Tuesday, 30 April 2013

Thành kính tưởng niệm Ân sư và phân ưu cùng Sư cô Đồng Anh

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Kính bạch Giác linh Thầy!
Sáng nay con nhìn thấy hình Thầy trong Lễ truy niệm và cung tống kim quan cố Đại lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn tại Thiền Viện Quảng Đức, TP. Hồ Chí Minh. Vậy mà, khuya nay con nghe tin Thầy đã viên tịch tại chùa Giác Hoàng, Bình Định, lúc 23 giờ ngày 20 tháng 3 năm Quý Tỵ (nhằm ngày 29/4/2013). Thầy trụ thế  chỉ 66 năm, mà đã hơn 46 năm hoằng dương chánh pháp.
Kính bạch Hòa thượng Giáo thọ sư, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Bình Định, Tu viện Nguyên Thiều và Trưởng Ban giáo dục Tăng ni tỉnh Bình Định!
Chúng con rời xa Nguyên Thiều đến nay đã 13 năm. Chúng con đi, Thầy vẫn ở lại. Thầy ở lại Nguyên Thiều đảm nhận nhiều nhiệm vụ mà chư Sơn giao phó. Trong những nhiệm vụ ấy, Thầy đã cùng Phật học viện Nguyên Thiều trải qua nhiều thăng trầm, suy thịnh. Và hiện nay, Ban giám hiệu của trường là những Tăng ni trẻ. Quý thầy cô trẻ đang cần Thầy lắm. Phật học viện Nguyên Thiều còn nhiều việc đang cần Thầy giải quyết. Vậy mà Thầy đã vội nhẹ gót ra đi sau cơn bệnh nhẹ!
Con theo học các trường lớp Phật học đã gần 20 năm. Riêng với con, khoảng thời gian nội trú ở Phật học viện Nguyên Thiều là khoảng thời gian đẹp và nhiều kỷ niệm nhất. Vì nơi ấy đẹp và nhiều kỷ niệm nên con thường về thăm trường xưa. Mỗi lần con về Bình Định thăm lại Nguyên Thiều, con đều ghé thăm chùa Giác Hoàng, để thăm Thầy và thăm bạn. Và lần cuối con được gặp Thầy là tại tang lễ của thầy Vạn Bửu. Đại đức là đệ tử của Thầy và là bạn học Nguyên Thiều của con. Thế mà hôm nay, Thầy đã nhẹ gót về Tây. Và từ nay, con sẽ không còn gặp Thầy nữa!
Kính bạch Giác linh Thầy! Con còn nhớ, những bài pháp về giáo lý Duyên khởi, Tứ đế của môn học Phật pháp căn bản mà Thầy đã dạy cho chúng con. Thầy dạy chúng con rằng ái biệt ly là khổ. Thầy dạy chúng con rằng tất cả các pháp đều là pháp duyên sanh, pháp nào có sanh thì phải có diệt, nhưng diệt để bắt đầu cho sự sanh. Sanh diệt, diệt sanh là sự tuần hoàn của vạn pháp. Thầy dạy rằng ai biết được pháp sanh diệt, người đó sống tự tại giữa dòng đời sanh diệt. Học được từ những bài giảng của Thầy, chúng con biết được những nguyên lý này. Nhưng cái biết của chúng con là cái biết từ lời dạy của Thầy, từ lời dạy của kinh sách. Chứ không phải cái biết của trí biết. Nên chúng con vẫn chưa tự tại giữa dòng đời sanh diệt. Chúng con vẫn buồn khi nhận được tin Thầy viên tịch.
Kính bạch Giác linh Thầy!
Năm con vào Nguyên Thiều, con còn trẻ tuổi và thơ dại. Chắc rằng trong thời gian ấy chắc con đã có những lời nói và những việc làm khiến Thầy phải buồn. Con có gì vụng dại mong Thầy tha thứ cho con! Tuy giờ này, con không nghe được lời Thầy. Nhưng con tin rằng, trên liên đài, Thầy mỉm cười nhìn con và bạn con, những học trò thơ dại của Thầy ngày xưa, giờ đã trưởng thành, có thể tiếp nối tâm nguyện chung lo công việc đào tào Tăng tài và hoằng pháp độ sanh của Thầy.
Con đang còn ở phương xa, không thể về trước Giác linh đài đảnh lễ và tưởng niệm ân đức của Thầy. Con chỉ biết ngưỡng vọng Giác Hoàng đường thượng thành tâm đảnh lễ Giác linh Thầy và ngậm ngùi vọng tiễn nhục thân Thầy nhập bảo tháp.

Nhất tâm đảnh lễ Từ Lâm Tế Chánh tông Tứ thập tam thế Giác Hoàng đường thượng húy thượng Đồng hạ Thanh, tự Trí Đức, hiệu Tịnh Nhãn Hòa thượng Tân viên tịch giác linh.

Thành kính tưởng niệm ân Thầy và cúi đầu bái biệt Thầy!
Cựu Tăng sinh khóa II Nguyên Thiều
Thích Nguyên Lộc
Mumbai, giữa đêm 29 tháng 04 năm 2013
 
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Nhận được tin cụ bà Phan Thị Mai, thân mẫu của Sư cô Đồng Anh vừa qua đời. Thành tâm nguyện cầu chân linh Phật tử Phan Thị Mai, Pd: Tâm Hóa, hưởng thọ 80 tuổi, từ trần lúc 21 giờ 20 ngày 20 tháng 3 năm Quý Tỵ (nhằm ngày 29/04/2013), nương nhờ Tam bảo lực vãng sanh nước Cực Lạc. Thành thật chia buồn cùng Sư cô Đồng Anh và toàn gia quyến.
 
-->Đọc thêm...

