Sử
liệu Phật giáo lưu lại nhiều thông tin khác nhau về nguyên nhân và thời gian
phân phái đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Lần phân phái đầu tiên giữa
Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) và Trưởng lão bộ (Sthaviravāda) đã xảy ra, hoặc
trong cùng năm đức Thế Tôn niết-bàn,[1]
hoặc trong những năm: 100, 116, 137 và 160 năm sau năm đức Thế Tôn niết-bàn,
hoặc vào năm 236 sau năm đức Thế Tôn niết-bàn.[2]
Tuy nhiên, hai thông tin về lần phân phái đầu tiên xảy ra cùng năm và 236 năm
sau đức Thế Tôn niết-bàn không có nhiều giá trị lịch sử. Hầu hết các nhà viết
sử và nghiên cứu sử Phật giáo Ấn Độ khảo cứu và tranh luận thời gian phân phái đầu
tiên giữa Đại chúng bộ và Trưởng lão bộ xảy ra trong khoảng từ 100 đến 160 năm
sau năm đức Thế Tôn niết-bàn; và có nhiều nguyên nhân khác nhau, mà nổi bật
nhất là những bất đồng về “Mười điều” liên quan đến giới luật được đề xuất bởi
các Tỳ-kheo Bạt-kỳ, được phân xét trong Đại hội Tăng đoàn tại thành Tỳ-xá-ly,
hoặc “Năm việc” liên quan đến phẩm chất của A-la-hán được khởi xướng bởi
Tỳ-kheo Đại Thiên hoặc bởi các nhóm Tỳ-kheo, được tranh luận trong một Đại hội
Tăng đoàn tại thành Hoa Thị.
Về
Đại hội Tăng đoàn Phật giáo tại thành Tỳ-xá-ly (Vaiśāli) (thường được gọi là
Đại hội kết tập kinh điển lần thứ II), các bộ luật hiện còn của các bộ phái
Phật giáo Ấn Độ đều đề cập đến Đại hội này.[3] Nhìn
chung, những tường thuật về Đại hội này trong các bộ luật đều giống nhau ở
những điểm chính yếu. Theo Luật tạng của Thượng tọa bộ (Theravāda), một trăm
năm sau năm đức Thế Tôn niết-bàn, các Tỳ-kheo Bạt-kỳ (Vajji), thành Tỳ-xá-ly, cho phép thực hành
“Mười điều” (Dasavatthūni). “Mười điều” được phép đó là: 1. Được phép cất giữ
muối trong ống sừng để khi cần dùng, sẽ dùng; 2. Được phép ăn quá trưa khi mặt
trời ngả bóng chưa quá hai ngón tay;[4] 3.
Được phép, ăn đã đủ, oai nghi đã xả, chưa làm phép dư thực, vào trong xóm làng,
ăn thêm lần nữa; 4. Được phép khác trú xứ, nhưng cùng một cương giới, yết-ma
bố-tát riêng biệt; 5. Được phép biệt chúng yết-ma, nếu các Tỳ-kheo đến sau tùy
hỷ pháp yết-ma này; 6. Được phép thực hành theo những điều Hòa thượng tế độ và
Hòa thượng A-xà-lê đã thực hành; 7. Được phép uống sữa chưa đông sau bữa ăn; 8.
Được phép uống nước trái cây lên men (rượu pha loãng); 9. Được phép cất chứa
tọa cụ không làm viền; 10. Được phép cất giữ vàng bạc.
Lúc
bấy giờ, Trưởng lão Da-xá (Yasa), du hành trong dân gian, đến thành Tỳ-xá-ly (Skt.
Vaiśāli), biết tin các Tỳ-kheo tại thành này cho phép thực hành “Mười điều”.
Ngài đã công khai phản đối rằng “Mười điều” này là phi giới, phi luật, trước
hội chúng Tỳ-kheo và quần chúng Phật tử. Các Tỳ-kheo thành Tỳ-xá-ly yết-ma quy
kết tội ngài đã nói xấu chúng Tăng trước quần chúng Phật tử, khiến họ mất tín
tâm vào Tam bảo và yêu cầu Trưởng lão Da-xá sám hối trước Đại chúng Tỳ-kheo và
nhận là mình nói sai trước quần chúng Phật tử. Trưởng lão Da-xá vẫn giữ nguyên
quan điểm của ngài khi đề cập về “Mười điều” này với quần chúng Phật tử. Ngài
giải thích với họ là ngài không sai, mà các Tỳ-kheo Bạt-kỳ cho phép thực hành
“Mười điều” ấy là trái phạm giới luật của đức Thế Tôn đã cấm chế.
Sau
đó, để ngăn chặn những điều, mà theo ngài là sai phạm, của những tỳ-kheo thành
Tỳ-xá-ly (Skt. Vaiśālī), Trưởng lão Da-xá (Yasa) đã gởi sứ giả đến thành Pāvā,
Avanti để trình bày sự việc này cho các Tỳ-kheo ở đây được rõ. Trưởng lão Da-xá
đi về phía Tây, lần lượt đến gặp các vị Trưởng lão: Sambhūta Sāṇavāsī, Revata,
Sāḷha, Sabbakāmī để trình bày sự việc và tìm sự ủng hộ của quý Ngài. Các vị Trưởng
lão cho rằng, muốn tranh luận đúng sai về “Mười điều” của các Tỳ-kheo Bạt-kỳ
phải đến nơi xảy ra sự việc, tại thành Tỳ-xá-ly, để tranh luận và giải quyết.
