là một phương pháp hành trì của các hành giả Không quán.
Thích Nguyên Lộc

Chú thích:
[1] "Đại thừa" trong tiếng Sanskrit là "Mahāyāna". Phật giáo Việt Nam hiện nay gọi truyền thống Mahāyāna là Bắc tông. Cách gọi này có thể phù hợp tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi thấy không phù hợp khi gọi những sử kiện liên quan đến truyền thống Mahāyāna tại Ấn Độ là Bắc tông hay Bắc truyền. Nên ở đây, chúng tôi gọi Mahāyāna, theo cách dịch của các Tổ sư Trung Hoa, là Đại thừa. Hoàn toàn không có ý niệm phân biệt Đại thừa hay Tiểu thừa. Đại thừa chỉ là danh xưng của một bộ phái trong nhiều bộ phái Phật giáo đã tồn tại trong lịch sử Ấn Độ. Ngày nay, Phật giáo các nước và sách Phật học bằng tiếng Anh vẫn thường gọi hai truyền thống Phật giáo hiện còn là: Mahāyāna và Theravāda.
[2] Đại chánh., 2047.
[3] Lê Mạnh Thát, The Philosophy of Vasubandhu, T.P. Hồ Chí Minh: NXB. Tổng Hợp, 2006, tr. 50-53.
[4] T.R.V. Murti, The Central Philosophy of Buddhism, George Allen & Unwin, 1955, tr. 87.
[5] H.C. Raychaudhuri, Political History of Ancient India, Calcutta: University of Calcutta, 1953, tr. 491.
[6] N. Sastri, A History of South India, Oxford University Press, 1958, tr. 92.
[7] T. Watters, On Yuan chwang’s Travels in India, Vol. II, New Delhi: Munshiram Mahoharlal, 1973, tr. 201.
[8] Bu-ston, The History of Buddhism in India and Tibet, E. Obermiller (dịch.), Delhi: Sri Satguru, 1986, tr. 122.
[9] Đại chánh., 2047, tr. 185c19-186a.
[10] A. K. Warder, trong Indian Buddhism, trích dẫn từ É. Lamotte, “Sur la formation du Mahāyāna’, Asiatica, tr. 387.
[11] S. Ichimura, “Nāgārjuna’s Historicity on the Basis of Suhṛllekha and Rathnāvalī”, Buddhist Critical Spirituality Prajñā and Śūnyatā, Delhi: Motilal Banarsidass, tr. 34.
[12] Tāranātha, History of Buddhism in India, Chattopadhyaya, A. (dịch), Calcutta: K.P Bagchi & Company, 1980, tr. 106; Bu-ston, sđd., tr. 123.
[13] Theo ký sự của ngài Huyền Trang được T. Watters dẫn lại, Bồ-tát Long Thọ sống đến mấy trăm tuổi. Và tuổi thọ của vua Dẫn Chánh tùy thuộc vào tuổi thọ của ngài Long Thọ. Hoàng tử út của vua và mẹ của hoàng tử này tin rằng chỉ khi nào ngài Long Thọ xả thọ mạng và thị tịch thì vua mới băng hà. Hoàng tử này không muốn qua đời trước vua cha và muốn sớm lên ngôi vua. Nên đã đến thỉnh cầu Bồ-tát Long Thọ xả bỏ thọ mạng. Chấp nhận lời thỉnh của hoàng tử, Bồ-tát Long Thọ xả bỏ thọ mạng và tự chấm dứt mạng sống của ngài. T. Watters sđd., vol. II, tr. 201-202.
[14] J. Takakusu, The Essentials of Buddhist Philosophy, Delhi: Motilal Banarsidass, 2002, tr. 99.
[15] Ven. L. Jamspal (dịch), Nāgārjuna’s Letter to King Gautamīputra, Delhi: Motilal Banarsidass, 2004, tr. 1-2.
[16] Sđd., tr. 6.
[17] Tāranātha, sđd., tr. 106.

-->Đọc thêm...

Friday, 10 May 2013

Mừng Phật đản sanh theo các truyền thống Phật giáo


Mỗi năm, trong khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 Tây lịch, con Phật trên khắp hành tinh, hân hoan và trang trọng kính tưởng ngày đức Thích Tôn đản sanh nơi thế giới Ta-bà. Cùng chung những ý nghĩa và cảm niệm dâng lên cúng dường đức Thế Tôn, lễ hội thiêng liêng của người con Phật này được tổ chức gắn liền với nhiều bản sắc văn hóa, bằng nhiều phương cách và trong nhiều thời điểm khác nhau. Thời gian diễn ra lễ Phật đản tùy thuộc lịch pháp của mỗi quốc gia và truyền thống Phật giáo. Phật giáo Nam tông theo lịch Ấn Độ và Sri Lanka, Phật giáo Bắc tông theo lịch Trung Quốc và Phật giáo vùng Himalaya theo lịch Tây Tạng.
Khoảng hai trăm năm sau Phật diệt độ, Phật giáo thuộc truyền thống Theravāda được truyền sang Sri Lanka và nhanh chóng phát triển tại đảo quốc này. Sau đó, Phật giáo Theravāda cũng được truyền đến và phát triển tại các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Cambodia. Truyền thống Theravāda (Thượng tọa bộ), ngày nay ở Việt Nam thường được gọi là Nam tông, gọi ngày Phật đản (theo truyền thống Bắc tông) là ngày Vesak (Vesak Day). Phật giáo tại các quốc gia này tổ chức đại lễ Vesak để tưởng niệm ba sự kiện lớn của Phật giáo: Phật đản sanh, Phật thành đạo và Phật Niết-bàn.
 “Vesak” là tiếng Sri Lanka; tương đồng với Vesākha trong tiếng Pāli và Vaiśākha trong tiếng Sanskrit. Vaiśākha (Vesak) là tháng thứ 2 trong 12 tháng của lịch Ấn Độ và Sri Lanka, trong khoảng cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 Tây lịch. Tại Ấn Độ, tháng Vaiśākha là tháng diễn ra nhiều lễ hội thu hoạch mùa màn. Phong tục, tập quán, văn hóa và tôn giáo của Sri lanka ảnh hưởng chính yếu từ Ấn Độ, và lịch pháp của Sri Lanka cũng gần giống với lịch pháp Ấn Độ. Thuật từ “Vesak” được sử dụng đầu tiên tại Sri Lanka. Sau Đại hội Liên hữu Phật giáo thế giới lần thứ I tại Sri Lanka năm 1950, thuật từ này được sử dụng phổ biến tại các nước Phật giáo Nam tông. Và kể từ năm 1999, sau nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Vesak, “Vesak” được chính thức sử dụng trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc và tại một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc tông trong ý nghĩa kính tưởng ngày đức Thích Tôn đản sanh. Hằng năm, đêm trăng tròn tháng Vesak cũng là đêm rằm tháng tư theo lịch Trung Hoa.
 