Sunday, 28 April 2013

Những đóng góp của các thương gia trong sứ mệnh hoằng dương Phật pháp

Lịch sử Phật giáo, chỗ này chỗ khác, đã ghi nhận nhiều đóng góp của những thương gia Phật tử cho sứ mệnh phát triển Phật giáo tại Ấn Độ và truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ sang các nước. Ở đây người viết chỉ viết lại một số sử kiện theo thời gian đã phổ biến thành một bài viết ghi nhận những đóng góp vì mục đích phát triển Phật giáo của họ.
Những đóng góp nổi bật nhất của giới thương gia xuyên suốt lịch sử hoằng pháp của Phật giáo Ấn Độ là xây dựng chùa tháp làm cơ sở hoằng pháp và hỗ trợ phương tiện đưa các nhà truyền giáo đến những vùng đất mới để truyền bá chánh pháp. Ngay từ những trang đầu của lịch sử Phật giáo đã ghi nhận những công đức của họ. Sử Phật giáo ghi lại rằng sau khi chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, đức Phật lưu lại Bồ-đề đạo tràng thêm 7 tuần. Trong thời gian này, hai thương buôn Trapusha và Bhallika cùng với hàng trăm tùy tùng đã có duyên lành diện kiến đức Phật tại Bồ-đề Đạo tràng. Họ dâng cúng vật thực lên đức Phật và nguyện làm Phật tử tại gia. Để tăng thêm tín tâm cho họ, đức Phật trao tặng hai thương gia này một ít tóc của Ngài. Với lòng thành kính của Phật tử tại gia, họ đã xây tháp cúng dường xá-lợi Phật tại quê hương của họ. Đây có thể được xem lại những bảo tháp đầu tiên của Phật giáo. Theo lời Phật dạy trong kinh Đại Bát Niết-bàn thuộc kinh Trường bộ, xây dựng bảo tháp tôn thờ xá-lợi Phật là một trong những phận việc mà người Phật tử tại gia cần làm để không những tăng trưởng tín tâm cho chính họ mà còn làm tăng trưởng tín tâm cho nhiều người xung quanh. Như vậy, việc xây tháp cúng dường của hai thương gia này cũng là một hình thức phổ biến Phật giáo.
Và những trang sử đầu của lịch sử hoằng pháp cũng ghi lại những sự đóng góp của giới doanh nhân. Đó là những đóng góp của các thương gia tại thành phố Ba-la-nại (Varanasi), một trung tâm kinh tế lớn của Ấn Độ cổ đại và nơi Tam bảo được thành lập và bánh xe chánh pháp được vận chuyển. Như chúng ta đã biết, vâng lời dạy của đức Phật, 60 Thầy Tỳ-kheo A-la-hán đầu tiên, trong đó có Tôn giả Da-xá và 54 bạn thân của Tôn giả,  đã rời vườn Lộc Uyển du hóa trong nhân gian vì lợi ích của số đông. Công cuộc hoằng hóa của quý Ngài và Tăng đoàn Phật giáo được sự hỗ trợ rất nhiều từ những gia đình thương gia thành Ba-la-nai trong đó có gia đình của 55 Tôn giả thành Ba-la-nại. Nhờ vậy, mặc dù đức Phật ít trở lại thành Ba-la-nại nhưng Phật giáo Ba-la-nại cũng phát triển nhanh, là một trong sáu trung tâm lớn của Phật giáo như lời đề cập của Tôn giả A-nan để thỉnh cầu đức Phật vào niết-bàn tại những trung tâm Phật giáo lớn này. Lịch sử hoằng pháp của Phật giáo về sau cũng ghi nhận nhiều đóng góp của giới thương gia thành Ba-la-nại trong suốt thời gian hơn 1000 năm Phật giáo phát triển tại Ba-la-nại.
Từ Ba-la-nại (Varanasi), Phật giáo được truyền đến và phát triển sâu rộng tại hầu hết các đô thị lớn của những quốc gia giàu mạnh nhờ tận dụng sự phát triển của kỹ nghệ đồ sắt để khai thác tiềm năng kinh tế dọc theo hạ lưu sông Hằng. Những thương gia Phật tử, trực tiếp hoặc gián tiếp, tiếp tục đóng góp cho sứ mệnh truyền bá và phát triển Phật giáo ở những đô thị lớn này. Trong số những thương gia Phật tử, nổi bật nhất là trưởng giả Cấp-cô-độc của kinh thành Xá-vệ. Sau khi quy y Tam bảo, ông phát nguyện hộ trì Tam bảo. Công đức hộ trì Tam bảo của ông rất lớn và rất nhiều. Một trong những công đức đó là sự kiện ông đã sẵn lòng mua toàn bộ khu vườn của Thái tử Kỳ-đà bằng cách lót vàng để xây Tinh xá dâng cúng lên đức Phật và chúng Tăng. Và như ước nguyện của ông, tịnh xá Kỳ Hoàn này đã trở thành một trong những trung tâm sinh hoạt tôn giáo lớn nhất của Phật giáo. Hơn phân nữa số bài kinh của kinh tạng Nikaya và nhiều giới luật của Tỳ-kheo được đức Phật giảng dạy và thuyết chế tại tịnh xá này.
Sau Phật diệt độ, Phật giáo tiếp tục phát triển và truyền rộng khắp Ấn Độ và truyền sang các nước Á-Âu. Trong suốt nhiều thế kỷ trước và sau Tây lịch, Phật giáo luôn là một trong những tôn giáo chính, có nhiều giai đoạn, là tôn giáo chính tại Ấn Độ. Trong thời gian Phật giáo phát triển này, chúng ta thấy rằng những trung tâm lớn của các bộ Phật giáo thường phát triển ở những trung tâm kinh tế lớn hoặc trên những trục lộ giao thương giữa các tiểu vương quốc ở Ấn Độ. Những chi phái của Đại chúng bộ, Hữu bộ và Đại thừa được thành lập và phát triển ở Tỳ-xá-ly (Vaiśāli), trung tâm kinh tế của triều đại Nanda; ở thành Hoa Thị (Pataliputra), trung tâm kinh tế của triều đại Khổng Tước (Maurya); ở Gandhara và Kashmir, những trung tâm kinh tế của triều đại Kusāṇa (vua Kaniska). Hoặc ở Nam Ấn, những quần thể hang động Phật giáo ở Auragabad  hay Mumbai và những tu viện lớn của Đại chúng bộ và Đại thừa ở Amarāvati và Nāgārjunakoṇḍa đều nằm gần những trung tâm kinh tế của triều đại Śātavāhana hoặc trên trục lộ giao thương. Sự phát triển Phật giáo gắn liền với những trung tâm kinh tế cho thấy sự gắn kết giữa Phật giáo và các thương gia. Bia ký và lịch sử của những trung tâm Phật giáo này ghi lại nhiều đóng góp của các thương gia giàu có tại địa phương cũng như những thương gia vãng lai.
Không chỉ hỗ trợ để phát triển Phật giáo trong nước, các thương gia còn hỗ trợ các Tăng sĩ để truyền bá Phật giáo sang các nước. Lịch sử Phật giáo chỉ ghi nhận những đoàn truyền giáo được gởi ra nước ngoài bởi vua A-dục khoảng 200 năm sau Phật diệt độ. Ngoài những đoàn truyền giáo được hỗ trợ bởi vua A-dục, phần lớn các đoàn truyền giáo khác thường được hỗ trợ bởi các thương gia mặc dù lịch sử ít ghi nhận trực tiếp những đóng góp này. Phật giáo được truyền từ Ấn Độ sang khắp nước châu Á bằng hoặc đường thủy hoặc đường bộ. Đường thủy thường xuất phát từ các hải cảng phía Đông Ấn hoặc phía Đông Nam Ấn Độ. Đường bộ thường xuất phát từ các trung tâm kinh tế lớn ở Tây Bắc Ấn đi qua con đường Tơ lụa và đến Trung Hoa. Bằng đường biển, các nhà hoằng pháp Phật giáo thường đi trên các thương thuyền của các thương gia Phật tử và mang Phật giáo đến các nước như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Combodia, Việt Nam và cả Trung Quốc. Bằng đường bộ, các nhà truyền giáo được sự hỗ trợ của thương gia Phật tử đi trên những đoàn xe để mang Phật giáo đến hầu hết các nước Trung Á và sau đó đến Trung Hoa.
 Phật giáo đã có mặt tại nhiều quốc gia châu Á từ thế kỷ thứ nhất trước và sau Tây lịch. Tuy Phật giáo đã có mặt tại các quốc gia này, nhưng rất ít sử liệu ghi lại sự hiện diện của các Tăng sĩ truyền giáo. Vì vậy, có thể thời gian đầu, Phật giáo được mang đến nhiều quốc gia châu Á bởi các các thương gia Phật tử. Có thể rằng trong thời gian lưu trú ở các quốc gia này chờ ngày thuận gió để căng buồm trở về Ấn Độ, các thương gia Phật tử thành lập đạo tràng nho nhỏ để tu tập, và thỉnh thoảng hướng dẫn tụng đọc kinh Phật và giảng dạy giáo lý cho những người bản địa mà họ quen biết. Trong những lần như vậy, họ cảm thấy người dân nơi đây cũng có duyên với Phật pháp nhưng với khả năng giới hạn của Phật tử tại gia, họ không thể phát triển Phật giáo ở những nơi đó, nên trong những chuyến thương buôn kế tiếp, họ đã thỉnh mời các nhà hoằng pháp mang Phật giáo đến những nơi ấy. Và những nhà hoằng pháp Phật giáo đã theo những đoàn thương buôn, hoặc bằng đường bộ hoặc bằng đường thủy đến những quốc gia mới để hoằng pháp độ sinh.
Tuy nhiên, những đóng góp nổi bật nhất của các thương gia là xây dựng chùa tháp và tôn tạo hình tượng Phật và Bồ-tát. Lịch sử ghi lại và nhiều nơi vẫn còn dấu tích cho thấy các thương gia Phật tử đã tôn tạo rất nhiều chùa tháp, hang động và hình tượng Phật và Bồ-tát tại nhiều nơi trên con đường Tơ lụa xuyên Á-Âu và một số nơi trên những quần đảo thuộc các quốc gia Đông Nam Á. Có thể không phải tất cả trong số họ nghĩ là họ đang làm nhiệm vụ truyền bá chánh pháp. Nhiều trong số họ tôn tạo tượng Phật, Bồ-tát và xây dựng chùa tháp chỉ để tu tạo công đức cầu sự bình an cho những chuyến buôn xa nhiều hiểm nguy của họ. Nhưng dù là vậy, những việc làm của họ cũng là những đóng góp rất lớn trong sứ mệnh truyền bá chánh pháp.
Liên quan đến vấn đề này, có một câu hỏi được một số người nêu ra là, tại sao giới thương gia lại nhiệt tâm hỗ trợ cho sứ mệnh phát triển và truyền bá Phật giáo? Giáo sư Sree Padma đưa ra một số lý do để trả lời cho câu hỏi này. Theo Giáo sư Sree Padma, sự hỗ trợ của họ, ngoài những lý do tôn giáo như tích tạo phước đức…, còn có lý do kinh tế. Thứ nhất, Phật giáo chủ trương xóa bỏ giai cấp. Vì vậy, họ là những tín đồ Phật giáo thì họ dễ dàng tiếp xúc với những đối tác kinh tế thuộc nhiều tầng lớp Phật tử khác nhau từ vua quan cho đến nông dân. Sự quan hệ vừa có tính thương mại vừa có tính tôn giáo giúp họ tạo được sự tin tưởng hơn cho đối tác thương mại của  họ. Thứ hai, các thương gia tôn tạo nhiều chùa tháp ở những trung tâm kinh tế lớn hay trên trục lộ giao thương, bên cạnh lý do tôn giáo, còn muốn chứng tỏ với mọi người rằng họ là những người không phải chỉ giàu có về vật chất, mà còn giàu có về tâm linh. Và thứ ba, cũng theo Gs. Sree Padma, nhiều tháp lớn được xây dựng ở những địa điểm trọng yếu trên trục lộ giao thương, đặc biệt là những tháp lớn gần những con sông lớn hay bờ biển cũng để làm tín hiệu xác định phương hướng cho những thương thuyền, và nhiều tu viện lớn được xây dựng tại những giao trục thương mại, cũng giúp cho các đoàn thương buôn có chỗ dừng nghỉ để tiếp tục những chuyến buôn xa. 
Theo chúng tôi, những đóng góp của giới thương gia có thể có lý do kinh tế hoặc quảng bá thương hiệu nhưng phần lớn việc làm của họ là vì lý do tôn giáo. Và những lý do kinh tế, nếu có, chỉ có ở những vùng hay quốc gia mà Phật giáo đã phát triển và là tôn giáo lớn. Còn sự đóng góp của họ để Phật giáo được truyền đến và phát triển ở những vùng đất mới hoàn toàn là vì lý do tôn giáo.
Tóm lại, có thể nói rằng tầng lớp thương gia Phật tử đóng góp rất nhiều cho sứ mệnh phát triển Phật giáo tại Ấn Độ và truyền bá Phật giáo sang các nước. Tuy nhiên, mẫu người thương gia hộ trì chánh pháp lý tưởng là mẫu người không chỉ hộ trì Tam bảo bằng cách cúng dường tài vật, mà còn hộ trì Tam bảo bằng cách tu tập theo lời dạy của Phật. Điển hình là trưởng giả Cấp-cô-độc. Ông không chỉ là một thương gia giàu có nhất kinh thành Xá-vệ và là một trong những Phật tử tích tạo nhiều công đức nhất trong lịch sử Phật giáo, mà còn là một trong số những Phật tử tại gia chứng đắc quả vị tâm linh cao nhất, quả vị Tu-đà-hoàn, một trong bốn Thánh quả Thanh văn.
Thích Nguyên Lộc
-->Đọc thêm...