Do đó, một đại hội chúng Tỳ-kheo Tăng gồm 700 Tỳ-kheo được nhóm họp tại Tu viện
Vālika, thành Tỳ-xá-ly. Đại Tăng chọn ra 8 vị trưởng lão đại diện cho hai phía:
Đông và Tây. Những trưởng lão Tỳ-kheo đại diện cho các Tỳ-kheo thành Tỳ-xá-ly
thuộc các Tỳ-kheo phía Đông, gồm: Sabbākāmin, Sāḷha, Khujjasobhita và
Vāsabhagāmika. Và những trưởng lão Tỳ-kheo đại
diện cho các Tỳ-kheo Pāvā (Pāṭheyyaka), đứng đầu là Trưởng lão Da-xá, thuộc
nhóm các Tỳ-kheo phía Tây, gồm: Revata, Sambhūta, Yasa (Da-xá) và Sumana. Tăng
sai Trưởng lão Revata lần lượt hỏi Trưởng lão Sabbākāmin về “Mười điều” cho
phép của các Tỳ-kheo Bạt-kỳ là phù hợp giới luật hay không phù hợp giới luật.
Trưởng lão Sabbākāmin lần lượt trả lời “Mười điều” này là không phù hợp giới
luật. Và Đại tăng yết-ma “Mười điều” của các Tỳ-kheo Bạt-kỳ, thành Tỳ-xá-ly là
phi giới, phi luật, sai trái những giới điều đức Thế Tôn chỉ dạy.
Luật
tạng của Pháp tạng bộ (Tứ phần) và của Hữu bộ (Thập tụng) cũng kết thúc tường
thuật tương tự như Luật tạng Pāli của Thượng tọa bộ. Tức là, tường thuật về Đại
hội chúng Tỳ-kheo Tăng kết thúc tại lời kết luận “Mười điều” của các Tỳ-kheo
Bạt-kỳ là phi giới phi luật. Tuy nhiên, theo Luật tạng của Ma-ha Tăng-kỳ
(Mahasāṃghika), nguyên nhân Đại tăng triệu tập Đại hội chỉ liên quan đến vấn đề
cất giữ vàng bạc. Và kết thúc Đại hội, Tôn giả Ðà-ta-bà-la, người chủ trì Đại
hội, thưa với Đại chúng Tỳ-kheo, có 5 pháp được tùy thuận, trong đó có pháp tùy
thuận: nếu Tỳ-kheo nào không có phương tiện thì có thể nhận vàng bạc và tiền
mặt.
Tất
cả bộ luật nêu trên không đề cập đến nguyên nhân phân phái giữa Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika)
và Trưởng lão bộ (Sthaviravāda).
Đảo sử (Dīpavaṃsa)[5],
được biên soạn tại Sri Lanka
vào khoảng đầu thế kỷ IV TL, và Đại sử
(Mahavaṃsa)[6], cũng
được biên soạn tại Sri Lanka
vào thế kỷ V TL, tường thuật thêm thông tin phân giáo giữa Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika)
và Trưởng lão bộ (Sthaviravāda). Theo hai nguồn sử liệu này, sau khi Đại hội tại
thành Tỳ-xá-ly (Vaiśālī) trong thời gian trị vì của vua Kālāsoka, kết luận
“Mười điều” của các Tỳ-kheo Bạt-kỳ là phi giới phi luật, các Tỳ-kheo ủng hộ
“Mười điều” bị các vị Trưởng lão buộc tội và trục xuất. Các Tỳ-kheo ủng hộ
“Mười điều” này, gồm 10 ngàn Tỳ-kheo, đã tiến hành một Đại hội kết tập kinh
điển khác, gọi là Đại kết tập (mahāsaṅgīti).
Mười ngàn Tỳ-kheo trong đại hội Đại kết tập này thành lập Đại chúng bộ. Từ
đây, Tăng đoàn Phật giáo phân rẽ thành hai bộ: Đại chúng bộ và Trưởng lão bộ.
Những
nhà viết sử và nghiên cứu sử Phật giáo Ấn Độ chấp nhận những thông tin tường
thuật trong hai nguồn sử liệu này thì cho rằng nguyên nhân phân phái đầu tiên
giữa Đại chúng bộ và Trưởng lão bộ là do những quan điểm khác biệt về “Mười
điều” được cho phép bởi các Tỳ-kheo Bạt-kỳ trong Đại hội chúng Tỳ-kheo tăng tại
thành Tỳ-xá-ly 100 năm sau năm đức Thế Tôn niết-bàn.
Nhưng,
như những tường thuật trong các bộ luật, khi biết Trưởng lão Da-xá (Yasa) đang
vận động các vị Trưởng lão để triệu tập một Đại hội phân xét về mười điều được
cho phép, các Tỳ-kheo Bạt-kỳ cũng vận động sự ủng hộ của Trưởng lão Revanta,
bằng cách đem nhiều phẩm vật dâng cúng cho ngài, hy vọng ngài sẽ ủng hộ quan
điểm của họ. Nhưng ngài từ chối. Điều này cho thấy rằng các Tỳ-kheo Bạt-kỳ
thành Tỳ-xá-ly đã lúng túng, lo sợ và lường trước kết quả thất bại khi Đại tăng
nhóm họp tranh luận về những giới điều cho phép của họ. Nếu các Tỳ-kheo Bạt-kỳ là
những Tỳ-kheo lãnh đạo hoặc được sự ủng hộ của 10 ngàn Tỳ-kheo như Đảo sử (Dīpavaṃsa) và Đại sử (Mahāvaṃsa) tường thuật, thì chắc chắn thế lực, ảnh hưởng của họ
trong Tăng đoàn rất lớn và mạnh. Họ không thể lúng túng, lo sợ và dễ dàng bị
kết tội và trục xuất. Họ cũng không cần phải sử dụng hạ sách bằng phẩm vật (một
hình thức dùng phẩm vật để mua chuộc) để tìm sự ủng hộ của Trưởng lão Revanta
(Ly-bà-đa). Với số đông Tỳ-kheo ủng hộ “Mười điều” như vậy, nếu muốn thành lập
Đại chúng bộ, thì ngay trong Đại hội tại thành Tỳ-xá-ly, họ có thể phủ quyết
kết luận của các vị Trưởng lão và tuyên bố thành lập Đại chúng bộ, không cần
phải đi nơi khác mới tiến hành một Đại hội để lập phái. Vì vậy, có thể nói
rằng, các Tỳ-kheo Bạt-kỳ không có nhiều ảnh hưởng trong Tăng đoàn như được
tường thuật trong Đảo sử và Đai sử. Không có nhiều ảnh hưởng và uy
tín trong Tăng đoàn thì họ khó có thể triệu tập một Đại hội khác để tách phân
Tăng đoàn và thành lập Đại chúng bộ.