Phật giáo được sinh ra tại Ấn Độ và là một trong những tôn giáo lớn của Ấn Độ trong suốt hơn 1000 năm. Nhưng, hiện nay, số người theo Phật giáo chỉ là con số nhỏ tại đất nước rộng lớn này. Nên Đại lễ Vesak không được xã hội quan tâm và biết đến nhiều. Ở những nơi có tín đồ Phật giáo, Phật tử chỉ treo cờ Phật giáo hoặc tôn thiết lễ đài nho nhỏ để tưởng niệm ngày Vesak. Tuy nhiên, ngày Vesak là ngày nghỉ lễ chính thức tại Ấn Độ.

Tại Sri Lanka, Phật giáo là quốc giáo. Thời gian lễ hội Vesak, người dân được nghỉ lễ. Tính theo lịch pháp Sri lanka, Đại lễ Vesak diễn ra trong hai đêm trăng tròn tháng Vesak. Ngoài những buổi lễ tụng kinh và cầu nguyện mang tính tôn giáo, lễ hội Vesak còn có nhiều chương trình mang tính lễ hội dân gian. Trong những ngày lễ hội, tất cả quán bia rượu và lò giết mổ phải đóng cửa. Người dân nước này phóng sanh một số lượng lớn thú vật, chim, cá… Họ thường đến thăm và phát quà cho trẻ mồ côi và người già neo đơn. Mặc dù Phật giáo Sri Lanka thuộc truyền thống Nam tông, Tăng sĩ có thể ăn mặn, nhưng trong thời gian này, món chay được bày bán tại rất nhiều nơi. Hầu hết tư gia Phật tử đều trang trí cờ Phật giáo, lồng đèn và đèn nến… Những nơi công cộng diễn ra nhiều chương trình lễ hội. Trong đó chương trình rước và diễu hành xá-lợi gây ấn tượng và tạo nên xúc cảm nhất đối với người tham dự. Xá-lợi Phật được tôn trí trên lưng những chú voi được trang điểm lộng lẫy với sắc màu mang phong cách Nam Á, theo sau là hàng ngàn Phật tử, diễu hành khắp những đường phố.
 
 
Tại Thái Lan, Myanmar, Lào, Cambodia, Phật giáo vẫn là tôn giáo chính và tư tưởng Phật giáo vẫn đang đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của phần lớn người dân. Ngày Vesak là ngày lễ quốc gia và người dân được nghỉ lễ. Đêm trăng tròn tháng Vesak theo lịch pháp của các nước này cũng là đêm trăng rằm tháng tư âm lịch.
Tại Myanmar, ngày Vesak cũng gọi là ngày “the Fullmoon of Kason”. Kason là tháng thứ 2 trong 12 tháng theo lịch Myanmar. Đây là tháng nóng nhất trong năm. Nên trong khuôn khổ lễ hội Vesak, người dân nơi đây, với lòng thành kính, đặt những chậu nước tinh khiết trên đầu đội đến những tự viện tưới xuống cây Bồ-đề. Họ tưới cây Bồ-đề để cảm ơn giống cây này đã che chở đức Thế Tôn trong những ngày thiền định trước khi chứng đạo và ước nguyện năng lực giải thoát luôn trưởng dưỡng trong họ.
 
 
Thái Lan là quốc gia Phật giáo đã nhiều năm liền tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Năm nay, Thái Lan tiếp tục tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Vesak Day cũng được gọi là Visaka Bochea Day tại Cambodia và Vixakha Bouxa Day tại Lào. Tại Lào, trong thời gian lễ hội Vesak, khí trời nóng bức và không mưa, người ta thường bắn pháo hoa với ước nguyện sẽ có mưa.
 
 
Từ đầu kỷ nguyên Tây lịch về sau, Phật giáo thuộc truyền thống Mahāyāna (Đại thừa) phát triển mạnh và ảnh hưởng khắp tiểu lục địa Ấn Độ. Rồi, bằng đường Tơ lụa và đường biển, Mahāyāna truyền sang các nước Trung Á và Trung Quốc. Từ Trung Quốc, Mahāyāna (Đại thừa), ngày nay ở Việt Nam thường được gọi là Bắc tông, ảnh hưởng đến Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Lễ Phật đản tại các nước Phật giáo Bắc tông tổ chức từ ngày 8 đến 15 tháng 4 Âm lịch (theo lịch Trung Quốc), với ý nghĩa tưởng niệm ngày Phật đản sanh. Riêng Phật giáo Nhật Bản, kể từ Minh Trị Thiên hoàng, Phật đản được tổ chức vào ngày 8 tháng 4 Dương lịch.
Tại Trung Quốc, Phật giáo đã có mặt gần 2000 năm. Phật giáo từng là tư tưởng chủ đạo cho chính quyền và người dân trong một số triều đại. Lễ Phật đản được tổ chức từ thời Tam Quốc, đã ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội qua nhiều giai đoạn lịch sử. Nhưng, ngày nay, Phật giáo không còn ảnh hưởng nhiều trong xã hội Trung Quốc. Người dân biết đến Phật giáo như là một tôn giáo lo ma chay, cúng kiếng, võ thuật… Lễ Phật đản chỉ có thể được tổ chức trong khuôn viên tự viện và ít được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, Phật giáo Đài Loan, một phần tinh hoa của Phật giáo Trung Quốc, hiện đang ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật của người dân tại lãnh thổ Đài Loan.
 
 
Tại Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo có lịch sử lâu nhất và có tín đồ đông nhất. Vì vậy, tuy ngày Phật đản chưa phải là ngày mà người dân được nghỉ lễ nhưng Phật đản phải là ngày được xã hội quan tâm và được tổ chức với tầm của một tôn giáo lớn.
 
 
Tại Nhật Bản, Phật giáo truyền đến từ cuối thế kỷ VI và là tôn giáo chính trong giai đoạn trung và đầu cận đại. Ngày nay, bên cạnh sự phát triển vượt trội về kinh tế, đời sống tâm linh và tinh thần người dân Nhật Bản đang gặp nhiều khủng hoảng, song Phật giáo Nhật Bản chưa đáp ứng kịp và giải quyết được sự khủng hoảng này. Lễ Phật đản thường gắn liền với lễ hội hoa anh đào, cũng chỉ giới hạn trong phạm vi tự viện và trong quần chúng Phật tử.
 
 
Tại Nam Hàn, những người lãnh đạo quốc gia phần lớn là tín đồ Tin Lành, và đã có dấu hiệu khinh thị Phật giáo. Nhưng trong những năm gần đây, Phật giáo Nam Hàn không ngừng phát triển. Ngày Phật đản là ngày lễ quốc gia. Lễ hội Phật đản diễn ra tại nhiều nơi công cộng, và trên những đường phố. Trưng bày và diễu hành lồng đèn là một trong những chương trình ấn tượng và gây nhiều xúc cảm nhất. Riêng tại thủ đô Seoul, mỗi năm ước tính có khoảng trên 100,000 lồng đèn với nhiều hình dáng và màu sắc được trưng bày và biểu diễn trên những đường phố. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều chùa viện ở Hàn Quốc tổ chức những buổi lễ xuất gia gieo duyên cho các thiếu nhi Phật tử trong tuần Phật đản.
 