Thursday, 25 April 2013

Vài suy nghĩ về vụ việc “đập phá tượng Phật” ở Bình Phước

Sau khi video clip “đập phá tượng Phật” ở Bình Phước được đưa lên youtube, hầu hết Tăng ni Phật tử khi xem đoạn clip đều cảm thấy đau xót và bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng, dù là nguyên nhân gì, đập phá tượng Phật, Bồ-tát là hành động xúc phạm đến niềm tin của Tăng ni Phật tử và không thể chấp nhận ở một quốc gia mà phần lớn người dân là Phật tử. Mình cũng đồng quan điểm như vậy, mặc dù sau khi xem video clip này, mình cảm thấy có gì đó uẩn khúc trong chuyện này. Và đợi các bên liên quan vụ việc phản ứng thế nào và giải quyết ra làm sao.
Rồi thì, theo Ban tôn giáo tỉnh Bình Phước, việc tôn trí tượng Phật, Bồ-tát ở những nơi đó là trái pháp luật. Nếu trái pháp luật thì phải xử lý bằng pháp luật. Chuyện này không có gì phải nói. Tuy nhiên, mình vẫn còn một vài suy nghĩ cần phải nêu ra.
Thứ nhất, đoạn video clip cho thấy tôn tượng đức Phật trong “hang Cọp” đã bị hư hại, cụ thể là bị đứt đầu. Nhưng một số hình được nói là chụp sau vụ việc đăng trên một số trang mạng Phật giáo lại cho thấy tôn tượng vẫn còn nguyên vẹn. Lẽ nào hình ảnh trong video clip là hình ảnh ghép? Ai ghép? Và nếu ghép với dụng ý kích động bà con “Phật tử” thì cần phải điều tra xử lý. Hay là pho tượng đã được làm lại cho nguyên vẹn?
Thứ hai, theo lời ông Nguyễn Hữu Tư, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Bình Phước, ông không chỉ đạo đập phá tôn tượng Bồ-tát Quan Âm. Theo ông, khi những người cưỡng chế do ông hướng dẫn xuống núi, tôn tượng Quan Âm vẫn còn nguyên vẹn. Và theo nhận định của các cơ quan nhà nước cũng như Ban trị sự PG Bình Phước được đăng trên một số trang mạng Phật giáo, một số đối tượng, lợi dụng vụ việc, “lén lút đập phá tượng Quan Âm trên hồ nước, sau đó đưa một số người lớn tuổi tự xưng là ‘Phật tử’ lên ôm đầu tượng để quay phim nhằm ngụy tạo cảnh ‘đập phá tượng Phật, đốt bỏ kinh sách’ và phát tán lên mạng internet nhằm kích động sự bất bình cho những người chưa nắm rõ bản chất vụ việc” và  “để vu cáo ông Nguyễn Hữu tư đập phá tượng Phật để kích động bà con Phật tử.” Như vậy, theo những nhận định này, hành vi và mục đích của những kẻ “lén lút đập phá tượng Quan Âm” là hành vi phạm pháp và xúc phạm đến niềm tin của Phật giáo đồ. Không biết Ban tôn giáo có điều tra xử lý hành vi phạm pháp này không? Còn về phía dư luận Phật giáo, quý Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bình Phước nên đề nghị các cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ “đối tượng” nào đã đập phá tôn tượng Bồ-tát Quán Âm. Thiết nghĩ, rất nhiều Tăng ni Phật tử muốn biết “đối tượng” nào đã có hành vi xúc phạm đến niềm tin của Tăng ni Phật tử.
Xem qua hình ảnh trong clip này, mình thấy những cụ già mặc áo tràng lam đốt hương lễ Phật rất thành kính. Trong số họ, mình nghĩ chắc cũng có nhiều người là Phật tử hoặc có tín ngưỡng Phật giáo, chứ không phải “tự xưng là Phật tử” như một số nhận định của phía Phật giáo, để làm “diễn viên” quay phim đâu. Đừng đẩy họ rời xa ngồi nhà Tam bảo và trở thành những “đối tượng” kích động dư luận thật sự. Hãy đưa tay kéo họ trở về với ngôi nhà chung của Tam bảo. Mong lắm!
Có thể họ không rõ pháp luật nên đã làm sai luật. Sai thì sửa. Có lỗi thì sám hối. Có gì đâu. Nhân vụ này, mình nhớ đến vụ việc chùa Hang quê mình. Chùa Hang quê mình được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Chùa thuộc diện quản lý của ban di tích quốc gia. Chánh điện chùa là một đá hang rộng, chứa được cả ngàn người ngồi. Chánh điện là một hang đá nên nền chánh điện là những lớp đá bằng, và vài chỗ có trán xi măng. Sau khi chùa sinh hoạt thường xuyên trở lại, với bản tính chất phác của người dân quê, nghĩ sao làm vậy. Bà con Phật tử, người góp của, kẻ góp công mua gạch men, loại gạch màu trắng (rất tương phản với không gian chánh điện) lót nền chánh điện. Họ nghĩ đây là việc làm công đức. Nhưng sau đó, chính quyền đã can thiệp, cho gỡ hết nền gạch đó. Lúc đầu, bà con bức xúc và buồn phiền. Nhưng được chính quyền giải thích, bà con Phật tử cũng hiểu ra dần sự việc. Và sau đó nữa, được sự đồng ý của Ban Bảo tồn Di Sản quốc gia, chính quyền đã lót lại toàn bộ chánh điện với loại gạch và màu gạch phù hợp với không gian của khu di tích cấp quốc gia. Bà con Phật tử rất hoan hỷ.
Mình chỉ nêu lên một số suy nghĩ và thắc mắc của mình. Có thể có người sẽ không đồng ý hay có ý kiến hay hơn. Mình luôn tôn trọng những ý kiến khác nhau, cả những ý kiến trái chiều được bày tỏ trong tinh thần xây dựng.
Thích Nguyên Lộc
 
Thông tin liên quan:
-->Đọc thêm...

Tuesday, 23 April 2013

Làm thế nào để thanh tịnh quốc độ của Phật?

Xin nói ngay là nội dung tịnh hóa Phật độ ở đây được trình bày từ một vài hiểu biết trong phẩm Phật quốc độ của kinh Duy-ma-cật. Kinh Duy-ma-cật khởi đầu bằng phẩm Phật quốc độ. Theo đó, Bảo Tích và 500 thanh niên, con của những trưởng giả kinh thành Tỳ-xá-ly, phát tâm Bồ-đề và thỉnh cầu đức Phật chỉ dạy phương pháp làm thanh tịnh quốc độ của Phật.
Bảo Tích thưa hỏi đức Phật, làm thế nào để thanh tịnh quốc độ của chư Phật. Đức Phật dạy Bảo Tích và 500 thanh niên rằng, muốn thanh tịnh quốc độ của Phật thì trước phải thanh tịnh tâm của mình và sau phát nguyện giúp tịnh hóa tâm của chúng sanh trong quốc độ đó. Hiểu rộng ra là tất cả những người con Phật đã phát tâm Bồ-đề phải tịnh hóa tâm của chính mình và có nhiệm vụ, bằng nhiều phương cách thiện xảo khác nhau, tịnh hóa tâm của người khác và chúng sanh nói chung. Khi tâm của tất cả chúng sanh trong thế giới ta-bà này thanh tịnh thì thế giới này sẽ là thế giới thanh tịnh.
Vậy Bồ-tát phải làm sao cho tâm của mình và của chúng sanh thanh tịnh để thanh tịnh quốc độ của Phật? Bồ-tát phải phát tâm Bồ-đề và luôn trưởng dưỡng tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là tâm trên cầu chứng Phật quả, dưới dấn thân cứu độ muôn loài. Nghĩa là Bồ-tát phải tu tập cho đến khi chứng đắc tuệ giác như chư Phật và phát triển lòng từ dấn thân vào đời để tịnh hóa tâm của chúng sanh. Quốc độ của đức Phật ở đây cụ thể là thế giới ta-bà này. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thuyết pháp ở thế giới ta-bà lấy con người làm đối tượng chính. Như vậy, những người con Phật đã phát tâm Bồ-đề thực hành con đường của Bồ-tát, bên cạnh tự chuyển hóa tâm của mình, phải có nhiệm vụ, bằng nhiều phương cách thiện xảo khác nhau, chuyển hóa tâm hồn người khác phát triển theo chiều hướng tích cực để tịnh hóa quốc độ của Phật. Chuyển hóa tâm người khác theo chiều hướng tích cực có thể hiểu nôm na là chuyển hóa từ những con người với tâm nhiều xấu ác thành những con người thánh thiện. Cũng có nghĩa là Bồ-tát phải có nhiệm vụ chuyển hóa xã hội xung quanh chúng ta nói riêng và thế giới nói chung ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Trong kinh này, một trong những ý nghĩa của “tâm tịnh thì thế giới tịnh” được biểu hiện qua hình ảnh của vườn xoài Ambapali. Và hành động thực tiễn của Bồ-tát, đặc biệt là mẫu hình Bồ-tát thanh niên, được thấy qua hình ảnh của Bảo Tích và những thanh niên giàu có. 
Như chúng ta biết, đức Phật thuyết giảng bài pháp này tại khu vườn của nữ Phật tử Ambapali và thuyết cho những chàng thanh niên thuộc dòng họ quý tộc và giàu có của kinh thành Tỳ-xá-ly. Ambapali là ai? Trước khi quy y Tam bảo, Ambapali là một kỹ nữ, thường quen gọi là kỹ nữ Vườn Xoài. Ambapali không phải là kỹ nữ hạng thường mà là một kỹ nữ hạng sang. Đối tượng bà tiếp là những người thuộc tầng lớp quý tộc và giàu có của thành Tỳ-xá-ly và những kinh thành lân cận. Theo truyền sử, vua Tần-bà-sa-la của nước Ma-kiệt-đà đã có một người con với Ambapali. Như vậy, khu vườn của Ambapali, trước khi dâng cúng Tam bảo, là tụ điểm ăn chơi của giới quý tộc và giàu có. Nhưng sau khi dâng cúng Tam bảo, khu vườn này đã trở thành tịnh viện già lam. Và đương lúc đức Phật thuyết pháp, tịnh viện này là nơi vân tập của chư Đại Bồ-tát mười phương, chư Thánh giả Thinh văn, chư Bồ-tát mới phát tâm cùng hàng chục nghìn thiện tín Phật tử.
Bảo Tích và 500 thanh niên thuộc dòng họ quý tộc của thành Tỳ-xá-ly kia là ai? Những thanh niên này khiến chúng tôi liên tưởng đến những thanh niên quý tộc của kinh thành Tỳ-xá-ly được đề cập trong kinh Đại Bát Niết-bàn thuộc kinh Trường Bộ.  Theo kinh Đại Bát Niết-bàn, khi nghe tin đức Phật đang trú tại vườn xoài của kỹ nữ Ambapali, những thanh niên thuộc dòng họ quý tộc và giàu có của thành Tỳ-xá-ly vội vàng đến đảnh lễ và thăm viếng đức Phật. Trên đường đi, họ gặp Ambapali đang trên đường từ vườn xoài trở về nhà riêng để chuẩn bị lễ phẩm dâng cúng đức Phật và chư Tăng. Những thanh niên này và Ambapali gặp nhau trên đường, vì quen biết nên hỏi thăm nhau. Có nghĩa là trong số họ, có người đã từng qua lại với kỹ nữ Ambapali. Những chành thanh niên con nhà quý tộc và giàu có này có phải là 500 thanh niên được đề cập trong kinh Duy-ma-cật không? Không phải ngẫu nhiên mà kinh này lấy bối cảnh vườn xoài của Ambapali để làm đạo tràng và 500 thanh niên dòng họ giàu có làm đối tượng nghe kinh. Nên những chàng thanh niên trong kinh Đại Bát Niết-bàn cũng có thể là những thanh niên trong kinh Duy-ma-cật. Nhưng dù thế nào, hoàn toàn có thể, trong số 500 thanh niên phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo kia, có người, trước kia, đã từng đến vườn xoài này và ở lại qua đêm với kỹ nữ Ambapali. Những con người này, khi xưa chưa gặp chánh pháp, họ đến khu vườn này để hưởng thụ dục lạc. Bây giờ khi đã gặp chánh pháp, phát tâm Bồ-đề, họ cũng đến khu vườn của Ambapali nhưng đến tâm thái thanh tịnh. Họ đến với tâm thái của những chàng thanh niên đầy tín tâm và nhiệt huyết muốn kiến lập quốc độ thanh tịnh của Phật.
Như vậy, cũng khu vườn đó, cũng những chàng thanh niên kia, ngày trước là khu vườn bất tịnh, họ đến đó để tạo nghiệp nhân bất thiện. Bây giờ, họ đến đó, nơi ấy không còn là khu vườn của những kẻ trụy lạc mà là khu vườn với sự hiện diện của đức Phật và các bậc thánh mười phương; họ đến đó để phát nguyện tạo nhân thiện lành. Những hình ảnh này biểu hiện rõ nhất tư tưởng “tâm tịnh thì thế giới tịnh”. Tâm Ambapali thanh tịnh, biến vườn xoài thành tịnh viện, tâm của những chàng thanh niên kia thanh tịnh, biến thành những Bồ-tát phát nguyện làm những việc thanh tịnh và thiện lành. Tâm tịnh tất cả đều thanh tịnh.
Hình ảnh những chàng thanh niên trong kinh Duy-ma-cật cũng nhằm mục đích dạy cho những thanh niên chân chánh những việc cần làm. Khuyên họ đừng uổng phí thời gian, sức lực và tiền bạc và ảnh hưởng của mình cho những việc làm vô ích và tại hại, hãy sử dụng những điều kiện mình có được dấn thân vào đời góp phần kiến tạo xã hội này ngày càng tốt đẹp hơn. Kinh này cũng đưa ra một trong những mẫu hình lý tưởng của Bồ-tát, cụ thể là thanh niên Bồ-tát. Họ là những thanh niên Phật tử có tâm Bồ-đề, có nhiều năng lực và lòng nhiệt huyết, phát nguyện tinh tấn tu tập và dấn thân vào cuộc sống để chuyển hóa khổ đau và mang lại an vui cho xã hội xung quanh.
Thích Nguyên Lộc
-->Đọc thêm...