Vả
lại, theo É. Lamotte, nội dung về Đại hội Đại kết tập của Đại chúng bộ, đại hội
được tiến hành sau Đại hội tại thành Tỳ-xá-ly được tường thuật trong Đảo sử, không được đề cập trong các tác
phẩm lịch sử biên soạn về sau của văn học Pāli. Trong tác phẩm Samantapāsādika, ngài Budhaghosa (Phật
Âm), một Đại luận sư của Thượng tọa bộ (Theravāda), không đề cập đến sự kiện
Đại kết tập của Đại chúng bộ. Thậm chí, trong tác phẩm Nikāyasaṃgraha, được biên soạn vào cuối thế kỷ thứ IV TL, ngài
Saṃgharāja Dharmakīrti, cho rằng nguyên nhân phân phái đầu giữa Đại chúng bộ và
Trưởng lão bộ là do những quan điểm khác biệt về giáo nghĩa trong Đại hội kết
tập kinh điển tại thành Hoa Thị (Pataliputra) do ngài Mục Liên Đế Tu (Moggaliputta
Tissa) chủ trì.[7] Điều này
có nghĩa là chỉ hai nguồn sử liệu Đảo sử
và Đại sử của văn học Pāli cho rằng
nguyên nhân phân phái đầu tiên tách phân Tăng đoàn thành hai bộ: Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika)
và Trưởng lão bộ (Sthaviravāda) là do bất đồng quan điểm về “Mười điều” liên
quan đến giới luật.
Do
đó, nhiều nhà viết sử và nghiên cứu sử Phật giáo Ấn Độ khác, mặc dù chấp nhận
những tường thuật về Đại hội Tăng đoàn Phật giáo tại thành Tỳ-xá-ly trong các
bộ luật, nhưng không chấp nhận nguyên nhân phân phái được tường thuật trong Đảo sử (Dīpavaṃsa) và Đại sử (Mahāvaṃsa). Họ khảo cứu những sử
liệu liên quan đến lần phân phái giữa Đại chúng bộ và Trưởng lão bộ được lưu
giữ trong văn học của Hữu bộ (Sarvāstivāda) và của Chánh lượng bộ (Saṃmatīya).
Theo
sử liệu của Hữu bộ và Chánh lượng bộ[8],
nguyên nhân phân phái là do trong Tăng chúng xuất hiện hai quan điểm khác nhau:
một bên là ủng hộ “Năm việc” liên quan đến phẩm chất của Thánh giả A-la-hán và
một bên là phản đối “Năm việc” này. Và kết quả Tăng đoàn phân ly thành hai bộ: Đại
chúng bộ (Mahāsāṃghika) và Trưởng lão bộ (Sthaviravāda). Những người khởi xướng
và ủng hộ “Năm việc” (pañcavastu) này cho rằng: 1. A-la-hán, tuy không còn phiền não và xuất tinh
nhưng trong giấc ngủ có thể bị ma vương quấy rối, làm cho xuất tinh; 2.
A-la-hán vẫn còn nhiều điều không biết về những vấn đề liên quan đến cuộc sống
hằng ngày; 3. A-la-hán, tuy không còn nhiễm ô vô tri nhưng vẫn còn bất nhiễm ô
vô tri; 4. A-la-hán vẫn còn nhờ người khác (đức Phật) dẫn vào Thánh đạo và 5.
A-la-hán cũng phải nhờ tiếng “Khổ” (phát ra trong lúc thiền định) mới vào Thánh
đạo.
Nguyên
nhân phân phái này được thuật lại trong tác phẩm Samayabhedoparacanacakra của ngài Thế Hữu (Vasumitra), một Đại Luận
sư của Hữu bộ. Tác phẩm này có ba bản Hán dịch[9] và
một bản Tạng dịch. Cả ba bản Hán dịch đều đồng ý là: vào 116 năm sau năm đức
Thế Tôn niết-bàn, tại thành Hoa Thị (Pataliputra)[10],
trong lúc vua A-dục đang trị vì cõi Diêm Phù Đề (Ấn Độ) có các chúng Tỳ-kheo, hoặc
ba chúng tên: Năng, Nhân duyên, Đa văn (Thập bát bộ luận); hoặc bốn chúng: Đại
quốc, Ngoại biên, Đa văn, Chủng đức (Bộ chấp dị luận) hoặc Long tượng, Biên đồ,
Đa văn, Đại đức (Dị bộ tôn luân luận) ủng hộ và truyền bá “Năm việc” liên quan
đến phẩm chất A-la-hán của những kẻ dị giáo. Do “Năm việc” này, Tăng chúng xảy
ra bất đồng và dẫn đến Tăng đoàn phân ra thành hai: Đại chúng bộ và Trưởng lão
bộ (trong bản Hán dịch là Thượng tọa bộ, nhưng trong bài này dùng từ Trưởng lão
bộ, Sthaviravāda, để phân biệt với Thượng tọa bộ được dịch từ Theravāda). Hai
bản Tần dịch và Lương dịch không đề cập tên tác giả của “Năm việc” này. Tuy
nhiên, bản Đường dịch của ngài Huyền Trang có nêu tên tác giả khởi xướng “Năm
việc”, là Đại Thiên (Mahādeva), thường gọi là “Đại thiên ngũ sự.”
