Ngưỡng vọng Tổ đình Thiên Đức thành tâm đảnh lễ giác linh Hòa thượng Yết-ma A-xà-lê tân viên tịch
TIỂU SỬ
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG
Thượng THIỆN Hạ NHƠN
Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định
1. THÂN THẾ:
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thế danh Hồ Thanh Tùng, sinh năm Tân Mùi (1931) tại thôn Tân Hòa, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là Cụ ông Hồ Ngộ, Pháp danh Như Đạo và Thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Sáu, Pháp danh Diệu Tùng, trong gia đình có sáu người con, Ngài là người con thứ ba. Gia đình Ngài có nhiều đời truyền thống thâm tín Tam Bảo. Hai vị bào đệ và bào muội từng xuất gia và thành tựu đạo nghiệp rất đáng kể, đó là Thầy Bửu Thanh và Ni sư Quảng Trí.
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG
Thượng THIỆN Hạ NHƠN
Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định
1. THÂN THẾ:
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thế danh Hồ Thanh Tùng, sinh năm Tân Mùi (1931) tại thôn Tân Hòa, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là Cụ ông Hồ Ngộ, Pháp danh Như Đạo và Thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Sáu, Pháp danh Diệu Tùng, trong gia đình có sáu người con, Ngài là người con thứ ba. Gia đình Ngài có nhiều đời truyền thống thâm tín Tam Bảo. Hai vị bào đệ và bào muội từng xuất gia và thành tựu đạo nghiệp rất đáng kể, đó là Thầy Bửu Thanh và Ni sư Quảng Trí.
2. XUẤT GIA HỌC ĐẠO:
Từ nhỏ, Ngài đã sớm có duyên lành với đạo Phật, Ngài thường xuyên theo cha mẹ đến chùa lạy Phật. Với bẩm chất thông minh, Ngài đã sớm đậu bằng Primaire.
Chủng tử Phật pháp trong Ngài sớm nảy nở nên năm 12 tuổi (1942), học đạo với thiền sư Tâm Minh là Tổ khai sơn chùa Thiên Sanh (thường gọi là chùa Hang) ở Phù Mỹ. Sau đó, theo học với Ngài Quảng Đức tại chùa Tịnh An - Phù Cát.
Năm 1944, cơ duyên phùng ngộ Hòa thượng Thích Giác Tánh, là bậc Pháp sư lừng lẫy khắp miền Trung, uyên thâm kinh điển Đại Thừa, kế thừa Tổ Tâm Tịnh-Huệ Chiếu, trụ trì chùa Hưng Long – An Nhơn. Vì cảm phục đạo phong của Hòa thượng Giác Tánh, Ngài cùng với Hòa thượng Thiện Duyên đầu sư xuất gia, được phú Pháp danh là Quảng Phước.
Năm 1950, Ngài được Bổn sư và Hòa thượng Trí Nghiêm truyền trao giới pháp Sa Di tại chùa Hưng Long – An Nhơn, được ban Pháp tự là Thiện Nhơn.
3. HÀNH ĐẠO:
Từ năm 1948 - 1954, Ngài làm Thư ký Phật giáo Cứu Quốc Liên khu 5.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, dưới sự khuyến khích của Hòa thượng Bổn sư, Ngài cùng đoàn Học Tăng từ Phật Học Đường Hưng Long, Bình Định, 12 vị, gồm quý Hòa thượng: Thích Đồng Thiện, Thích Thiện Duyên, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Tâm Hiện, Thích Đồng Từ, Thích Nguyên Trạch, Thích Từ Hạnh, Thích Liễu Không, Thích Tâm Lâm, Thích Đổng Tánh… đi bộ vào Khánh Hòa để cầu tòng học chuyên khoa Kinh, Luật, Luận tại Tăng Học Đường Nam Phần Trung Việt-Nha Trang (tiền thân của Phật Học Viện Trung phần-Nha Trang), do Hòa thượng Thích Huyền Quang làm giám đốc.
Năm 1957, cùng rất đông Pháp lữ đồng môn, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Hộ Quốc ở Nha Trang, do Trưởng Lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đường đầu, được Bổn sư ban Pháp hiệu là Quán Hạnh.
Năm 1958, Ngài tốt nghiệp chương trình Cao Đẳng Phật học từ Phật Học Đường Trung phần, được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam bổ nhiệm làm Giảng sư, giáo hóa khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận và các tỉnh Cao Nguyên. Cũng trong giai đoạn này, Ngài được mời kiêm nhiệm Chánh Hội Trưởng Hội Phật học Quảng Ngãi trong 2 năm.
Năm 1964-1975, GHPGVNTN thỉnh cử Ngài làm Chánh Đại Diện Giáo hội tỉnh GiaLai – KonTum. Trong giai đoạn này, Ngài cũng thành lập và làm Giám đốc các trường Bồ Đề tại Pleiku.