Tiểu sử Đại lão Hòa thượng thượng Thiện hạ Nhơn

Ngưỡng vọng Tổ đình Thiên Đức thành tâm đảnh lễ giác linh Hòa thượng Yết-ma A-xà-lê tân viên tịch
 
TIỂU SỬ
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG
Thượng THIỆN Hạ NHƠN
Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định

1. THÂN THẾ:
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thế danh Hồ Thanh Tùng, sinh năm Tân Mùi (1931) tại thôn Tân Hòa, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là Cụ ông Hồ Ngộ, Pháp danh Như Đạo và Thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Sáu, Pháp danh Diệu Tùng, trong gia đình có sáu người con, Ngài là người con thứ ba. Gia đình Ngài có nhiều đời truyền thống thâm tín Tam Bảo. Hai vị bào đệ và bào muội từng xuất gia và thành tựu đạo nghiệp rất đáng kể, đó là Thầy Bửu Thanh và Ni sư Quảng Trí.

2. XUẤT GIA HỌC ĐẠO:
Từ nhỏ, Ngài đã sớm có duyên lành với đạo Phật, Ngài thường xuyên theo cha mẹ đến chùa lạy Phật. Với bẩm chất thông minh, Ngài đã sớm đậu bằng Primaire.
Chủng tử Phật pháp trong Ngài sớm nảy nở nên năm 12 tuổi (1942), học đạo với thiền sư Tâm Minh là Tổ khai sơn chùa Thiên Sanh (thường gọi là chùa Hang) ở Phù Mỹ. Sau đó, theo học với Ngài Quảng Đức tại chùa Tịnh An - Phù Cát.
Năm 1944, cơ duyên phùng ngộ Hòa thượng Thích Giác Tánh, là bậc Pháp sư lừng lẫy khắp miền Trung, uyên thâm kinh điển Đại Thừa, kế thừa Tổ Tâm Tịnh-Huệ Chiếu, trụ trì chùa Hưng Long – An Nhơn. Vì cảm phục đạo phong của Hòa thượng Giác Tánh, Ngài cùng với Hòa thượng Thiện Duyên đầu sư xuất gia, được phú Pháp danh là Quảng Phước.
Năm 1950, Ngài được Bổn sư và Hòa thượng Trí Nghiêm truyền trao giới pháp Sa Di tại chùa Hưng Long – An Nhơn, được ban Pháp tự là Thiện Nhơn.

3. HÀNH ĐẠO:
Từ năm 1948 - 1954, Ngài làm Thư ký Phật giáo Cứu Quốc Liên khu 5.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, dưới sự khuyến khích của Hòa thượng Bổn sư, Ngài cùng đoàn Học Tăng từ Phật Học Đường Hưng Long, Bình Định, 12 vị, gồm quý Hòa thượng: Thích Đồng Thiện, Thích Thiện Duyên, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Tâm Hiện, Thích Đồng Từ, Thích Nguyên Trạch, Thích Từ Hạnh, Thích Liễu Không, Thích Tâm Lâm, Thích Đổng Tánh… đi bộ vào Khánh Hòa để cầu tòng học chuyên khoa Kinh, Luật, Luận tại Tăng Học Đường Nam Phần Trung Việt-Nha Trang (tiền thân của Phật Học Viện Trung phần-Nha Trang), do Hòa thượng Thích Huyền Quang làm giám đốc.
Năm 1957, cùng rất đông Pháp lữ đồng môn, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Hộ Quốc ở Nha Trang, do Trưởng Lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đường đầu, được Bổn sư ban Pháp hiệu là Quán Hạnh.
Năm 1958, Ngài tốt nghiệp chương trình Cao Đẳng Phật học từ Phật Học Đường Trung phần, được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam bổ nhiệm làm Giảng sư, giáo hóa khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận và các tỉnh Cao Nguyên. Cũng trong giai đoạn này, Ngài được mời kiêm nhiệm Chánh Hội Trưởng Hội Phật học Quảng Ngãi trong 2 năm.
Năm 1964-1975, GHPGVNTN thỉnh cử Ngài làm Chánh Đại Diện Giáo hội tỉnh GiaLai – KonTum. Trong giai đoạn này, Ngài cũng thành lập và làm Giám đốc các trường Bồ Đề tại Pleiku.
Trong những năm 1964-1975, tuy rất bận rộn với bao công tác hoằng pháp và trọng trách hành chánh điều hành nhiều cấp GH, nhưng Ngài cũng thực thi tâm huyết phổ độ quần sanh, nên đã khai sơn, tạo dựng và đại trùng tu rất nhiều cơ sở tầm vóc cho Đạo pháp, như chùa Hồng Từ (Kontum), chùa Đạo Quang (Sài-gòn), chùa Pháp Hải (Quy Nhơn), chùa Hoa Nghiêm (Phù Cát), v.v..
Năm 1982, sau 6 năm chịu an trí, lao động, Ngài trở về phụ tá Hòa thượng Bổn sư Giác Tánh trong trách nhiệm dạy dỗ Kinh Luật cho Tăng chúng và quản trị mọi Phật sự tại Tổ đình Thiên Đức.
Năm 1987, sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài đã tiếp nhận Tổ nghiệp trong trọng trách “Truyền Đăng Tục Diệm”, nhậm chức trú trì để làm quang huy rạng rỡ ngôi Tổ đình Thiên Đức, do Ngài Minh Giác Kỳ Phương, Tỵ Tổ của Tổ đình Thập Tháp đến Háo Lễ khai sơn từ đầu thế kỷ 18.
Bên cạnh đó, với đại hạnh đồng sự, cộng hành để chung tay xiển dương cơ đồ Đạo pháp đang cơn trầm nịch suốt thế kỷ qua, từ 1982 đến ngày viên tịch, hơn 30 năm, Ngài luôn luôn làm gương, cổ võ, dấn thân cùng chư tôn Giáo phẩm, chư Tôn đức trong bản tỉnh thực hiện hàng trăm Phật sự chung cho tỉnh nhà, như: Tăng sự, giáo dục, đào tạo Tăng tài, hướng dẫn Phật tử…và thường xuyên đáp ứng thỉnh cầu mọi Phật sự, Pháp sự, Tăng sự từ khắp nơi trên toàn quốc, không bao giờ nề hà lao nhọc, cả đến khi tuổi đã quá cao, sức khỏe đã suy mòn.
 Mặc dù Phật sự Giáo hội đa đoan nhưng Ngài vẫn luôn luôn ấp ủ hoài bão đại trùng tu ngôi Phạm vũ Thiên Đức, vì sau thời gian chiến tranh ngôi bảo tự đã sụp nát hoàn toàn năm 1965, chỉ được Hòa Thượng Tôn Sư tái thiết lại một phần vào những năm 1973-1976.
Tháng 5 năm Kỷ Mão (1999), Ngài cùng môn phái quyết định khởi công đại trùng tu ngôi bảo tự Thiên Đức. Sau thời gian tái thiết gần 10 năm, công trình đại trùng tu đã hoàn thành. Vào ngày 06 tháng 9 năm 2007, Ngài tổ chức Đại lễ Khánh thành ngôi Phạm vũ Tổ đình Thiên Đức, hàng chục ngàn Tăng Ni, Phật tử toàn quốc về tham dự.
Ngoài sự thành tựu của ngôi Phạm vũ, Ngài vẫn thường xuyên lưu tâm đến việc đào tạo Tăng tài, tiếp Tăng độ chúng. Tổ đình Thiên Đức, dưới sự lãnh đạo và dìu dắt của Ngài, đệ tử xuất gia trước sau cả 100 vị, làm chỗ quy ngưỡng tâm linh cho Thập phương, phát huy tầm ảnh hưởng của Phật giáo lên mọi tầng lớp xã hội, góp phần duy trì nền văn hóa và đời sống tâm linh truyền thống của Dân tộc mà ngàn năm tiền nhân đã vun đắp nuôi dưỡng.