Phật giáo thuộc truyền thống Varjayāna (Kim cang thừa) truyền từ Ấn Độ đến Tây Tạng vào đầu thế kỷ VII; từ đó, Phật giáo Tây Tạng ảnh hưởng ra các quốc gia vùng Hy-mã-lạp sơn (Himalaya), gồm Bhutan, Nepal... Lễ Phật đản trong các nước thuộc truyền thống Tây Tạng diễn ra vào 15 tháng 4 theo lịch Tây Tạng, khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 Tây lịch. Ngoài những nghi thức lễ bái, tụng kinh, dâng hương hoa cúng dường tại các tự viện và tư gia, người Phật tử theo truyền thống này thường hành hương đến đỉnh núi Kailash, thuộc dãy Himalaya, phía Tây bắc Nepal. Nó là ngọn núi thiêng của tín đồ Phật giáo Himalaya, Ấn Độ, Kỳ-na giáo và đạo Bon. Những người hành hương cho rằng, đỉnh núi này là nơi hội tụ tất cả năng lực của vũ trụ.
 
 
Phật giáo từ Ấn Độ truyền đến nhiều quốc gia, và có ít sự thay đổi để phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng bản địa. Và ba sự kiện Phật đản sanh, Phật thành đạo và Phật niết-bàn cũng được tổ chức với những nghi thức và tại các thời điểm khác nhau theo mỗi truyền thống Phật giáo. Dù người con Phật trong các truyền thống tổ chức tưởng niệm những sự kiện này khác nhau, ngôn ngữ và cách diễn đạt Phật pháp khác nhau, nhưng có cùng chung tinh thần và cảm xúc: cùng nguyện tu theo pháp đức Phật đã tu, làm theo những gì đức Phật đã làm và đã dạy, cùng hướng đến mục đích tối thượng giải thoát sanh tử, thành tựu Phật quả. Người con Phật trong các truyền thống khác nhau có chung ý nghĩa và cư xử trong tinh thần tương hợp như thế, Phật giáo sẽ mang đến nhiều an lạc và lợi ích cho số đông hơn.■
Thích Nguyên Lộc
-->Đọc thêm...

Thursday, 9 May 2013

Thắng Man Phu nhân: Thực tiễn hành động


Thiện Tài đồng tử,[1] sau khi đã phát khởi chí nguyện đại thừa, lại mong thực hiện cụ thể chí nguyện ấy, bèn thưa với Bồ tát Văn-thù rằng: «Như cõi đất lớn không hề dao động, khi mang gánh nặng bằng sức mạnh đại bi, như kho tàng trí tuệ nuôi dưỡng thế gian, mong con bước lên cỗ xe tối thượng như vậy.»[2]
Bồ tát Văn-thù bây giờ quay lại với tất cả dáng điệu trầm hùng của con voi chúa,[3] quán sát và tán thán Thiện Tài đồng tử: «Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, ngươi đã phát tâm vô thượng chánh giác, lại còn mong mỏi gần gũi các thiện tri thức để học hỏi Bồ tát hạnh…»
Đã phát khởi chí nguyện Đại thừa, lại kiên quyết thực hiện chí nguyện ấy, đó thực sự là cung cách hùng dũng của con sư tử đang vươn mình, và do đó phải được nhìn đến bằng cung cách của con voi chúa. «Sư tử tần thân, tượng vương hồi thị», là thành ngữ mô tả tất cả cung cách uy mãnh của chí nguyện Đại thừa và hành vi thực tiễn của chí nguyện ấy. Nhân cách vĩ đại không do nơi địa vị cao trọng của một thiên tử hay vương phi, hay những gì tương tợ, mà chính do bởi chí nguyện và thực tiễn hành động. Thắng Man Phu nhân không phải chỉ điển hình cao cả của một nữ Phật tử, mà còn là điễn hình cho sự định giá tuyệt đối về khả năng hướng thượng của bất cứ chúng sinh nào.
Sau khi đã phát khởi chí nguyện Đại thừa như vậy, Thắng Man Phu nhân lại tiếp đến nêu rõ những thực tiễn hành động của Bồ tát đạo mà người nữ có thể thực hiện được. Đây là vấn đề liên hệ đến căn tính dị biệt trong các môi trường thực hành Bồ tát đạo.
Cùng đi trong một Nhất thừa đạo, cùng hướng đến một lý tưởng Phật đạo duy nhất, nói một cách tổng quát, cùng tuyệt đối bình đẳng về Phật tính, nhưng giới hạn căn tính của chúng sinh vốn sai biệt bất đồng. Vì vậy, Bồ tát đạo không chỉ có một. Thiện Tài đồng tử điển hình cho giới thanh niên trí thức, thực hành Bồ tát đạo bằng sự thân cận thiện tri thức để học hỏi không hề biết mệt mỏi. Duy-ma-cật điển hình cho cư sĩ lão thành, thể hiện Bồ tát đạo bằng du hí tam muội, với đời sống phóng khoáng, thong dong không hề câu nệ hình danh sắc tướng. Cũng vậy, Thắng Man Phu nhân điển hình cho phụ nữ thực hành Bồ tát đạo bằng cung cách trang nhã, từ ái, khiêm cung. Môi trường thực hành bao gồm từ giới hạn thân thuộc với bổn phận tôn kính bậc trưởng thượng, yêu mến những người thấp hơn, cho đến những sinh hoạt trong cộng đồng xã hội, biết săn sóc những người côi cút, biết làm vơi nỗi khổ và tăng niềm vui cho mọi người. Như trong lời phát thệ của Phu nhân đã nói rõ: «Không vì riêng mình mà thực hành bốn nhiếp sự.» Bồ tát hướng đến Phật đạo không chỉ vì thành tựu cứu cánh của riêng mình, mà trong sự nghiệp cứu cánh chung đó của mọi thế gian có sự tham dự xây dựng của mình. Cho nên, Bồ tát không đến để phá hủy những gì thế gian đang có và đang ước vọng: Tài sản, tình yêu, hạnh phúc… nhưng đến để dựng lại những gì đang sụp đổ, nối kết những gì bị đứt lìa. Xuất hiện hay thác sinh trong hình tướng phụ nữ thì Bồ tát hành động đúng theo thiên chức của nữ giới. Thành tựu thiên chức ấy trong chí nguyện Đại thừa tức là thành tựu trọn vẹn Bồ tát đạo. Bởi vì, do căn tính dị biệt, có những hàng chúng sinh cần được giáo hóa bằng hình tướng Phật, hình tướng Thanh văn hay hình tướng Đại Phạm thiên, hình tướng đại thần, tỳ-kheo, cư sĩ, thì cũng có những hàng chúng sinh cần được giáo hoá bằng hình tướng phụ nữ, cho đến hình tướng đồng nữ. Cho nên cũng như chí nguyện Đại thừa cao cả mà cũng đơn giản, thì cũng vậy, sự thực hành Bồ tát đạo rất khó khăn mà cũng rất giản dị. Nói rằng khó, thì hành động tung hoa của một thiên nữ, thậm chí Tôn giả Xá-lợi-phất cũng không hiểu hết.[4] Nói rằng giản dị, thì cho đến việc con nít vọc cát mà chơi cũng có thể thành Phật.[5]
Tuệ Sỹ - Trích một phần trong bài “Giới thiệu kinh Thắng Man
 