Các
nhà Tỳ-bà-sa (Vibhāṣā) của Hữu bộ, trong A-tỳ-đạt-ma
Đại Tỳ-bà-sa[11], cũng đồng
ý rằng, “Năm việc” này là do Đại Thiên (Mahādeva) khởi xướng và là nguyên nhân
phân phái đầu tiên này. Các nhà Tỳ-bà-sa còn đi xa hơn, viết thêm tiểu sử của Đại
Thiên; theo đó, trước khi xuất gia, Đại Thiên phạm ba trọng tội ngũ nghịch:
giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán. Tuy nhiên, các luận sư này thừa nhận, sau khi
xuất gia theo Phật, Đại Thiên là người thông minh, học nhiều hiểu rộng, được
nhiều người kính trọng, kể cả vua quan và hàng quý tộc. Các luận sư, các nhà
dịch thuật và chú giải Trung Hoa, như: Chân Đế, Cát Tạng, Huyền Trang, Khuy Cơ,
cũng chấp nhận quan điểm của các Luận sư Hữu bộ về nguyên nhân phân giáo đầu
tiên này. Tuy nhiên, ngài Khuy Cơ cho rằng, Đại Thiên chỉ là nạn nhân bị tấn công
từ các luận sư đối lập. Theo Ngài, Đại Thiên là một người thông tuệ, đạo cao
đức trọng. Mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng ngài đã chứng đạt quả vị tâm linh rất
cao, được vua quan kính trọng, đồng đạo quý mến. Đó là lý do tại sao Đại Thiên
bị quy gán ba tội ngũ nghịch, khi ngài đề xướng “Năm việc” liên quan đến phẩm
chất A-la-hán.[12]
Sử
liệu liên quan của Chánh lượng bộ (Saṃmatīya) được ngài Thanh Biện (Bhavya hoặc
Bhāvaviveka) ghi lại trong tác phẩm Tarkajvālā (Mdo XIX, tr. 162b 6-163; cf.
Mdo XC, No. 12) vào thế kỷ thứ VI TL. Sau đó, những thông tin này được các sử
gia Tây Tạng, Bu ston, thế kỷ XIV, Gzon nu dpal, thế kỷ thứ XV và Tāra nātha, thế kỷ thứ XVII trích dẫn và thuật lại trong
các tác phẩm lịch sử Phật giáo Ấn Độ của họ. Tuy nhiên, ngài Thanh Biện cung
cấp hai nguồn thông tin khác nhau liên quan đến lần phân phái lớn này. Theo
nguồn sử liệu thứ nhất, 136 năm sau năm đức Thế Tôn niết-bàn, trong thời kỳ vua
Nan da và Mahāpadma, một Đại hội Tăng đoàn được
nhóm họp để thảo luận về “Năm việc” liên quan đến tính chất A-la-hán, được khởi
xướng bởi Tỳ-kheo tên Bhadra (Tăng sĩ nổi tiếng). Do nguyên nhân này, Tăng đoàn
bị phân rẽ. Và theo nguồn sử liệu thứ hai, 160 năm sau năm đức Thế Tôn, trong
lúc vua A-dục (Asoka) đang cai trị tại thành Hoa Thị (Pātaliputra), Tăng đoàn
đã khởi lên tranh luận về một số giáo nghĩa và dẫn đến phân rẽ thành hai bộ:
Đại chúng bộ và Trưởng lão bộ.[13]
Như
vậy, tuy những nguồn sử liệu của Hữu bộ (Sarvāstivāda) và Chánh lượng bộ (Saṃmatīya)
thuật lại thời gian ly giáo có khác nhau, hoặc năm 137 (sau Phật niết-bàn: SNB)
trong thời kỳ vua Nanda và Mahāpadma, hoặc năm 116 và 160 (SNB), trong thời kỳ
vua A-dục (Aśoka); nhưng cả hai nguồn sử liệu này đều đồng ý nguyên nhân dẫn
đến Tăng đoàn rạn nứt và phân rẽ thành hai bộ: Đại chúng bộ và Trưởng lão bộ là
do bất đồng “Năm việc” liên quan đến tính chất của Thánh giả A-la-hán.
Như
chúng ta biết, khi đức Thế Tôn còn tại thế, đã có hai lần cộng đồng Tỳ-kheo bị
phân ly: một, do Đề-bà-Đạt-da lãnh đạo[14],
và một, do bất đồng quan điểm về một điều giới của hai vị Trưởng lão Tỳ-kheo
tại Kosambi. Tuy hai lần phân giáo này, sau đó, đều được đức Thế Tôn bằng nhiều
phương cách khác nhau đã tái lập hòa hợp, nhưng cả hai lần phân ly này có một
đặc tính giống nhau là đều được dẫn dắt hoặc lãnh đạo bởi những Tỳ-kheo có ảnh
hưởng lớn trong cộng đồng Tỳ-kheo và quần chúng Phật tử. Lịch sử phân phái Phật
giáo về sau cũng vậy. Hầu hết các lần phân phái đều được dẫn dắt hoặc lãnh đạo
bởi một Tỳ-kheo hay một nhóm Tỳ-kheo có uy tín và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng
Tỳ-kheo hoặc quần chúng Phật tử. Lần phân phái giữa Đại chúng bộ và Trưởng lão
bộ có thể cũng vậy. Như đã đề cập ở trên, các Tỳ-kheo Bạt-kỳ không phải là các
Tỳ-kheo có ảnh hưởng và uy tín trong Tăng chúng và quần chúng Phật tử. Nên họ không
đủ khả năng lãnh đạo 10 ngàn Tỳ-kheo, phân tách cộng đồng Tăng đoàn và thành
lập Đại chúng bộ. Chỉ có những Tỳ-kheo như Đại Thiên hoặc các nhóm Tỳ-kheo,
những Tỳ-kheo đa văn, được Tăng chúng quý mến, có uy tín trong xã hội (như được
tường thuật trong các nguồn sử liệu Sanskrit và Trung Hoa), mới có thể lãnh đạo
các nhóm Tỳ-kheo ủng hộ quan điểm của họ và thành lập bộ phái mới: Đại chúng
bộ.