 * Phật sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN):
Năm 1991, Ngài cùng chư Tôn đức trong bản tỉnh đứng ra tích cực vận động thành lập Trường Cơ Bản Phật Học tại tu viện Nguyên Thiều, đến nay được 6 Khoá, đã và đang đào tạo trên một nghìn Tăng Ni trẻ toàn quốc về đây tham học. Đặc biệt, do Ban Trị Sự khéo léo vận động bảo trợ từ trong và ngoài nước, nên Trường TCPH Nguyên Thiều là một trong rất ít các cơ sở đào tạo Tăng Ni có điều kiện thuận duyên tu học, quy củ rất nghiêm minh.
Nhiệm kỳ 1992-1997, Ngài làm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Chánh đại diện Phật giáo huyện Tuy Phước.
Nhiệm kỳ 1997-2002, Ngài được suy cử vào Ủy viên HĐTS/ GHPGVN, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Chánh đại diện Phật giáo huyện Tuy Phước.
Năm 2002, Ngài được bầu làm Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Bình Định.
Nhiệm kỳ 2002-2007, Ngài được suy cử vào thành viên HĐCM, ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
Nhiệm kỳ 2007-2012, Ngài tiếp tục được suy cử vào thành viên HĐCM, ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
Nhiệm kỳ 2012-2017, Ngài được suy cử vào Ủy viên Thường trực HĐCM, Ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.

* Chức sự trong các giới đàn:
Năm 1994, Ngài làm Giáo thọ A-xà-lê Đại giới đàn Phước Huệ, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2000, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và làm Yết-ma A-xà-lê tại Đại giới đàn Chánh Nhơn, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2000, Ngài làm Giáo thọ A-xà-lê tại giới đàn Liễu Quán II, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Phú Yên tổ chức.
Năm 2003, Ngài làm Yết-ma A-xà-lê tại giới đàn Ananda-Giác Tánh tại Tu viện Vạn Hạnh, Úc.
Năm 2004, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và Yết-ma A-xà-lê Đại giới đàn Huệ Chiếu do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2004, Ngài làm Yết ma A-xà-lê tại giới đàn Lâm Tế, Tu viện Lộc Uyển, Cali, Hoa Kỳ.
Năm 2009, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và Yết Ma A-xà-lê Đại giới đàn Giác Tánh do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.

4. VIÊN TỊCH:
Mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng Ngài không từ nan bất cứ Phật sự nào, bất cứ sự cần cầu nào, như lời Ngài thường dạy đồ chúng: “nơi nào cần thì ta đến, hết việc thì ta lại đi, không thời gian, không biên giới.” Trong chuyến đi chứng minh cho lễ Khai giảng khóa đầu tiên của trường Trung cấp Phật học tại Gia Lai ngày 30/10/2012, Ngài bị tai biến nhẹ. Giáo hội, môn đồ pháp quyến cùng các y bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, bệnh viện Chợ Rẫy – TP HCM tận tình chữa trị, sau đó Ngài đã bình phục gần như hoàn toàn. Nhưng vì nhân duyên hóa độ đã mãn, trọng trách kế thừa Tổ nghiệp đã thành, huyễn thân tứ đại giả tạm như cỗ xe trải qua thời gian cũng đến thời tan rã, với linh cảm nhiệm mầu, Ngài đã trở về chốn Tổ đình Thiên Đức, xả bỏ báo thân, an nhiên thị tịch vào lúc 06 giờ rưỡi sáng, ngày 20 tháng 4 năm 2013 (nhằm 11/3/Quý Tỵ).
Trụ thế 83 năm, 55 Tăng lạp.

Suốt cuộc đời Ngài từ lúc xuất gia cho đến ngày viên tịch, Ngài đã không ngừng phụng sự Đạo pháp, hóa độ chúng sanh. Với trách nhiệm “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, kế thừa Tổ nghiệp, Ngài khơi đèn tuệ giác cho hàng ngàn môn đồ tứ chúng; trong hàng đệ tử xuất gia, nhiều vị đã tốt nghiệp từ Cử nhân cho đến Tiến sĩ Phật học, nhiều vị đã trụ trì, giữ nhiều trọng trách Phật sự trong và ngoài nước. Ngài cũng có công lớn trong việc khai sơn, tái thiết, trùng tu các ngôi chùa như: Hồng Từ, Đạo Quang, Pháp Hải, Hoa Nghiêm, Thiên Sanh, Thiên Bửu, Phước Điền…, đặc biệt là công trình đại trùng tu Tổ đình Thiên Đức.
Với cuộc đời thanh tu, nếp sống giản dị chan hòa, với tâm lượng bao dung hỷ xả, với trí tuệ mẫn tiệp sâu sắc, với giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh, Ngài xứng đáng là bậc Tòng Lâm Thạch Trụ, là bậc cao Tăng thạc đức trong chốn rừng thiền. Với tầm nhìn thấu triệt trước sau, với hạnh nguyện cao cả, thiêng liêng, với hùng tâm dũng lực, Ngài là nhà lãnh đạo sáng suốt, tài đức vẹn toàn, tự tại vô úy trước sự thăng trầm của cuộc đời. Tinh thần hy hiến, phụng sự của Ngài vẫn còn mãi mãi với Đạo pháp. Pháp âm của Ngài vẫn còn vang vọng, in đậm trong lòng Tứ chúng khắp nơi.
Ngài ra đi, môn đồ pháp quyến mất đi một vị Thầy tôn kính, Phật Giáo Việt Nam mất một bậc cao Tăng làm chỗ dựa cho bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử.
Dẫu biết rằng ‘vô thường thị thường’, ‘sanh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ’, bậc xuất trần đại sĩ đến đi vô ngại như gió thoảng mây bay, như cánh nhạn tầng không chẳng để lại dấu vết, nhưng trước cảnh sanh ly tử biệt, môn đồ tứ chúng, chư tôn Thiền đức Tăng Ni khắp nơi, Thiện tín Phật tử xa gần làm sao tránh khỏi niềm tiếc thương vô hạn với bậc Tôn sư khả kính.

NAM MÔ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, SẮC TỨ THIÊN ĐỨC ĐƯỜNG THƯỢNG, HÚY Thượng QUẢNG Hạ PHƯỚC, Hiệu QUÁN HẠNH, Tự THIỆN NHƠN, TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG TÂN VIÊN TỊCH GIÁC LINH, THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.
             Môn đồ Pháp quyến cung soạn

Nguồn: www.phatgiaobinhdinh.com

-->Đọc thêm...

Lý tưởng Bồ-tát trong đời sống xã hội

Có thể nói rằng một trong những học thuyết nổi bật của Phật giáo Đại thừa là học thuyết Bồ-tát, mặc dù khái niệm Bồ-tát đã xuất hiện trước đó trong Phật giáo Theravāda. Với việc xây dựng hình tượng Bồ-tát lý tưởng đi cùng với những nguyên tắc tu tập và thệ nguyện cứu độ chúng sanh, Phật giáo Đại thừa thể hiện là một tôn giáo đề cao tinh thần nhập thế tích cực.
 
Những luật tắc, phẩm hạnh và những thệ nguyện của Bồ-tát, cũng như việc thực hành con đường Bồ-tát, được giảng giải khắp các kinh luận Đại thừa. Nói chung Bồ-tát được xem là mẫu người có nhân cách lý tưởng và cao thượng; và những giới luật Bồ-tát được xem như những chuẩn tắc đưa đến một đời sống đạo đức và giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp, cuối cùng là đưa hành giả đến sự giải thoát. Hẳn nhiên rằng khi thực hành theo những chuẩn tắc cùng những thệ nguyện mà mình phát nguyện, Bồ-tát sẽ trở thành những tấm gương sáng trong cuộc đời. Bồ-tát đi vào trong đời, vừa tu tập hoàn thiện bản thân và vừa làm cho cuộc đời tốt đẹp và nhân bản hơn. Chính vì điều này mà kinh Hoa nghiêm (Avataṃsaka Sūtra) nói rằng Bồ-tát đóng chức năng như một ngọn đèn có thể soi sáng thế gian.
Bản chất cốt tuỷ của Bồ-tát là lòng đại từ bi, và tất cả chúng sanh là đối tượng của lòng từ bi đó. Và bản chất của lòng đại từ bi mà nó hình thành nên một trong những đặc điểm quan trọng của chư Bồ-tát là không bao giờ rời bỏ những chúng sanh đang khổ đau phía sau cuộc hành trình của họ. Tuệ quán của chư Bồ-tát là nhận thức rõ tính không của tất cả các pháp, nhưng công việc cứu độ của họ thì không bao giờ nằm ngoài thế giới khổ đau. Điều kiện sống của Bồ-tát là ở nơi đời sống của những con người bình thường, và lòng từ bi sẽ trở thành nền tảng của tất cả hành động. Con đường Bồ-tát do đó không phải là con đường êm đềm phẳng lặng, bởi vì cõi đời vốn gập gành và luôn đầy những chướng ngại trên lối đi.
Theo kinh Lăng-già, Bồ-tát vì muốn độ tất cả chúng sanh đạt đến Niết-bàn nên phát nguyện ở lại thế giới nhiều khổ đau này để làm lợi ích cho chúng sanh. Kinh điển Đại thừa phác vẽ một hình tượng Bồ-tát đi vào đời hoằng hóa bằng nhiều phương cách khác nhau. Trong phẩm Phổ môn của kinh Pháp hoa, Bồ-tát có thể “hóa hiện” thành những hình hài khác nhau để cứu độ chúng sanh. Bồ-tát có thể ở trong hình hài phụ nữ, trong hình hài người nam, trong hình hài cư sĩ, trong hình hai tu sĩ, trong hình hài vua quan, trong hình hài thường dân, trong hình hài người lớn tuổi, trong hình hai trẻ thơ… Nhưng dù ở trong hình hài nào, mục đích của Bồ-tát là để cứu độ tha nhân. Và như vậy, bất kể mang hình hài tu sĩ hay cư sĩ, nếu suy nghĩ và việc làm lúc nào cũng vì tha nhân, hy sinh bản thân vì cuộc đời và những người cùng khó, và luôn sống theo những thệ nguyện cao cả thì người đó đang thực hành Bồ-tát đạo. Điều này cũng có thể nhìn thấy nơi kinh Duy Ma Cật, một bản kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, nơi lý tưởng Bồ-tát được thể hiện sống động cùng với giáo lý Phương tiện: “Ông chấp trì luật pháp, duy trì trật tự dưới trên. Hợp tác hài hòa trong tất cả sự nghiệp buôn bán, tuy cũng gặt hái những tài lợi thế tục, ông không lấy đó làm mừng. Rong chơi trên các ngõ đường để giúp ích mọi người. Vào chốn công đường để bảo vệ kẻ thế cô. Tham gia các luận nghị để đưa người vào Đại thừa. Đến các trường học để khai sáng tâm mọi người. Vào nơi kỹ viện để cho thấy tai họa của dục vọng. Vào trong tửu lâu để khiến mọi người giữ vững ý chí”. Và, “Bằng gia sản bất tận của mình, ông bao bọc người cùng khổ. Bằng giới thanh tịnh, ông bao bọc người hủy phạm cấm giới. Bằng sự nhu thuận của nhẫn, ông bao bọc người sân hận hung dữ. Bằng đại tinh tấn, ông bao bọc người biếng nhác. Bằng nhất tâm, thiền định, tịch tĩnh, ông bao bọc những kẻ có tâm ý tán loạn. Bằng tuệ quyết định, ông bao bọc những hạng vô trí” (bản dịch của TT.Tuệ Sỹ).
 