Chú thích:
[1] Skt. Sudhana-śresthidāraka.
[2] Cf. Ganda, tr. 4523: tan mahāmahitalācalopamam karunavegabalabhāravāhitam/ jñāna- saṃpajagatopajīvitam agrayānam abhirohayāhi me. Cf. Hoa nghiêm (Thật), q. 62, phẩm Nhập pháp giới, Đại 10 tr.333b21; Hoa nghiêm (Bát), Đại 10, T.293, tr. 678c19; Hoa nghiêm (Phật), Đại 9 tr. 689a18.
[3] nāgavalokitenāvalokya, Ganda., 46.
[4] Duy-ma-cật, phẩm vii. «Quán chúng sinh»; Đại 14, tr.547c
[5] Pháp hoa, phẩm ii. «Phương tiện,» Đại 9, tr. 9a5.
-->Đọc thêm...

Duy-ma-cật: Nhân cách huyền thoại

 
Vaisâli (Tỳ-da-li), thủ phủ của Vajji (Bạt-kỳ), một cường quốc theo chế độ cộng hòa thị tộc của người Vajji, mà các lân bang quen gọi là Licchavì, là một đô thị phát triển trù phú thời đức Thích Tôn tại thế, và những người Licchavì giàu có, vinh quang, được ví như các thiên thần cõi trời Ðao-lợi (Trayastrimsa).
Một buổi sáng, có tiếng trẻ khóc trước vườn Thượng uyển của nhà vua. Người giữ vườn ra xem, bắt gặp một bé gái bị bỏ rơi dưới một gốc xoài. Ông ẳm bé gái về nuôi và đặt tên là Amrapâlì, với ý nghĩa là người con gái được bảo vệ bởi gốc xoài.
Lớn lên, sắc đẹp của nàng không những rục sáng cả nước, mà còn chói rạng xa đến những địa phương mà tiếng đồn có thể lan đến. Nhan sắc của nàng che mờ trí tuệ và dũng lược của các vương tôn, công tử, những người Licchavì giàu có, thế lực. Nàng trở thành đối tượng tranh chấp của họ. Ðể tránh cho sự tranh chấp không trở thành xung đột quyết liệt, họ thỏa thuận Amrapâlì là bảo vật chung. Ðịnh mệnh bắt nàng phải trở thành một kỹ nữ. Và cũng từ đó, Vaisâlì trở thành một vườn hoa chói lọi bởi sắc đẹp thiên kiều bá mỵ của Amrapâlì, thu hút khá nhiều tài sản vật chất của các vương tôn, và của cả những quân vương đầy quyền uy. Trong đó có cả vua Bimbisàra, vua nước Magadha hùng cường bậc nhất vào thời bấy giờ. Vua một thời là bạn của Thái tử Siddhârtha, và sau đó là đệ tử thành tín của Phật. Amrapâlì sinh cho Bimbasàra một người con. Một con người được sinh ra từ những đam mê trụy lạc của một quân vương và một kỹ nữ. Nhưng, đó sẽ là một đóa sen từ bùn lầy hôi tanh mà vươn lên với hương sắc thuần tịnh. Họ đặt tên cho con mình là Vimala, không ô nhiễm, hay sẽ dứt sạch ô nhiễm. Quả nhiên, về sau Vimala xuất gia theo Phật, rồi chứng đắc quả A-la-hán.
Ðó là một Vimala ẩn sỹ. Từ thanh lâu đi vào rừng tía. Lang thang với một bình bát và ba y. Hạnh phúc với đời sống tri túc.
Nhưng, còn một Vimala khác không chỉ làm chói sáng Vaisâlì như một nhân vật huyền thoại. Một con người mà danh tiếng không chỉ được đồn đãi giữa các vua chúa, các phú gia địch quốc, giữa các trà đình tửu quán, giữa các chốn thanh lâu trụy lạc; mà danh tiếng ấy còn vang xa đến tận cùng biên giới của vũ trụ, nếu vũ trụ có biên giới; được các Thánh nhân, các Bồ-tát kính trọng; được các đức Phật tán dương. Ðó là danh tiếng không chút ô nhiễm ngay dù được truyền tụng giữa bùn lầy ô nhiểm. Ðó là một Vimala-kìrti. Là một Thánh nhân nhưng không hề ở trên cõi Thánh thanh tịnh vô vi. Ðó cũng là một tay lạc phách giang hồ, mà trong lòng tay, những cánh hoa giới trở thành thể tính Chân không vi diệu.
Có một nhân vật lịch sử như thế chăng, hay đấy chỉ là một nhân vật hư cấu để biểu tượng một tư tưởng triết học hay một lý tưởng Bồ-tát đạo của Phật giáo Ðại thừa?
Có thể trả lời một cách dứt khoát rằng đó là một nhân vật lịch sử, xuất hiện trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử phát triển Phật giáo nói chung, và trong thời kỳ vận động của Ðại thừa.
Một con người có thật được trang bị với một cơ sở tư tưởng bất nhị (advaita) để có thể tự nâng lên hàng Thánh giả vượt ngoài tam giới nhưng đồng thời có thể hạ mình ngập lụt trong thế gian ô nhiễm mà vẫn không tách lìa thế giới thuần tịnh vô nhiễm.
Một con ngưòi có thật, sống trong trạng thái an nhiên giải thoát bất khả tư nghị, đã bưng ngọn đèn trí tuệ ra khỏi các hang động tĩnh mặc, từ các thâm sơn cùng cốc, để rọi sáng đường đi cho những con người đang mãi chìm đắm trong bùn lầy hôi thối bỗng phát hiện chân diện mục của mình nguyên lai là thanh tịnh. Ðó là một nghệ sĩ lớn, bằng du hí thần thông tam muội, hằng rong chơi trong sáu nẻo luân hồi, với những chất liệu thấp hèn, dơ bẩn của thế giới ô trược, đã nắn thành những tác phẩm thánh thiện tuyệt vời. Lịch sử nhân loại nếu chưa từng xuất hiện một, hay nhiều nhân vật như vậy, thì thế giới này chỉ là một sa mạc nóng bức đầy quái tượng dã thú. Ðó là một khẳng định mang tính bản thể luận, và cũng là yếu tính lịch sử phát triển của xã hội loài người.
Chính vì, trong một thời kỳ nhất định, tất yếu xuất hiện một nhân vật hiện thực như vậy để làm sáng tỏ khát vọng vĩnh cửu của con người, thúc đẩy lịch sử chuyển hướng sang một giai đoạn mới; và đã có nhiều nhân vật lịch sử như vậy, cho nên hình ảnh một Vimalakìrti hiện thực được hoá thân thành nhân vật huyền thoại. Nói cách khác, từ một con người hiện thực, Vimalakìrti trở thành biểu tượng cho tác nhân lịch sử. Thế nhưng, đó là con người mà chúng ta sẽ học tập ở đây, như là một cách người nhân cách hóa cho lý tưởng của Ðại thừa Bồ tát.
Tuệ Sỹ - Trích một phần trong bài “Giới thiệu kinh Duy-ma-cật
-->Đọc thêm...