Bất
đồng quan điểm về giáo nghĩa, mà ở đây cụ thể là phẩm chất của A-la-hán, là
những bất đồng và sau này là mâu thuẫn, nghiêm trọng nhất giữa Đại chúng bộ và
Trưởng lão bộ trong suốt dòng lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Các nhà Đại chúng bộ có quan
điểm rằng thánh quả A-la-hán chưa phải là quả vị viên mãn, chỉ có Phật quả mới
là quả vị viên mãn. Họ ít quan tâm đến quả vị A-la-hán, mà quan tâm chính đến
Phật quả. Theo các nhà Đại chúng bộ, và sau này là Đại thừa, muốn thành Phật
quả, phải thực hành con đường của Bồ-tát. Cho nên, các nhà Đại chúng bộ xiển
dương con đường thực hành của Bồ-tát. Con đường này khác biệt với con đường của
Thanh văn A-la-hán. Ngược lại, các nhà Trưởng lão bộ xiển dương Thánh hạnh và Thánh
quả của A-la-hán. Những khác biệt giữa quan điểm của Đại chúng bộ về Bồ-tát và
quan điểm của Trưởng lão bộ về A-la-hán là những khác biệt xuyên suốt và chính
yếu trong dòng lịch sử bộ phái Phật giáo Ấn Độ. Vì vậy, rất có thể, những bất
đồng về phẩm chất của Thánh giả A-la-hán là nguyên nhân chính yếu và cuối cùng
dẫn đến Tăng đoàn phân chia thành hai Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) và Trưởng lão
bộ (Sthaviravāda).
Liên
quan đến lần ly giáo này, giáo sư André Bareau, trong tác phẩm đối chiếu văn
bản rất nổi tiếng, Các
bộ phái Phật giáo Tiểu thừa, cho
rằng những dị biệt của Đại hội kết tập kinh điển tại thành Tỳ-xá-ly không thể
là nguyên nhân làm cho Tăng đoàn phân ly. Vì nếu, tại thời điểm đó, Tăng đoàn
đã phân ly thì chắc chắn các bộ luật của các Tông phái Phật giáo phải ghi lại thông
tin quan trọng này. Và giáo sư Bareau chấp nhận nguyên nhân phân phái đầu tiên
của Tăng đoàn Phật giáo liên quan đến “Năm việc”, mà ông cho là do Đại Thiên
khởi xướng. Và cuộc ly giáo này, theo André Bareau, không thể xảy ra vào thời
kỳ của vua A-dục (Asoka) như tường thuật của ngài Thế Hữu. Nếu nó xảy ra trong
thời gian vua A-dục trì vị, thì các sử liệu khác xưa hơn và thuộc các nguồn gốc
khác nhau tại vùng Kasmir không thể không ghi lại danh tánh đức vua đại hộ pháp
này, nhưng các nguồn sử này không nhắc đến tên vua A-dục liên quan đến cuộc
phân ly này. Và vua A-dục không thể là đức vua trị vì trong khoảng đầu thế kỷ
thứ hai sau Phật niết-bàn. Giáo sư Bareau kết luận rằng, cuộc phân ly này diễn
ra trong khoảng năm 140 sau năm đức Thế Tôn niết-bàn, tại thành Hoa Thị
(Pataliputra) dưới triều đại vua Nanda và Mahāpadma do Tăng đoàn bất đồng về
“Năm việc” của Đại Thiên.[15]
Tuy
nhiên, theo ngài Huyền Trang, nguyên nhân phân phái này bao gồm cả hai vấn đề
tranh luận về giới luật và tranh luận giáo nghĩa trong Tăng đoàn Phật giáo[16].