Kinh điển Đại thừa như vậy cho thấy phạm vi hành hoạt của Bồ-tát vô cùng đa dạng. Trong thời hiện đại, nhiệm vụ của Bồ-tát càng trở nên đa dạng hơn trong một xã hội với nhiều khía cạnh đan xen chất chồng. Sự nghiệp hành hoạt của một vị Bồ-tát, do đó, không chỉ giới hạn sự quan tâm của mình vào những người đã yên vị trong những thiền đường mát mẻ hay thảnh thơi niệm Phật trong những tòa chánh điện cao rộng, trong khi bên ngoài còn vô số con người đang chịu những đau khổ bởi những nguyên nhân khác nhau.
 
Ngày hôm nay, bước trên con đường Bồ-tát, hành giả không chỉ nhìn vào tâm mình và quán sát những cảm xúc sinh khởi, mà còn phải nhìn sâu vào phẩm chất của những cấu trúc cộng đồng và trật tự xã hội, đòi hỏi những xem xét thầu đáo hơn về môi trường vật lý và môi trường tâm lý của đời sống cộng đồng. Lòng từ bi và trí tuệ của Bồ-tát không giới hạn nơi sự tĩnh thức và giác ngộ cá nhân, không giới hạn nơi việc “kiến tánh” cho riêng mình.
 
Bồ-tát là một con người và cũng là một trạng thái tâm được biểu hiện thành hành động. Chúng ta có thể nghe đến danh xưng những vị Bồ-tát, nhìn thấy tranh họa của những vị Bồ-tát, nhưng chúng ta cũng có thể gặp những con người thể hiện những hành vi và lời nói của một vị Bồ-tát. Chúng ta cần nghe đến danh xưng, hình ảnh và hạnh nguyện của những vị Bồ-tát để quy hướng. Nhưng chính những lời nói và việc làm trong đời sống thực thể hiện tinh thần Bồ-tát mới có thể làm cho lý tưởng Bồ-tát được hiện thực hoá.
 
Kinh điển Đại thừa, cụ thể như kinh Pháp hoa, nói đến loại hoa sen trắng thanh khiết mọc lên từ bùn lầy. Phép ẩn dụ này muốn nói rằng, việc đạt lấy trạng thái tâm thanh tịnh cần thực hiện giữa cuộc đời này, hay ngay giữa xã hội loài người, dù rằng điều này không dễ. Theo cách này, Bồ-tát không bao giờ chạy trốn thực tại, và không bao giờ rời bỏ chúng sanh đang chịu đau khổ trong cuộc đời còn riêng mình đắm say trong sự tĩnh tại cá nhân. Trong mười hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, hạnh thứ chín nói đến việc “hằng thuận chúng sanh”, là tuỳ thuận theo chúng sanh, là tuỳ theo căn cơ, nghiệp lực, hoàn cảnh… của mỗi chúng sanh để tuỳ nghi hoá độ. Điều này đòi hỏi Bồ-tát không bao giờ được thoát ly khỏi thực tại xã hội, như lời nguyện của hoàng hậu Shrimala trong kinh Thắng Man (Srimala Devi Sūtra): “Nếu tôi nhìn thấy những người cô độc bị cầm tù một cách bất công và đánh mất sự tự do, những người khổ đau vì bệnh tật, tai ách và đói nghèo, tôi sẽ không rời bỏ họ. Tôi sẽ đem lại cho họ sự an ổn cả vật chất lẫn tinh thần”.
 
Không rời bỏ chúng sanh không có nghĩa là ở chung với họ, mà là hành động vì những con người đó. Tất nhiên, một vị Bồ-tát có thể hành động theo nhiều cách để giúp người, giúp đời. Lên án cái xấu ác, cổ vũ cho điều thiện cũng là một hành động mang hạnh nguyện Bồ-tát. Makiguchi, người thành lập tổ chức Phật giáo nhập thế Soka Gakkai ở Nhật Bản, cho rằng: “từ bỏ điều xấu và đi theo điều tốt là hai hành động được sinh ra từ cũng một lực đẩy…. Chỉ những người đủ can đảm chiến đấu chống lại điều xấu mới có thể là một người bạn chân thật của điều tốt… Nó là không đủ khi vui thích một cách thụ động với điều tốt. Chúng ta phải có sự can đảm đạo đức một cách tích cực để theo đuổi điều tốt”. Makiguchi đã thể hiện tinh thần dấn thân tích cực của Phật giáo Đại thừa khi khởi xướng phong trào Soka Gakkai, và khi xem từ bi có ý nghĩa tích cực chỉ khi nó được thể hiện qua hành động. Ông cho rằng khi chứng kiến một người sắp chết đuổi, chỉ thể hiện một thái độ thích hợp đối với tình huống đó là không đủ, mà phải tìm cách cứu lấy mạng sống của người đó. Và lịch sử cần đến những người hành động hơn là cần đến những người bảo người khác hành động; cũng như cần đến những người tự thân tu tập hơn là người khuyên bảo người khác tu tập còn mình thì không!
 
Tuy nhiên với Phật giáo, hành động để cứu giúp tha nhân cần phải được tiến hành với sự chuyển đổi cá nhân. Việc đào luyện và chuyển hóa tâm là điều quan trọng trong lộ trình tu đạo. Bởi vì, cho dù một người cố gắng hết mình để làm điều tốt, nhưng nếu quên mất tâm bồ-đề, thì việc thiện đó cũng chỉ là hành động của ma. Tâm bồ-đề là tâm cầu giác ngộ, là tâm phát khởi cứu giúp chúng sanh, và cũng có thể gọi là những trạng thái tâm tốt sau khi đã nỗ lực gạn lọc những trạng thái tâm tiêu cực. Đánh mất tâm bồ-đề mà làm việc thiện, hay nói cách khác là các hành vi được thể hiện không khởi xuất từ động cơ trong sáng và lương thiện, thì việc thiện đó có khi chỉ là một hành vi che lấp cho một mục đích bất thiện, điều mà ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu trong đời sống xã hội hiện nay.
 
Bổn phận của Bồ-tát là thiết lập đạo đức vào trong đời sống xã hội và sau đó hướng dẫn chúng sanh đến sự giác ngộ hoặc chí ít là hướng dẫn họ đi theo con đường giác ngộ. Do đó, việc làm của Bồ-tát chỉ có ý nghĩa thực sự khi đưa được người khác đến với đời sống đạo đức và phát triển đời sống tâm linh. Theo Phật giáo Đại thừa, một vị Bồ-tát làm lợi ích chúng sanh qua việc thực hành các ba-la-mật (pāramitā), nhưng nếu những việc làm đó không đưa người khác đến được đời sống đạo đức và phát triển đời sống tâm linh thì chúng được coi là thiếu “phương tiện thiện xảo”. Nói cách khác, nếu một người nỗ lực làm từ thiện để giúp cho chúng sanh vơi bớt những đói khổ tạm thời, nhưng nếu không thiết lập được nền tảng đạo đức và đời sống tâm linh cho những người đói nghèo đó, việc làm của người ấy không được xem là hoàn hảo theo ý nghĩa thực hành Bồ-tát đạo.
 