Tuesday, 7 May 2013

Khát ái là gì?

Khát ái cũng còn gọi là tham ái. Tham ái là tham chấp về cái Ta và cái của Ta của tất cả chúng sanh trong ba cõi. Tham ái có ba cấp bậc từ thô thiển đến vi tế, tương ứng với ba cõi (tam giới): Dục, Sắc và Vô sắc. Ba cấp bậc của tham ái tương ứng với ba cõi thường được gọi là dục ái, hữu ái và vô hữu ái. Tham ái, theo Phật giáo, là nguyên nhân của luân hồi sanh tử và khổ đau. Chúng sanh còn tham ái thì còn luân hồi sanh tử trong ba cõi và còn trong ba cõi là còn khổ đau.
Chúng sanh trong cõi dục (dục giới), trong đó có loài người, có đầy đủ tham ái của cả ba cõi. Nhưng dục ái là nổi trội và thô thiển nhất. Nên Phật giáo phân loại tham ái của cõi này là dục ái. Dục ái tức là tham chấp về cái Ta và cái của Ta liên hệ với dục. Tham chấp về cái Ta là tham chấp về một linh hồn hay một chủ thể bất biến trong ta đang thọ hưởng dục lạc hay lãnh chịu khổ đau. Tham chấp về cái của Ta liên hệ với dục là tham chấp những cái bên ngoài mà mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm và thân chạm. Những tham dục bên ngoài này thường bao gồm trong ngũ dục: tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Một cách tương đối, có tiền tài thì dễ dàng có sắc dục, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Nên tiền tài được sắp thứ tự đầu tiên trong ngũ dục. Nhưng tiền tài không phải là thứ tạo ra dục lạc mà nó là điều kiện để tạo ra bốn thứ dục lạc sau. Trong bốn sự tham dục sau, tham dục về sắc hay sắc dục là nổi trội và thô thiển nhất.
Sắc dục không phải là nhục dục. Nhục dục chỉ một phần của sắc dục. Sắc dục là những dục lạc được tạo ra nhờ sắc. Sắc có nội sắc và ngoại sắc. Nội sắc là sắc uẩn của thân ngũ uẩn. Hay là sắc thân. Ngoại sắc là những đối tượng mà mắt có thể nhìn thấy. Như vậy, sắc dục là sự tham chấp vào sắc thân của chính mình và tham chấp vào đối tượng bên ngoài mà mắt có thể nhìn thấy, bao gồm sắc đẹp của người khác phái, nhà cửa, xe cộ, v.v.. Trong những sự tham chấp về sắc dục, tham chấp về nhục dục là thô và thấp nhất. Lấy ví dụ, trong hai người, một người tham đắm nhục dục, bằng mọi cách, để thỏa mãn nhục dục của mình và một người tham đắm về đồ cổ (đồ cổ là sắc, nên tham đắm đồ cổ cũng thuộc sắc dục), dùng phần lớn tiền của của mình sưu tầm đồ cổ. Sự tham đắm về nhục dục rõ ràng là thô và thấp hơn sự tham đắm về đồ cổ.
Nhục dục là thô thiển và thấp nhất trong sắc dục. Sắc dục là thô và thấp nhất trong ngũ dục. Ngũ dục là một phần của tham ái cõi dục. Và tham ái cõi dục (dục ái) là thấp và thô thiển nhất trong khát ái hay tham ái của ba cõi. Như vậy, đoạn trừ tham chấp về nhục dục hay sắc dục chỉ là bước khởi đầu của lộ trình vượt thoát sanh tử của những người con Phật muốn vượt thoát sanh tử.
Tham ái thuộc cõi sắc (sắc giới) là những tham chấp về cái Ta và cái của Ta của chư thiên sắc giới, từ Sơ thiền thiên đến Đại tự tại thiên. Những tham ái của sắc giới cũng là những tham chấp về cái Ta đang thọ hưởng hỷ lạc và những hỷ lạc là cái của Ta của những Thiền giả đạt được các trạng trái thiền định của tứ thiền.
Và tham ái thuộc cõi vô sắc (vô sắc giới) là những tham chấp cái Ta và cái của Ta của chư thiên thuộc vô sắc giới từ Không vô biên xứ thiên đến Phi tưởng phi tưởng xứ thiên. Tham ái này cũng là những tham chấp vào hỷ lạc thiền định của những Thiền giả đạt được tứ thiền của vô sắc giới từ Không vô biên xứ đến Phi tưởng phi tưởng xứ. Nó là những tham chấp về một cái Ta đang thọ hưởng hỷ lạc vi tế của cảnh giới thiền định vô sắc và tham chấp những hỷ lạc này là cái của Ta.
Như vậy, tham ái về cái Ta và cái của Ta (vô minh) bao trùm cả ba cõi. Và nó được tích lũy từ vô lượng kiếp trong quá khứ, là tham ái mạnh mẽ nhất và khó đoạn trừ nhất. Phần lớn chúng sanh sống trong cõi dục bị những dục vọng thô thiển che lấp nên chỉ thấy những phần thô thiển của tham ái, không thấy được tham ái vi tế nằm sâu trong tiềm thức hay A-lại-da thức. Tham ái vi tế này mới thật sự mạnh mẽ và khó đoạn trừ. Năng lực thiền định của định Phi tưởng phi tưởng xứ vẫn không thể đoạn trừ được tham ái vi tế này. Đức Phật dạy phải cần đến trí tuệ về Tánh không được ví như sự cứng chắc của kim cương mới phá tan tham ái về một cái Ta và cái của Ta. Tham ái được phá tan thì sanh tử được chấm dứt.
Hay nói cách khác, muốn giải thoát ba cõi, có thể ngay trong đời này và trong cảnh giới này, thì phải đoạn trừ sự tham chấp cái Ta và cái của Ta của ba cõi, bắt đầu từ thấp lên cao hay từ thô đến tế. Nghĩa là phải bắt đầu đoạn trừ tham chấp về một cái Ta đang thọ hưởng sắc dục và sắc dục là cái của Ta và cuối cùng đoạn trừ tham chấp về cái Ta đang thọ hưởng hỷ lạc và cái hỷ lạc của định Phi tưởng phi tưởng xứ là cái của Ta. Đoạn trừ mọi tham ái, gốc rễ của sanh tử, thì sẽ chấm dứt được sanh tử khổ đau trong ba cõi.
Thay lời kết, sắc dục chỉ là sự tham dục thô thiển và thấp nhất trong năm dục chứ không phải là mạnh mẽ nhất hay khó đoạn trừ nhất như quan điểm của một số người và rồi gắn cho quan điểm của Phật giáo để bao biện cho những “ý tưởng nghệ thuật” dung tục của họ. Nếu cho rằng sắc dục là mạnh mẽ nhất và khó đoạn trừ nhất thì nó chỉ mạnh mẽ và khó đoạn trừ nhất với những ai sống trong môi trường nhiều ái dục và chưa thấy sự nguy hiểm của ái dục, nhất là về sắc dục. Nó không mạnh mẽ và không khó đoạn trừ nhất đối với những bậc chân Tăng hay những hành giả hành trì theo Giới, Định, Tuệ của Phật giáo. Với các bậc chân Tăng và người tu Phật chân chính, việc đoạn trừ vô minh, động lực chính khiến trôi lăn trong sanh tử, mới là “việc lớn” và việc quan trọng nhất. “Sanh tử” mới là “đại sự”!
Thích Nguyên Lộc
-->Đọc thêm...