Giáo sư Paul Demiéville cũng có cùng quan điểm như ngài Huyền Trang. Theo
Demiéville, trong “A Propos du Concile de Vaiśāli”, nguyên nhân phân phái đầu
tiên này bao gồm những bất đồng về “Mười điều” liên quan đến giới luật và “Năm
việc” liên quan đến tính chất của A-la-hán. Nhưng vì, các luật sư quan tâm đến
giới luật hơn, nên họ chỉ ghi lại trong các bộ luật về Đại hội Tăng đoàn tại
thành Tỳ-xá-ly (Vaiśālī) liên quan đến mười điều giới luật; và các luận sư quan
tâm đến giáo nghĩa hơn, nên họ chỉ ghi lại trong các bộ luận về Đại hội Tăng
đoàn tại thành Hoa Thị (Pataliputra) liên quan đến năm tính chất của Thánh giả
A-la-hán.[17] Tuy
nhiên, giáo sư J. Nattier và Charles S. Prebish phê bình giả thuyết của
Demiéville. Theo họ, nếu giả thuyết của Demiéville là đúng, thì giải thích như
thế nào về những tường thuật trong kinh Xá-lợi-phất
vấn, một luận thư A-tỳ-đàm của Đại chúng bộ, theo đó, nguyên nhân phân giáo
giữa Đại chúng bộ và Trưởng lão bộ liên quan đến giới luật. Và họ cho rằng, giả
thuyết của Demiéville có chỗ chưa thuyết phục.[18]
Giáo sư Nalinaksha Dutt đưa ra một giả thuyết khác. Theo N. Dutt, có thể sự
phân phái giữa Đại chúng bộ và Trưởng lão bộ bắt đầu từ những quan điểm khác
biệt về một số giới điều (Mười điều của các Tỳ-kheo Bạt-kỳ) và dần dần xuất
hiện thêm những khác biệt về giáo nghĩa (Năm việc liên quan đến phẩm cách của
A-la-hán).[19]
Giáo
sư J. Nattier và Charles S. Prebish[20]
đưa ra một giả thuyết khác, phủ nhận những giả thuyết liên quan đến “Mười điều”
cho phép của các Tỳ-kheo Bạt-kỳ và “Năm việc” đề cập đến tính chất của
A-la-hán. Theo hai giáo sư này, nội dung “Năm việc” này, đặc biệt là nội dung
thứ 5 liên quan đến “Khổ” thánh đế của Thánh giả A-la-hán, trong thời gian đầu,
không xuất hiện trong các chi phái của Đại chúng bộ phía Bắc, chỉ được tranh
luận và truyền bá trong các chi phái của Đại chúng bộ tại phía Nam, quanh vùng
Andhra. Vì vậy, họ phủ nhận giả thuyết cho rằng “Năm việc” là nguyên nhân phân
phái chính. Theo họ, nó chỉ là nguyên nhân phân phái phụ trong các chi phái Đại
chúng bộ tại phía Nam
Ấn Độ, do Đại Thiên khởi xướng và truyền bá. J. Nattier và Charles S. Prebish
cũng đồng ý cách đánh giá của giáo sư É. Lamotte về nguồn sử liệu đề cập đến
nguyên nhân phân phái chính được tường thuật trong Đảo sử (Dīpavaṃsa). Vì vậy, hai giáo sư này phủ nhận nguyên nhân
phân phái được tường thuật trong Đảo sử.
Giả thuyết của J. Nattier & Charles
S. Prebish dựa vào nguồn sử liệu được đề cập trong Kinh Xá-lợi-phất vấn. Kinh này được
xem là một luận thư A-tỳ-đàm của Đại chúng bộ, và được học giả André Bareau
đánh giá là một trong những nguồn sử liệu sớm nhất về lịch sử bộ phái Phật giáo
Ấn Độ.[21] Theo
kinh này, lúc bấy giờ, có một trưởng lão Tỳ-kheo đem luật tạng được kết tập
trong Đại hội do ngài Đại Ca-diếp chủ trì, phân loại lại và bổ sung thêm một số
giới điều. Do nguyên nhân này, cộng đồng Tỳ-kheo Tăng khởi lên bất hòa. Họ nhờ
vua nước này đứng ra phân xử đúng sai. Nhà vua và Tăng chúng quy định, những
tỳ-kheo tuân giữ giới luật truyền thống do ngài Đại Ca-diếp kết tập thì chọn
thẻ màu đen, những tỳ-kheo chấp nhận giới luật được thêm vào thì chọn thẻ màu
trắng. Kết quả là số thẻ màu đen có đến 10 ngàn, còn số thẻ màu trắng chỉ có
100. Vua nước này kết luận rằng, cả hai đều tuân giữ đúng theo tinh thần giới
luật của đức Thế Tôn giảng dạy, nhưng vì có một số khác biệt nên không thể sống
chung. Vì vậy, cộng đồng Tỳ-kheo phân ly thành hai bộ phái. Mười ngàn Tỳ-kheo
tuân giữ giới luật truyền thống thành lập Đại chúng bộ. Số Tỳ-kheo kia thành
lập Thượng tọa bộ (Trưởng lão bộ).[22]
Kinh này không đề cập tên vị vua trì vị lúc bấy giờ, nhưng giáo sư É. Lamotte
nhận dạng vua này là vua A-dục (Asoka). Như vậy, theo nội dung tường thuật
trong kinh này, nguyên nhân phân phái là do cộng đồng Phật giáo nguyên thủy bất
đồng về việc mở rộng một số giới điều trong giới bổn và Đại chúng bộ là bộ phái
giữ gìn giới bổn truyền thống do Upāli và Đại tăng kết tập tại thành Vương Xá.
Trong
thực tế, so sánh các bộ luật của các bộ phái hiện còn, chúng ta thấy rằng luật
Ma-ha Tăng-kỳ của Đại chúng bộ có số giới điều ít nhất: 218 giới. Cụ thể là các
Pháp chúng học (Śaikṣa – dharmas) trong
giới bổn Tỳ-kheo của các bộ luật. Pháp chúng học của Ma-ha Tăng-kỳ chỉ có 66
giới; trong khi luật Pāli: 75, Tứ phần luật: 100, Thập tụng: 113, Căn bản nhất
thiết hữu bộ: 108. Và nhiều học giả, trong những tác phẩm nghiên cứu về giới
bổn Tỳ-kheo của họ, nhận định rằng giới bổn Ma-ha Tăng-kỳ của Đại chúng bộ có
niên đại sớm nhất.[23]
Vì
vậy, theo J. Nattier & Charles S. Prebish, rất có thể sau Đại hội kết tập
kinh điển tại thành Tỳ-xá-ly, các cộng đồng Tỳ-kheo tại các địa phương lo sợ
Tăng đoàn sẽ phân ly, nên nỗ lực điều chỉnh một số tiểu giới mà đức Thế Tôn cho
phép thêm giảm cho phù hợp với từng địa phương để giữ cho Tăng đoàn không phân
cực. Nhưng những nỗ lực này không như ý nguyện của họ, dần dần các cộng đồng
địa phương càng thêm khác biệt nhiều về giới luật, Tăng đoàn càng thêm phân ly
và cuối cùng là phân phái. Hai giáo sư này kết luận nguyên nhân tách phân Tăng
đoàn Phật giáo liên quan đến việc bổ sung giới điều trong giới bổn, mà cụ thể
là những giới điều thuộc Pháp chúng học và thời gian xảy ra lần phân phái này
là vào năm 116 sau năm đức Thế Tôn niết-bàn.