Vạn pháp trong thế gian luôn tương thuộc và chúng sanh trong cõi ta-bà này không thể tồn tại độc lập. Do vậy, khổ đau và những tổn hại của chúng sanh khác chớ vội nghĩ là không có dính líu đến chúng ta. Trưởng giả Duy Ma Cật đã thốt lên rằng: “tôi bệnh vì chúng sanh bệnh. Khi bệnh của chúng sanh được khỏi thì bệnh của tôi sẽ khỏi”. Thực hành Bồ-tát đạo là xem bệnh khổ của chúng sanh như bệnh khổ của mình, trách nhiệm đối với người khác và đối với xã hội cũng có nghĩa là có trách nhiệm đối với bản thân. Điều này không phải là điều gì đó quá trừu tượng và khó hiểu, nếu chúng ta đọc những dòng sau đây của đức Dalai Lama, mà cũng mang ý nghĩa tương tự:
 
“Mỗi người trong thế giới của chúng ta đều tương quan và tùy thuộc. Hạnh phúc và sự an bình của bản thân tôi là mối quan tâm của tôi. Tôi có trách nhiệm đối với điều đó. Nhưng hạnh phúc và sự an bình của tổng thể xã hội là quan tâm của mọi người. Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm cá nhân để thực hiện những gì chúng ta có có thể để cải thiện thế giới của chúng ta. Trong thời đại của chúng ta, lòng từ bi là cần thiết, không phải là một sự xa xỉ. Con người là những động vật xã hội và chúng ta phải sống cùng với nhau, cho dù chúng ta muốn hay không muốn. Nếu chúng ta thiếu những trái tim tốt và lòng từ bi đối với nhau, sự tồn tại của mỗi chính chúng ta sẽ bị đe dọa. Ngay cho dù chúng ta vị kỷ, chúng ta nên vị kỷ một cách khôn ngoan và hiểu rằng hạnh phúc và sự sống còn của chúng ta là tùy thuộc vào kẻ khác. Do đó, tử tế và từ bi đối với nhau là cốt tuỷ.
 
Con ong cái kiến không có tôn giáo, không có giáo dục hay triết học, tuy thế chúng hợp tác với nhau theo bản năng. Khi làm như vậy, chúng bảo đảo sự sống còn của thế giới của chúng và hạnh phúc của mỗi cá thể trong đó. Chắc hẳn loài người chúng ta, thông minh và tinh tế hơn, có thể làm được điều đó. Vì vậy, mỗi chúng ta có trách nhiệm cá nhân để giúp đỡ kẻ khác bằng bất cứ cách gì mà chúng ta có thể. Tuy nhiên, chúng ta chớ có mong đợi thay đổi cuộc đời ngay lập tức. Mỗi khi chúng ta chưa giác ngộ, những hành động của chúng ta làm lợi ích kẻ khác sẽ bị hạn chế. Không có sự an bình nội tại thì sẽ không có hòa bình thế giới. Do đó, chúng ta phải hoàn thiện bản thân và đồng thời làm những gì chúng ta có thể để giúp đỡ người khác”.
 
Hoàn thiện bản thân và giúp đỡ tha nhân theo khả năng mình có là điều Phật giáo luôn nhấn mạnh. Cả hai điều này giúp cho người tu học theo Phật giáo, những người đang thực hành theo con đường Bồ-tát, viên mãn trong việc tự độ và độ tha. Cuối cùng xin được kể lại một câu chuyện ngắn mang tính ẩn dụ để kết thúc bài viết này:
 
Một đoàn người đang đi qua một sa mạc khô cháy và họ đang kiệt sức vì mặt trời thiêu đốt và không còn nước uống. Nhưng trong số ấy, vẫn còn có một vài người có thể tiếp tục đi được và họ cố gắng vượt lên phía trước; và rồi họ đã gặp một hồ nước. Hẳn nhiên là họ vô cùng vui mừng khi nhìn thấy nước và việc đầu tiền là uống cho thỏa cơn khát đang thiêu đốt cơ thể. Trong số họ, có người sau khi uống xong, đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi và chìm đắm trong sự thoả mãn vừa có được; nhưng cũng có người, đã nghĩ đến những bạn đồng hành đang còn ở phía sau, nên hoặc là mang nước đến cho những người ấy, hoặc quay trở lại khuyến khích và bảo cho những người ấy biết rằng có một hồ nước đang ở phía trước, hãy cố gắng vượt lên để nhận lấy nước uống.
 
Những người khi tìm thấy nước, nghĩ đến người khác đang chịu cảnh khát cháy và muốn giúp những người đồng hành này, có thể được xem là mẫu người Bồ-tát. Và xã hội dù bất cứ ở thời kỳ nào cũng luôn cần đến những người như vậy, nhưng người luôn nghĩ đến tha nhân, muốn chia sẻ những lợi ích vật chất và tinh thần cho những người đang còn chịu nhiều đau khổ trong cõi ta-bà vốn uế trược và lắm bất an này.
 
Theo blog của Nguyên Hiệp

-->Đọc thêm...