Sunday, 5 May 2013

Việc nhà

 
1.
Đặt dấu ấn tâm thức cuộc đời mình lên dòng chảy thời gian
Hoằng pháp vi gia vụ, việc nhà mình là việc của muôn chung
Việc nhà mình hôm nay, hiện tiền, đương xứ tức chân, đương như thị hiện, chẳng phải chỉ của hôm qua, chỉ của hôm nay mà là việc của muôn thuở muôn nơi cho cả mỗi mỗi cuộc đời.
2.
Thuở đức Phật đưa đóa hoa sen lên giữa pháp hội Linh Sơn, riêng chỉ một Ma-ha Ca Diếp mỉm nụ cười.
Thế mới biết tự hai ngàn năm trăm năm mươi lăm năm trước đến hôm nay nụ cười ấy đã được thừa truyền tiếp nối, tiếp nối thừa truyền.
Phút lắng lòng bỗng lắng nghe ra từ tiếng người gọi, suối âm thanh vang vọng tới người nghe… chân như thể tánh hội nhập tan hòa
3.
Hương từ bi
Hương trí tuệ
Lấy từ bi làm hành trang, lấy trí tuệ làm sự nghiệp
Làn hương ấy không nề chiều gió
Mặc ngược, mặc xuôi
Tự thân lan tỏa giữa dòng đời.
Hương đức hạnh thì thơm cả mọi thời, thơm khắp muôn nơi.
4.
Người thừa truyền mạng mạch nguồn suối từ bi phát đại nguyện hoằng thâm, đến tận những đèo cao lũng sâu, xa khơi hải đảo, nhừng vùng ven vùng biên cả những nơi hoang sơ trích địa…
Bỏ hài nhung, áo gấm phù hoa, khoác nâu sòng chân đất, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ quê hương chôn nhau cắt rốn…
Tự mình thắp đuốc, vâng truyền sứ mệnh như lai, gieo ánh đạo vàng khắp nơi khắp chốn.
Hoằng pháp vi gia vụ, phụng sự chúng sanh như gánh vác việc nhà - cuốc đất trồng rau, hái ớt, hái cà, mỗi ngày không thiền, mỗi trú dạ không ăn.
Chân lý ấy tự thân tiếp xúc thừa truyền giác tánh.
Vâng lời Phật dạy: Hãy là kẻ thừa tự chánh pháp của ta, chớ là kẻ thừa tự tài vật.
Người thắp đuốc đã lên đường.
 
Hạnh Phương
-->Đọc thêm...

Friday, 3 May 2013

Tự thiêu có phạm giới sát không?