Như
trên đã trình bày, Thượng tọa bộ, theo Đảo
sử, thì cho rằng bộ phái gốc của mình (Trưởng lão bộ) gồm những trưởng lão
Tỳ-kheo tuân giữ giới luật truyền thống và thanh tịnh; và ngược lại, Đại chúng
bộ, theo kinh Xá-lợi-phất vấn, cũng
tường thuật bộ phái mình là bộ phái gồm những số đông Tỳ-kheo tuân giữ giới
luật truyền thống và thanh tịnh. Những tường thuật này phản ánh một phần quan
điểm chủ quan của bộ phái. Thật không dễ để kết luận nguyên nhân và thời gian
chính xác dẫn đến phân ly giữa Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) và Trưởng lão bộ (Sthaviravāda).
Lời kết:
Đại
chúng bộ là bộ phái được xem là tiền thân của Phật giáo Đại thừa hoặc là bộ
phái đóng góp nhiều trong lịch sử phát triển Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ. Khảo
cứu nguyên nhân phân phái giữa Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) và Trưởng lão bộ (Sthaviravāda)
để có những đánh giá và nhận định khách quan và tương đối chính xác về Đại
chúng bộ là việc làm rất cần thiết. Đây là đề tài lớn mà nhiều sử gia Phật giáo
đã hao tốn nhiều trí lực và thời gian khảo cứu, tranh luận và đưa ra nhiều giả
thuyết khác nhau trong hơn một thế kỷ qua. Nhưng hiện nay vẫn chưa có một giả
thuyết nào đủ sức thuyết phục để các nhà chuyên môn chấp nhận. Vì vậy, chúng ta
không thể chỉ y cứ vào một nguồn sử liệu nào mà cho rằng Đại chúng bộ là bộ
phái khởi nguyên từ những Tăng sĩ trẻ, lơi lỏng giới luật, hay bộ phái được
lãnh đạo bởi những kẻ dị giáo xâm nhập vào trong Tăng đoàn nhằm làm suy yếu
Phật giáo.
Một
số quan điểm của người viết trình bày ở trên, chỉ là cách nhìn và cách hiểu của
người viết căn cứ vào những sử liệu khác biệt của hai nguồn Pāli và Sanskrit về
lần phân phái lớn và đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ này. Cách nhìn và
cách hiểu ấy có thể hợp lý và cũng có thể không hợp lý. Khi viết bài này, người
viết chỉ mang một ước nguyện, hy vọng có thể tìm lại hình ảnh chân thực của Đại
chúng bộ (Mahāsāṃghika).
Nguyên Lộc
Tài liệu tham khảo:
1.
Luật Tứ phần, quyển 6, Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng dịch Việt,
Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng hiệu đính và chú thích, đăng trên trang mạng Phật
Việt.
2.
Luật Ma-ha Tăng-kỳ, HT. Thích Phước Sơn dịch Việt, đăng trên trang mạng Quảng
Đức.
3. Tiểu
phẩm (Cullavagga), Tỳ khưu Ind acanda
Nguyệt Thiên dịch Việt, đăng trên trang mạng Budsas .
4. Dị
bộ tông luân luận, HT. Thích Trí Quang dịch Việt, đăng trên trang mạng Đạo Phật
Ngày nay.
[1]
Trong Đại đường Tây Vực Ký, ngài
Huyền Trang thuật lại rằng, khi ngài đến thành Vương Xá, tại đây, có một trụ đá
do vua A-dục khắc tạo để đánh dấu nơi Đại chúng bộ đã kết tập kinh điển bên
cạnh Đại hội kết tập kinh điển do ngài Đại Ca-diếp chủ trì. Những Tỳ-kheo thuộc
Đại chúng bộ này là những người không thừa nhận Đại hội kết tập kinh điển do
ngài Đại Ca-diếp chủ trì. Họ gồm số đông Tỳ-kheo, khoảng vài trăm ngàn người,
nên gọi là Đại chúng bộ. Những Tỳ-kheo thừa nhận Đại hội kết tập kinh điển do
ngài Đại Ca-diếp chủ trì gọi là những Tỳ-kheo thuộc Trưởng lão bộ. Étienne Lamotte, History
of Indian Buddhism, translated from the French by Sara Webb-Boin,
Louvaun-la-neuve, 1988, 286. Tham khảo thêm: 大唐西域記, Đại chánh, T 2087, tr. 923a
2-10.
[2]
Theo Nikāyasaṃgraha của ngài Saṃgharāja
Dharmakīrti, được viết vào cuối thế kỷ thứ IV TL, lần phân phái đầu tiên trong
Tăng đoàn Phật giáo đã xảy ra ngay sau khi kết thúc Đại hội kết tập kinh điển
tại Pāṭaliputra (thành Hoa Thị) do ngài Moggaliputta tissa (Mục-liên-đế-tu) chủ
trì, vào năm 236. Étienne Lamotte, như trên, tr.
288-289.