Trong những năm 1964-1975, tuy rất bận rộn với bao công tác hoằng pháp và trọng trách hành chánh điều hành nhiều cấp GH, nhưng Ngài cũng thực thi tâm huyết phổ độ quần sanh, nên đã khai sơn, tạo dựng và đại trùng tu rất nhiều cơ sở tầm vóc cho Đạo pháp, như chùa Hồng Từ (Kontum), chùa Đạo Quang (Sài-gòn), chùa Pháp Hải (Quy Nhơn), chùa Hoa Nghiêm (Phù Cát), v.v..
Năm 1982, sau 6 năm chịu an trí, lao động, Ngài trở về phụ tá Hòa thượng Bổn sư Giác Tánh trong trách nhiệm dạy dỗ Kinh Luật cho Tăng chúng và quản trị mọi Phật sự tại Tổ đình Thiên Đức.
Năm 1987, sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài đã tiếp nhận Tổ nghiệp trong trọng trách “Truyền Đăng Tục Diệm”, nhậm chức trú trì để làm quang huy rạng rỡ ngôi Tổ đình Thiên Đức, do Ngài Minh Giác Kỳ Phương, Tỵ Tổ của Tổ đình Thập Tháp đến Háo Lễ khai sơn từ đầu thế kỷ 18.
Bên cạnh đó, với đại hạnh đồng sự, cộng hành để chung tay xiển dương cơ đồ Đạo pháp đang cơn trầm nịch suốt thế kỷ qua, từ 1982 đến ngày viên tịch, hơn 30 năm, Ngài luôn luôn làm gương, cổ võ, dấn thân cùng chư tôn Giáo phẩm, chư Tôn đức trong bản tỉnh thực hiện hàng trăm Phật sự chung cho tỉnh nhà, như: Tăng sự, giáo dục, đào tạo Tăng tài, hướng dẫn Phật tử…và thường xuyên đáp ứng thỉnh cầu mọi Phật sự, Pháp sự, Tăng sự từ khắp nơi trên toàn quốc, không bao giờ nề hà lao nhọc, cả đến khi tuổi đã quá cao, sức khỏe đã suy mòn.
Mặc dù Phật sự Giáo hội đa đoan nhưng Ngài vẫn luôn luôn ấp ủ hoài bão đại trùng tu ngôi Phạm vũ Thiên Đức, vì sau thời gian chiến tranh ngôi bảo tự đã sụp nát hoàn toàn năm 1965, chỉ được Hòa Thượng Tôn Sư tái thiết lại một phần vào những năm 1973-1976.
Tháng 5 năm Kỷ Mão (1999), Ngài cùng môn phái quyết định khởi công đại trùng tu ngôi bảo tự Thiên Đức. Sau thời gian tái thiết gần 10 năm, công trình đại trùng tu đã hoàn thành. Vào ngày 06 tháng 9 năm 2007, Ngài tổ chức Đại lễ Khánh thành ngôi Phạm vũ Tổ đình Thiên Đức, hàng chục ngàn Tăng Ni, Phật tử toàn quốc về tham dự.
Ngoài sự thành tựu của ngôi Phạm vũ, Ngài vẫn thường xuyên lưu tâm đến việc đào tạo Tăng tài, tiếp Tăng độ chúng. Tổ đình Thiên Đức, dưới sự lãnh đạo và dìu dắt của Ngài, đệ tử xuất gia trước sau cả 100 vị, làm chỗ quy ngưỡng tâm linh cho Thập phương, phát huy tầm ảnh hưởng của Phật giáo lên mọi tầng lớp xã hội, góp phần duy trì nền văn hóa và đời sống tâm linh truyền thống của Dân tộc mà ngàn năm tiền nhân đã vun đắp nuôi dưỡng.
* Phật sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN):
Năm 1991, Ngài cùng chư Tôn đức trong bản tỉnh đứng ra tích cực vận động thành lập Trường Cơ Bản Phật Học tại tu viện Nguyên Thiều, đến nay được 6 Khoá, đã và đang đào tạo trên một nghìn Tăng Ni trẻ toàn quốc về đây tham học. Đặc biệt, do Ban Trị Sự khéo léo vận động bảo trợ từ trong và ngoài nước, nên Trường TCPH Nguyên Thiều là một trong rất ít các cơ sở đào tạo Tăng Ni có điều kiện thuận duyên tu học, quy củ rất nghiêm minh.
Nhiệm kỳ 1992-1997, Ngài làm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Chánh đại diện Phật giáo huyện Tuy Phước.
Nhiệm kỳ 1997-2002, Ngài được suy cử vào Ủy viên HĐTS/ GHPGVN, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Chánh đại diện Phật giáo huyện Tuy Phước.
Năm 2002, Ngài được bầu làm Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Bình Định.