Gần đến ngày kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu. Báo chí Phật giáo đăng nhiều bài viết về sự kiện này. Có Phật tử đọc những bài viết liên quan đến sự kiện này và hỏi chúng tôi rằng những trường hợp tự thiêu để bảo vệ chánh pháp của Tăng ni Phật tử tại Việt Nam và một số nơi khác trên thế giới có phù hợp với tinh thần lời dạy của đức Phật và Phật giáo về giới cấm sát sanh không?
Đây là câu hỏi nhạy cảm và dễ hiểu nhầm. Bởi lẽ, nếu trả lời liền rằng những trường hợp tự thiêu của Tăng Ni Phật tử trong Pháp nạn 1963 là phù hợp với tinh thần lời Phật dạy thì đồng nghĩa là Phật giáo cho phép tự tử (nếu hiểu tự tử hay tự sát là hành động tự chấm dứt mạng sống của chính mình thì tự thiêu cũng là hành động tự sát hay tự tử), mà hiện nay, tự tử là một vấn nạn của nhiều quốc gia. Còn nếu trả lời hành động này không phù hợp với lời Phật dạy thì chẳng lẽ những người còn Phật vì để bảo vệ Phật giáo, bảo vệ công lý mà hành động bằng phương pháp trái ngược lời Phật dạy. Câu hỏi này cũng không mới, đã có nhiều người hỏi và nhiều người trả lời. Nhân kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức cùng chư Tôn đức Tăng ni và quý Phật tử đã tự thiêu trong Pháp nạn 1963, và nhân câu hỏi này, chúng tôi trình bày một số trường hợp liên quan đến vấn đề tự sát hay tự thiêu được đề cập trong kinh điển của các truyền thống Phật giáo như là những thông tin tham khảo.
Theo Luật tạng của các truyền thống Phật giáo hiện còn, phần duyên khởi của trọng giới cấm sát sanh của Tỳ-kheo có ghi lại trường hợp tự sát của một số Thầy Tỳ-kheo thành Tỳ-xá-ly sau khi quán sai pháp quán bất tịnh. Khi nghe đức Phật dạy về pháp quán tịnh, một số Thầy Tỳ-kheo quán sai phương pháp và thấy thân thể thật ghê tởm, thật đáng vứt bỏ. Vì cảm nhận sai về sắc thân tứ đại, nên các Thầy đã hoặc nhờ các Thầy khác hoặc tự chấm đứt mạng sống của mình. Biết được việc này, đức Phật triệu họp Tăng chúng và phê phán hành động sai trái này. Ngài dạy rằng đó là hành động của những kẻ ngu si. Và nhân đó đức Phật chế trọng giới không được sát hại mạng người, bao gồm cả ý nghĩa không được tự giết mình.
Nhìn chung, Phật giáo phản đối hành động tự sát và xem tự sát là hành vi tạo nghiệp bất thiện. Đức Phật và Phật giáo phản đối hành vi tự sát. Bởi vì theo Phật giáo, tất cả chúng sanh còn luân hồi trong ba cõi là vì còn tham ái. Nội dung tham ái có nhiều ý nghĩa nhưng ý nghĩa quan trọng nhất là ý chí muốn sống hoặc ý chí muốn sinh tồn. Có nghĩa là chúng sanh còn luân hồi trong ba cõi đều ham sống và sợ chết. Đã ham sống sợ chết mà quyết định tự tử, thì hầu hết những trường hợp tự tử này đều phát sinh từ sân hận, buồn phiền. Đó là trạng thái của vô minh. Mà hành động được thúc đẩy bởi vô minh chắc chắn sẽ lãnh thọ quả báo bất thiện trong tương lai.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp riêng biệt, đức Phật không phê phán hành vi tự sát. Đó là sự tự chấm dứt mạng sống của các Thánh giả A-la-hán và sự tự  nguyện chấm dứt mạng sống của các Đại sỹ Bồ-tát hoặc các vị đang hành Bồ-tát đạo vì lợi ích cho chúng sanh.
Kinh Tương Ưng III, chương Tương Ưng Uẩn có kể câu chuyện tự sát của Tỳ-kheo Vakkali. Kinh thuật lại rằng khi đang lưu ngụ trên một đồi núi gần thành Vương Xá, Tôn giả Vakkali lâm trọng bệnh và thân thể đau đớn. Ngài muốn tự sát. Và trước khi tự sát, Ngài rất muốn được diện kiến tôn nhan của đức Phật. Tôn giả Vakkali nhờ một Thầy Tỳ-kheo đến thỉnh đức Phật. Đức Phật liền đến liêu thất của Tôn giả và giảng dạy về pháp vô thường và sự giả tạm của thân tứ đại. Nghe xong bài pháp, Tôn giả Vakkali thực chứng về sự vô thường, khổ, vô ngã của thân ngũ uẩn. Sau khi đức Phật ra đi, Tôn giả Vakkali dùng dao tự chấm dứt mạng sống của mình. Nghe tin Tôn giả Vakkali tự sát, đức Phật và các Thầy Tỳ-kheo trở lại liêu thất của Tôn giả Vakkali. Tuy nhiên, đức Phật không chỉ trích hành động tự sát của Tôn giả Vakkali. Ngài nói với chúng Tỳ-kheo, “này các Tỷ-kheo, với thức không an trú tại một chỗ nào, Thiện nam tử Vakkali đã nhập Niết-bàn một cách hoàn toàn!” (Bản dịch của HT. Thích Minh Châu). Có nghĩa là hành động tự sát của Tôn giả Vakkali không tạo nghiệp, vì Ngài chấm dứt mạng sống trong trạng thái của bậc Thánh A-la-hán. Và Ngài đã vào vô dư Niết-bàn.
Một trường hợp tự sát khác được đề cập trong kinh Giáo giới Channa thuộc kinh Trung bộ. Và đức Phật cũng không phê phán hành vi tự sát của Tôn giả Channa. Theo bài kinh này, lúc bấy giờ đức Phật đang ở Tinh xá Trúc Lâm. Các Tôn giả Xá-lợi-phất, Maha Cunda và Channa đang ở trên núi Linh Khứu. Tôn giả Channa lâm trọng bệnh, toàn thân đau đớn, nên Ngài muốn dùng dao tự sát. Biết được tin này, ngài Xá-lợi-phất và Maha Cunda vội đến khuyên can Tôn giả Channa. Sau khi hai tôn giả ra về, với tâm thái của bậc thánh vô lậu, Tôn giả Channa đã tự chấm dứt mạng sống của mình. Nghe được tin này, đức Phật nói với Tôn giả Xá-lợi-phất, “này Sariputta (Xá-lợi-phất), ai quăng bỏ thân này, và chấp thủ thân khác, Ta nói rằng người ấy có phạm tội. Tỷ-kheo Channa không có (chấp thủ) như vậy. Tỷ-kheo Channa đem con dao lại (cho mình), không có phạm tội.” (Bản dịch của HT. Thích Minh Châu).
Tại sao đức Phật không phê phán hành động tự sát của Tôn giả Vakkali và Channa? Có thể, bởi vì với tuệ nhãn của bậc Đại Giác, đức Phật biết hai tôn giả là những bậc A-la-hán, biết được các Ngài viên tịch trong tâm thái hoàn toàn thanh tịnh của bậc thánh Vô sanh. Thánh giả A-la-hán có thể làm chủ được hạnh nghiệp của mình, nên các Ngài có thể tự tại đến và đi giữa thế gian này.
Và trong Jātaka (Chuyện Tiền Thân), kinh điển thuộc các truyền thống Phật giáo, nhiều câu chuyện tiền thân của đức Phật cho thấy rằng đức Phật, trong thời gian hành Bồ-tát đạo, đã nhiều lần tự hiến tặng một chi phần của thân hoặc toàn thân mạng của mình để mang đến an vui cho người và chúng sanh khác. Điển hình là chuyện Đại vương Sivi (Sibi, số 499). Chuyện kể rằng trong một tiền thân, khi làm đại vương Sivi của nước Sivi, Bồ-tát đã từng phát nguyện:
 “Trong tất cả các tài vật bên ngoài, chẳng có món gì ta không đem cho hết, song cách bố thí này chưa làm ta hài lòng. Ta muốn bố thí vật gì thuộc về bản thân ta. Ðược rồi hôm nay ta đến bố thí đường phát nguyện rằng nếu có người nào không xin một vật gì đó ngoài thân ta, lại nói rõ tên một phần thân thể ta, nếu người ấy muốn nói đến chính quả tim ta, ta sẽ quyết lấy dao xẻ phăng lồng ngực ta và chẳng khác nào ta nhổ lên một cộng sen từ hồ nước phẳng lặng, ta sẽ móc lấy quả tim ta đang chảy máu từng cục đem cho người ấy.
Nếu người ấy muốn xin thịt ta, ta sẽ xẻ thịt ra từ thân thể và cho nó, như thế ta dùng cái dao mà khắc chạm tấm thân này. Người đó cứ nói đến máu của ta, ta sẽ lấy máu ta nhỏ từng giọt vào miệng người đó, hoặc đổ đầy một chén rồi đem cho, hoặc nữa, giả sử có ai bảo: ‘Hạ thần không làm nổi việc nhà, xin hãy đến làm gia nô tại nhà hạ thần’, ta nhận mình là nô lệ và ta sẽ làm hết các việc nô dịch. Hoặc giả có ai đó xin đôi mắt ta, ta sẽ móc mắt ra cho nó như người ta lấy lõi của cây dừa nước”. (theo bản dịch của Giáo sư Phương Lan). Và sau đó, Ngài đã móc đôi mắt của Ngài bố thí cho một lão Bà-la-môn do Thiên chủ Sakka (Đế Thích) hóa hiện để thử hạnh nguyện bố thí của Ngài. Hành động này của Bồ-tát có thể được xem là hành động chấp nhận chấm dứt mạng sống của mình vì lợi ích của chúng sanh khác.
Câu chuyện về việc bố thí thân mạng để mang lại an vui cho người và chúng sanh khác hoặc cúng dường Phật và Pháp của Bồ-tát cũng được đề cập trong kinh tạng Thượng tọa bộ (Nam tông) và kinh tạng Đại thừa (Bắc tông). Hành động bố thí thân mạng hoặc một phần thân mạng của Bồ-tát được ghi lại trong phần mục “Bố thí độ” của Hạnh tạng trong kinh Tiểu bộ thuộc kinh tạng Nikāya. Theo đó, Bồ-tát, tiền thân đức Phật, lúc là đức vua anh minh, khi là chú thỏ hiền trí, đã bố thí một chi phần của thân thể hoặc cả thân mạng để giúp người khác được an vui.
Và phẩm “Xả bỏ thân mạng” trong kinh Kim quang minh thuộc kinh tạng Đại thừa cũng kể câu chuyện bố thí thân mạng của một tiền thân của đức Phật. Theo đó, Bồ-tát sanh làm hoàng tử Ma-ha Tát-đỏa, con vua Đại Xa. Nhân một chuyến cùng hai người anh vào rừng dạo cảnh, Ngài gặp một con cọp mẹ vừa sanh bảy con cọp con đang nằm thoi thóp chờ chết vì thiếu ăn. Nhìn thấy cảnh này, hoàng tử Ma-ha Tát-đỏa động lòng từ bi, nên đã dùng dao róc da của ngài lấy máu và thịt để nươi sống cọp mẹ và bảy cọp con. Vì mất nhiều máu và nhiều thịt, hoàng tử Tát-đỏa đã qua đời. Kết thúc pháp thoại, đức Phật khen gợi hành động bố thí ba-la-mật của hoàng tử Ma-ha Tát-đỏa và nhận diện, hoàng tử Tát-đỏa chính là một tiền thân của Ngài. Phẩm “Dược Vương Bồ-tát Bổn sự” trong kinh Pháp hoa cũng thuật lại trường hợp đốt thân cúng dường của Bồ-tát Dược Vương. Theo đó, Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, một tiền thân của Bồ-tát Dược Vương, sau khi nghe đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh thuyết kinh Pháp hoa chứng đắc “Hiện nhất thiết sắc thân tam-muội.” Ngài nhập sắc thân tam muội, hiện ra vô số hoa thơm cúng dường đức Phật và kinh Pháp hoa. Nhưng rồi ngài nghĩ “ta dầu dùng thần lực cúng dường nơi Phật, chẳng bằng dùng thân cúng dường.” (theo bản dịch của HT. Trí Tịnh). Vì vậy, Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến đã tẩm vào thân những loại hương hoa thượng hạng và dùng hỏa luân tam muội đốt thân để cúng dường đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh và kinh Pháp hoa. Và đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi hành động đốt thân cúng đường này.
Như vậy, hành động tự chấm dứt mạng sống trong trạng thái an tịnh của các Thánh giả A-la-hán và hành nguyện hiến tặng thân mạng để mang lại an vui cho chúng sanh hoặc cúng dường Phật và Pháp đã được đề cập trong kinh tạng Nguyên Thủy và kinh tạng của các truyền thống Phật giáo. Căn cứ vào những trường hợp liên quan đến việc tự sát trong các kinh điển để đánh giá sự tự thiêu của chư Thánh tử đạo của Phật giáo Việt Nam, điển hình là trường hợp tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức, chúng ta có thể kết luận rằng hành động tự thiêu của Bồ-tát vì bảo vệ chánh pháp, bảo vệ công lý là phù hợp với tinh thần lời dạy của đức Phật và Phật giáo.
Còn những sự kiện tự thiêu của những Tăng ni Phật tử ở những quốc gia khác, cụ thể sự tự thiêu của hơn 100 Tăng Ni và Phật tử Tây Tạng gần đây, được tin là để bảo vệ Phật giáo, văn hóa Tây Tạng và những quyền làm người của người dân Tây Tạng thì sao? Có phù hợp với tinh thần lời Phật dạy không? Đây là những sự kiện đã và đang diễn ra. Không thể chỉ kết luận trong một vài câu. Có dịp, chúng tôi sẽ trao đổi trong một bài khác.
Thay lời kết, đức Phật dạy rằng người học Phật cũng như người bắt rắn (kinh Ví dụ con rắn). Nếu khéo bắt thì dễ dàng chiết phục được rắn, dù rắn hung dữ. Ngược lại, nếu người bắt không khéo sẽ bị rắn gây tổn hại. Cũng vậy, người học Phật, khéo hiểu và hành theo lời Phật dạy, sẽ có nhiều lợi ích và an lạc. Còn ngược lại, người học Phật không khéo hiểu và khéo hành, rất dễ bị lời kinh Phật gây tổn tại. Trường hợp tự sát này cũng vậy. Nếu người học kinh Phật không khéo hiểu lời Phật dạy thì chính những lời dạy này có thể gây tổn hại cho người học. Sự gây tổn hại này đã thấy trong trường hợp của các Thầy Tỳ-kheo quán sai pháp quán bất tịnh ở trên và một vài trường hợp tự thiêu để cúng dường đức Phật và kinh Pháp hoa của một số chú Tiểu, Điệu ở một số tỉnh miền Trung gần đây sau khi đọc phẩm Dược Vương Bồ-tát của kinh Pháp hoa.[1]