[3]
Vinaya Pitaka Vol. V (Cullavagga), I. B. Horner dịch, London:
Luzac & Company Ltd., 1963, tr. 407-430; Luật Ma-ha Tăng-kỳ, Đại chánh, T 1425 tr. 493 a28; Luật Tứ phần, Đại chánh, T 1428, tr. 968c19;
Luật Thập tụng (Hữu bộ), Đại chánh,
T 1435, p. 450a 28.
[4]
Theo Tứ phần của Pháp tạng bộ và Thập tụng của Hữu bộ, giới điều này cho phép Tỳ-kheo:
ăn đã đủ, oai nghi đã xả, chưa làm phép dư thực, được phép dùng hai ngón tay
lấy thức ăn để ăn thêm.
[5]
Sử liệu về đảo Sri Lanka (Dīpavaṃsa), chương
4, Tỳ khưu Indacanda dịch Việt, đăng trên trang mạng Budsas.
[6]
The Great Chronicle of Sri Lanka (Mahāvaṃsa), Ananda W. P. Guruge
dịch, Colombo :
S. Godage & Brothers, 2006, tr. 427.
[7]
Étienne Lamotte, History of Indian Buddhism, như trên, tr. 288-289.
[8]
Tất cả nguồn sử liệu của Hữu bộ và Chánh lượng bộ liên quan đến lần phân phái
này được trình bày trong bài viết này dựa theo bài khảo cứu “Buddhist
controversy over the Five Propositions” (pañcavastu) của Giáo sư É. Lamotte,
đăng trong Studies of Buddhism, do G.
Prasad chủ biên, Delhi :
NXB. Bharatiya Kala Prakashan, 2006. Người viết tham khảo và ghi chú thêm sử
liệu gốc được giáo sư É. Lamotte khảo cứu.
[9]
Bản Hán dịch đầu tiên gọi là Thập bát bộ
luận, thường gọi là Tần dịch, dịch khoảng năm 385 đến 413; tên dịch giả tuy
trong sách ghi là do ngài Chân Đế dịch, nhưng dịch giả này vẫn còn nhiều nghi
vấn (Đại chánh, T 2032, tr. 18a 9-14). Bản Hán dịch thứ hai gọi là Bộ chấp dị luận, do ngài Chân Đế dịch,
thường gọi là Lương dịch, dịch khoảng năm 557 đến năm 569 (Đại chánh, T 2033,
tr. 20a 15-25). Và bản Hán dịch thứ ba gọi là Di bộ tôn luân luận, do ngài Huyền Trang dịch, thường gọi là Đường
dịch, dịch vào năm 662 (Đại chánh, T 2031, tr. 15a 15-23)
[10] Các bản
Hán dịch đề cập đến địa danh tranh luận “Năm việc” khác nhau, nhưng tất cả
những địa danh đó, theo giáo sư É. Lamotte, đều là tên gọi khác của địa danh
Pataliputra.
[11]
A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa, Đại chánh,
T 1545, ch. 99, tr. 510c – 512a.
[12]
Khuy Cơ, Du-già-sư-địa luận lược, Đại
chánh, T 1829, tr. 1b.
[13]
É. Lamotte, “Buddhist controversy over the Five Propositions”, như trên, tr.
51-52.
[14] Trong
Đại Đường Tây Vực ký, ngài Huyền
Trang thuật rằng, ngài có gặp những Tỳ-kheo thực hành theo giáo thuyết của
Đề-bà Đạt-đa tại ba Tu viện ở Karṇasuvarna. Tuy nhiên, theo tất cả kinh luật
của các truyền thống Phật giáo, một thời gian ngắn sau khi Đề-bà Đạt-đa cùng
500 Tỳ-kheo tách phân khỏi cộng đồng Tỳ-kheo được đức Thế Tôn hướng dẫn, Trưởng
lão Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, vâng lời đức Thế Tôn, đã đến tu viện 500
Tỳ-kheo này đang trú ngụ và hướng dẫn họ trở về với chánh pháp. Sau đó, Đề-bà
Đạt-đa vì tức giận, ngã bệnh, mà qua đời. Và theo giáo sư Ed. J. Thomas, trong the life of Buddha as Legend and History,
thật khó có thể, một cồng động Tỳ-kheo, những người theo Đề-bà Đạt-đa, tồn tại
hơn 1000 năm (từ khi đức Thế Tôn còn tại thế đến lúc các nhà chiêm bái Trung
Quốc đến Ấn Độ) mà tất cả các nguồn sử liệu khác toàn hoàn không đề cập đến.
[15]
André Bareau, Các bộ phái Phật giáo Tiểu
thừa, Pháp Hiền dịch, Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo, năm 2003, tr. 54-55.
[16]
N. Dutt, Buddhist Sects in India , Delhi :
Motila Banarsidass, 1998, tr. 31.
[17]
J. Nattier & Charles S. Presbish, “Mahāsāṃghika Origins: the Beginning of
Buddhist Sectarianism” trong Buddhism Critical Concepts in Religious
Studies, Vol. II, do Paul William chủ biên, London
& New York :
NXB. Routledge, 2005, tr. 201.
[18] Sđd, tr. 201.
[19]
N. Dutt, như trên, tr. 31.
[20] J.
Nattier & Charles S. Presbish, như trên, tr. 199-228.
[21] André
Bareau, như trên, tr. 26.
[22]
Đại chánh, T 1465, tr. 900b 20-28; và tham khảo đoạn dịch sang tiếng Anh từ
tiếng Pháp của É. Lamotte, trong History
of Indian Buddhism, như trên, tr. 172.
[23] Các giáo sư: Andre Bareau, W. Pachow ,
Hofinger, Erich Frauwallner, và Gustav Roth.
No comments:
Post a Comment