Nhiệm kỳ 2002-2007, Ngài được suy cử vào thành viên HĐCM, ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
Nhiệm kỳ 2007-2012, Ngài tiếp tục được suy cử vào thành viên HĐCM, ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
Nhiệm kỳ 2012-2017, Ngài được suy cử vào Ủy viên Thường trực HĐCM, Ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
* Chức sự trong các giới đàn:
Năm 1994, Ngài làm Giáo thọ A-xà-lê Đại giới đàn Phước Huệ, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2000, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và làm Yết-ma A-xà-lê tại Đại giới đàn Chánh Nhơn, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2000, Ngài làm Giáo thọ A-xà-lê tại giới đàn Liễu Quán II, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Phú Yên tổ chức.
Năm 2003, Ngài làm Yết-ma A-xà-lê tại giới đàn Ananda-Giác Tánh tại Tu viện Vạn Hạnh, Úc.
Năm 2004, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và Yết-ma A-xà-lê Đại giới đàn Huệ Chiếu do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2004, Ngài làm Yết ma A-xà-lê tại giới đàn Lâm Tế, Tu viện Lộc Uyển, Cali, Hoa Kỳ.
Năm 2009, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và Yết Ma A-xà-lê Đại giới đàn Giác Tánh do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
4. VIÊN TỊCH:
Mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng Ngài không từ nan bất cứ Phật sự nào, bất cứ sự cần cầu nào, như lời Ngài thường dạy đồ chúng: “nơi nào cần thì ta đến, hết việc thì ta lại đi, không thời gian, không biên giới.” Trong chuyến đi chứng minh cho lễ Khai giảng khóa đầu tiên của trường Trung cấp Phật học tại Gia Lai ngày 30/10/2012, Ngài bị tai biến nhẹ. Giáo hội, môn đồ pháp quyến cùng các y bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, bệnh viện Chợ Rẫy – TP HCM tận tình chữa trị, sau đó Ngài đã bình phục gần như hoàn toàn. Nhưng vì nhân duyên hóa độ đã mãn, trọng trách kế thừa Tổ nghiệp đã thành, huyễn thân tứ đại giả tạm như cỗ xe trải qua thời gian cũng đến thời tan rã, với linh cảm nhiệm mầu, Ngài đã trở về chốn Tổ đình Thiên Đức, xả bỏ báo thân, an nhiên thị tịch vào lúc 06 giờ rưỡi sáng, ngày 20 tháng 4 năm 2013 (nhằm 11/3/Quý Tỵ).
Trụ thế 83 năm, 55 Tăng lạp.
Suốt cuộc đời Ngài từ lúc xuất gia cho đến ngày viên tịch, Ngài đã không ngừng phụng sự Đạo pháp, hóa độ chúng sanh. Với trách nhiệm “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, kế thừa Tổ nghiệp, Ngài khơi đèn tuệ giác cho hàng ngàn môn đồ tứ chúng; trong hàng đệ tử xuất gia, nhiều vị đã tốt nghiệp từ Cử nhân cho đến Tiến sĩ Phật học, nhiều vị đã trụ trì, giữ nhiều trọng trách Phật sự trong và ngoài nước. Ngài cũng có công lớn trong việc khai sơn, tái thiết, trùng tu các ngôi chùa như: Hồng Từ, Đạo Quang, Pháp Hải, Hoa Nghiêm, Thiên Sanh, Thiên Bửu, Phước Điền…, đặc biệt là công trình đại trùng tu Tổ đình Thiên Đức.
Với cuộc đời thanh tu, nếp sống giản dị chan hòa, với tâm lượng bao dung hỷ xả, với trí tuệ mẫn tiệp sâu sắc, với giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh, Ngài xứng đáng là bậc Tòng Lâm Thạch Trụ, là bậc cao Tăng thạc đức trong chốn rừng thiền. Với tầm nhìn thấu triệt trước sau, với hạnh nguyện cao cả, thiêng liêng, với hùng tâm dũng lực, Ngài là nhà lãnh đạo sáng suốt, tài đức vẹn toàn, tự tại vô úy trước sự thăng trầm của cuộc đời. Tinh thần hy hiến, phụng sự của Ngài vẫn còn mãi mãi với Đạo pháp. Pháp âm của Ngài vẫn còn vang vọng, in đậm trong lòng Tứ chúng khắp nơi.
Ngài ra đi, môn đồ pháp quyến mất đi một vị Thầy tôn kính, Phật Giáo Việt Nam mất một bậc cao Tăng làm chỗ dựa cho bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử.
Dẫu biết rằng ‘vô thường thị thường’, ‘sanh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ’, bậc xuất trần đại sĩ đến đi vô ngại như gió thoảng mây bay, như cánh nhạn tầng không chẳng để lại dấu vết, nhưng trước cảnh sanh ly tử biệt, môn đồ tứ chúng, chư tôn Thiền đức Tăng Ni khắp nơi, Thiện tín Phật tử xa gần làm sao tránh khỏi niềm tiếc thương vô hạn với bậc Tôn sư khả kính.
Môn đồ Pháp quyến cung soạn
No comments:
Post a Comment