Thích Nguyên Lộc

Chú thích: Những bài kinh và phẩm kinh được nêu ra trong bài dễ dàng tìm thấy trên nhiều trang mạng Phật giáo nên trong bài này không ghi nguồn trích dẫn từ trang web hay trang kinh.
 
[1] Trong mấy năm trước, một vài chùa ở miền Trung, có vài trường hợp các chú Tiểu Điệu, sau khi đọc kinh Pháp hoa, đặc biệt là phẩm Bồ-tát Dược Vương đốt thân cúng dường Phật và kinh Pháp hoa, đã tự tay viết lại kinh Pháp hoa và theo di ngôn của các chú để lại, các chú tự thiêu để cúng dường đức Phật và kinh Pháp hoa. Chúng tôi biết có một ngôi chùa, trong khoảng 3 năm, đã có hai vụ việc tự thiêu như vậy. Các chú để lại di ngôn nói là các chú muốn đốt thân cúng dường chư Phật và kinh Pháp hoa cũng như muốn hóa độ gia đình trở về với chánh pháp. Sau đó, vào nữa đêm, các chú tự cột chặt thân mình vào gốc cây hoặc chậu kiểng trước sân chùa và tẩm xăng tự thiêu. Có thể hành động của các chú phát xuất từ tâm thiện, nhưng việc làm này là không nên!
 

-->Đọc thêm...