Phong trào chấn hưng Phật giáo Nam Hàn trong thế kỷ XX

Phật giáo có mặt tại bán đảo Triều Tiên vào năm 372, tiếp biến với tín ngưỡng dân gian, nhanh chóng trở thành tôn giáo chính và đóng vài trò chủ đạo trong đời sống tâm linh của phần lớn người dân trong suốt gần 1000 năm. Tiếp đến, Phật giáo trải qua 500 năm bị đàn áp dưới triều đại Khổng giáo Choson, và sau đó là hàng chục năm xung đột và chia rẽ nội bộ. Hiện nay, Phật giáo Nam Triều Tiên (Nam Hàn) đã tìm được lối thoát và đang cố gắng vượt qua khúc cong lịch sử của Phật giáo tại nước này. Và gần đây, Phật giáo Nam Hàn đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong thể kỷ XXI qua sự kiện biểu tình ôn hòa của hơn 60,000 Tăng Ni và Phật tử thuộc 20 Tông phái Phật giáo để phản đối sự kỳ thị tôn giáo của chính phủ. [*]
Phong trào hiện đại hóa Phật giáo trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản
Năm 1910, Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, kết thúc triều đại Choson (1392-1910). Những Tăng sĩ Phật giáo Nhật Bản, phần lớn là Tăng sĩ thuộc phái Tân Tăng, đã đến truyền giáo tại Triều Tiên. Phật giáo ít nhiều đã trở lại những hoạt động tự viện và xã hội sau 500 năm bị lãng quên hoặc chỉ được biết như những tín ngưỡng dân gian. Bằng những sắc lệnh quản lý tự viện của chính quyền, Phật giáo đã tiến hành thiết lập hệ thống quản lý Tăng Ni và tự viện. Theo hệ thống này, có 30 Tự viện chính, mỗi tự viện do một vị Viện trưởng quản lý, tất cả Tăng ni và Tự viện trong cả nước đều trực thuộc sự quản lý của 30 tự viện chính. Phật giáo tiến hành cải cách hệ thống giáo dục và hoằng pháp. Giáo dục tự viện được chia làm ba cấp: Sơ cấp, Cơ bản và Cao cấp Phật học. Nhiều Tăng sĩ trẻ được gởi đến Seoul để theo học các trường Trung học công lập và Đại học dành cho người nước ngoài, chủ yếu là người Nhật; và cũng có một số Tăng sĩ khác được gởi sang Nhật du học. Phật giáo đã thành lập nhiều Trung tâm hoằng pháp trên cả nước, hoạt động theo sự điều hành của Ban hoằng pháp trung ương.
Tuy nhiên, Phật giáo trong giai đoạn này bị chính quyền chi phối và bị dân chúng chỉ trích là hợp tác với chính quyền thuộc địa Nhật Bản. Nhiều Tăng sĩ trẻ nhận thấy chính quyền can thiệp, lũng đoạn nội bộ Phật giáo và một số lãnh đạo Phật giáo tham quyền cố vị, đã thành lập một phong trào mới, gọi là phong trào Phật giáo Đại chúng (Minjung Pulgyo). Họ công khai yêu cầu chính quyền chấm dứt hành động can thiệp vào nội bộ Phật giáo và hủy bỏ sắc lệnh quản lý Tự viện, để Tăng ni và Phật tử có thể kiểm soát và ngăn chặn sự lạm quyền và sa sút về giới phẩm của một số lãnh đạo Phật giáo. Phong trào Phật giáo Đại chúng hướng đến những công việc hoằng pháp và công tác phúc lợi xã hội. Họ nỗ lực diễn giảng giáo lý bằng ngôn ngữ và phương cách mới mang tính đại chúng hơn và thành lập một số thư viện Phật giáo, cơ cở phúc lợi xã hội để giúp đỡ người nghèo và nông dân. Phong trào này có ảnh hưởng nhất định trong xã hội vào những năm cuối thập niên 20 và đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Nhưng rồi, phần thì không đủ tài chánh, phần lại bị chính quyền sách nhiễu, Phong trào Phật giáo Đại chúng đã phải ngưng hoạt động.
Nhìn chung, Phật giáo Nam Hàn trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản ít nhiều phát triển hơn trong giai đoạn 500 năm bị đàn áp dưới triều đại Choson, nhưng phần lớn Tăng sĩ đều theo truyền phái Tân Tăng của Nhật Bản. Họ lập gia đình, không cạo tóc, mặc âu phục, không bị ràng buộc của những giới luật như cấm uống rượu và cấm ăn thịt.
Phong trào Tịnh hóa Tăng-già
Năm 1945, Nhật Bản đầu hàng phe đồng minh, Triều Tiên giành lại độc lập. Quân đội Hoa Kỳ và Liên Xô đóng quân tại hai miền Nam Bắc. Năm 1950, Bán đảo Triều Tiên xảy ra cuộc nội chiến và bị chia cắt vào năm 1953. Miền Nam theo thể chế cộng hòa, gọi tên nước là Đại Hàn Dân quốc, Tổng thống là người đứng đầu chính phủ và có nhiều quyền hạn. Năm 1948, tiến sĩ Syngman Rhee (Yi Sungman) đắc cử Tổng thổng Nam Hàn. Và với lý do tái thiết xã hội sau chiến tranh và bài trừ tàng tích của chính quyền thuộc địa Nhật Bản, ông Rhee sử dụng sức mạnh cảnh sát và quân đội duy trì cương vị Tổng thống trong ba nhiệm kỳ (1948-1960).
Trong suốt thời gian cầm quyền, ông Rhee ủng hộ mạnh mẽ Phong trào Tịnh hóa Tăng-già của những Tăng sĩ không lập gia đình và tuân giữ giới luật của Tỳ-kheo (dưới đây sẽ gọi những vị Tu sĩ này là Tăng sĩ phái Cựu Tăng để phân biệt với phái Tân Tăng). Phái Cựu Tăng, lúc bấy giờ có khoảng 700 Tu sĩ, nhận định rằng những Tăng sĩ lập gia đình, không mặc y phục tu sĩ, không tuân thủ giới luật của Tỳ-kheo là không phù hợp với luật nghi của người xuất gia, không thể được thừa nhận là Tăng sĩ Phật giáo. Họ thông qua bản dự thảo hiến chương yêu cầu những Tăng sĩ lập gia đình nên trở về cuộc sống thế gian làm những vị cư sĩ hộ pháp và giao lại tự viện và tài sản của Phật giáo cho những Tịnh Tăng quản lý. Lúc đầu, phái Tân Tăng phản đối mạnh mẽ bản dự thảo hiến chương này. Nhưng sau đó, Tổng thổng Rhee ban hành ba sắc lệnh Tôn giáo trong vòng 6 tháng (5-11/ 1954), yêu cầu những Tăng sĩ phái Tân Tăng phải giao lại tất cả tự viện và tài sản của Phật giáo cho những Tăng sĩ thanh tịnh.
Phái Tân Tăng, có khoảng 7000 Tu sĩ và nhiều trong số họ được đào tạo theo khoa bảng và có học vấn cao, tiến hành nhiều kế hoạch phản đối hoặc vô hiệu hóa những yêu cầu của Phái Cựu Tăng. Để tránh chống đối trực tiếp những sắc lệnh của chính phủ, họ chấp nhận giao lại tự viện cho những Tăng sĩ không lập gia đình quản lý, và đề nghị những Tăng sĩ đó phải do họ bầu chọn, và họ dự định sẽ bầu chọn những Tăng sĩ học giả, có khuynh hướng ôn hòa và trung lập quản lý tự viện của họ. Nhưng họ lại từ chối lời đề nghị tiến hành bầu chọn một cách minh bạch và công khai của phái phái Cựu Tăng. Hai bên vẫn không đồng thuận và không tìm ra giải pháp để giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn này.
Tuy nhiên, trước áp lực mạnh mẽ từ chính quyền, phái Tân Tăng chấp nhận giao lại nhiều tự viện và cơ sở thương mại cho phái Cựu Tăng và đăng ký thành lập một tông phái hoạt động riêng biệt và tiến hành nhiều vụ kiện tụng liên quan đến việc quản lý tự viện và tài sản. Những vụ kiện này vẫn kéo dài nhiều năm sau ngày ông Rhee từ chức.
Phần nhiều cư sĩ Phật tử và dân chúng Nam Hàn không chấp nhận truyền thống của phái Tân Tăng Nhật Bản; họ ủng hộ Phong trào Tịnh hóa Tăng-già. Nhưng phong trào này đã mắc phải một số sai lầm: 1, Để xảy ra nhiều vụ tranh chấp nhuốm màu bạo lực và 2, Vì khuyến khích người xuất gia, phái Cựu Tăng đã thu nhận nhiều hạng người xuất gia, bao gồm thành phần bất hảo, xuất gia vì mục đích kinh tế và quyền lợi; khiến uy tín của Phật giáo bị giảm sút trong dân chúng và Phật tử.
Những mâu thuẫn trong nội bộ Phật giáo
Tháng 4, năm 1960, trước áp lực của dân chúng và Hoa Kỳ, sau kết quả đắc cử Tổng thổng nhiệm kỳ IV, ông Rhee buộc phải từ chức và lưu vong sang Hoa Kỳ. Tháng 6, Quốc hội bầu ông Yun Po-son đảm trách chức vụ Tổng thống và ông Chang Myon trong cương vị Thủ tướng. Tình thế chính trị thay đổi, thuận lợi hơn cho phái Tân Tăng, họ yêu cầu các cơ quan tư pháp phải giải quyết 70 vụ viện còn tồn đọng về quyền quản lý tự viện và cở sở thương mại của họ. Họ đã thắng nhiều vụ kiện và tiếp quản lại nhiều tự viện mà trong thời gian Nhật chiếm đóng Triều Tiên là của họ.
Tháng 5 năm 1961, quân đội đảo chính, ban hành thiết quân luật, giải tán quốc hội và các đảng phái, thành lập Hội đồng Quân nhân cách mạng do tướng Chang To-Yong lãnh đạo. Sau đó, tướng Chang và vài tướng lĩnh khác bị kết tội đảo chính. Tướng Park Chung-hee (Pak Chonghui) được bầu làm chủ tịch thay tướng Chang. Tướng Park ban hành bản dự thảo Tân hiến pháp và công bố lịch trình tổng tuyển cử chính phủ dân sự vào tháng 5 năm 1963. Ông Park đắc cử Tổng thắng trong lần bầu cử năm 1963 và tiếp tục lãnh đạo chính phủ trong cương vị Tổng thống cho đến 1979.
Tổng thổng Park cũng là người ủng hộ Phong trào Tịnh hóa Tăng-già của phái Cựu Tăng. Ông tiếp tục ban hành đạo luật quy định Tự viện và tài sản của Phật giáo là do những Tăng sĩ có nếp sống tịnh hạnh quản lý. Với những nỗ lực hòa giải sự xung đột của nhiều phía, một Hội đồng tái thiết Phật giáo được thành lập để soạn thảo chương trình tiến đến một Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc. Tháng 4 năm 1962, một Đại hội Phật giáo đã được tiến hành và chọn tên gọi của một Phật giáo thống nhất là Giáo hội Phật giáo Tào Khê Hàn Quốc (The Chogye Order of Korean Buddhism); bầu ngài Hyobong Sunim thuộc phái Cựu Tăng làm Tăng thống, pháp sư Im Sokjin thuộc phái Tân Tăng làm Chủ tịch Hội đồng Điều hành; bầu ra 50 thành viên để đảm nhiệm các chức vụ trung ương của Giáo hội, trong đó 32 thuộc phái Cựu Tăng, 18 thuộc phái Tân Tăng. Và rồi, chỉ một năm sau ngày Đại hội thống nhất Phật giáo, phái Tân Tăng yêu cầu số thành viên của hai phái Cựu và Tân phải ngang bằng nhau, phái Cựu Tăng phản đối lời đề nghị này. Chính phủ lên tiếng ủng hộ lập trường của phái Cựu Tăng. Phật giáo lại lần nữa tách riêng hai phái Cựu và Tân Tăng.
Và tiếp theo, những Tu sĩ mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong phái Cựu Tăng hình thành phong trào Phật giáo vì quốc gia. Phong trào này tuy có những đóng góp nhất định trong việc đề cao giá trị văn hóa dân tộc; nhưng bên cạnh đó, phong trào này có khuynh hướng chính trị và bị can thiệp mạnh, công khai hoặc bí mật, từ phía chính quyền, gây thêm sự xáo trộn trong nội bộ Phật giáo. Trước tình cảnh Phật giáo bị phân hóa trầm trọng, nhiều Tăng Ni và Phật tử trí thức thành lập những phong trào chấn hưng Phật giáo và hiện đại hóa Phật giáo, nổi bật nhất là Phong trào Phật giáo Đại chúng.
Phục hoạt Phong trào Phật giáo Đại chúng
Trong nhiều nhiệm kỳ Tổng thống, mặc dù ông Park Chung-hee đã đóng góp rất nhiều trong việc tái thiết xã hội và phát triển kinh tế, nhưng ông có khuynh hướng độc tài, dựa vào cơ quan tình báo và cảnh sát để duy trì quyền lực và trấn áp phe đối lập, nên chính phủ của ông gặp nhiều chống đối từ các đảng phái khác, và sinh viên học sinh.
Để phản đối chính phủ độc tài của Tổng thổng Park Chung-hee (1961-1980), trong thập niên 70, nhiều phong trào dân chủ của Tăng sĩ trẻ, trí thức Phật giáo và sinh viên, học sinh được thành lập, và được biết với tên gọi chung là Phong trào Phật giáo Đại chúng. Những phong trào này hoạt động riêng rẽ và thiếu chặt chẽ, nên bị chính quyền trấn áp, bắt bớ và quy kết tội danh thân với chính quyền Bắc Hàn, một số thành viên lãnh đạo Phong trào bị giam giữ.
Giữa thập niên 80, Liên minh các Phong trào Phật giáo Đại chúng được thành lập. Liên minh này nhanh chóng lớn mạnh, hoạt động tích cực như một phong trào Phật giáo nhập thế. Họ công khai phản đối chính phủ độc tài, đòi nới rộng dân chủ cho người dân, chỉ trích chính phủ can thiệp và lũng đoạn nội bộ Phật giáo, phê phán thái độ quan liêu của nhiều vị lãnh đạo Phật giáo. Phong trào được nhiều Tăng sĩ trẻ, trí thức Phật giáo và sinh viên học sinh hưởng ứng, và trở thành một Phòng trào vững mạnh và có nhiều ảnh hưởng trong xã hội.
Ngài Hyuam Song (1941–1997), một tu sĩ được nhiều người kính trọng và giữ thái độ trung lập, kêu gọi các bên hãy rút lui khỏi vũ đài chính trị, tập trung vào những công việc giáo dục và hoằng pháp, nhằm đưa Phật giáo thoát khỏi vũng lầy tranh chấp trong nội bộ Phật giáo.
Từ năm 1988, Phong trào Phật giáo Đại chúng từ bỏ những hoạt động dân chủ, tập trung vào những công tác phúc lợi xã hội và hoằng pháp, mở nhiều khóa thiền cộng đồng. Những hoạt động của Phong trào này ít nhiều làm thay đổi thái độ chỉ trích của dân chúng đối với Phật giáo, tạo ra một sinh khí mới cho quần chúng Phật tử.
Trải qua nhiều biến động từ bên ngoài xã hội và trong nội bộ Phật giáo, Tăng ni và Phật tử của các tông phái đã nhận thức rõ sự cần thiết của một Phật giáo đoàn kết, hòa hợp trong tinh thần tôn trọng sự đa dạng trong phương pháp hành trì và tông chỉ hoạt động. Các tông phái cố gắng hỗ tương nhau để ứng phó trước sự phát triển nhanh nhóng của xã hội và sự lớn mạnh của Tin Lành. Phật giáo đoàn kết hơn và tập trung phát triển các lãnh vực văn hóa, giáo dục, hoằng pháp, và công tác xã hội. Phật tử của các tông phái kết hợp điều hành kênh truyền hình Phật giáo BTN (Buddhist Televison Network); kênh truyền này phát sóng các chương trình giới thiệu văn hóa Phật giáo, hướng dẫn các khóa thiền, giảng dạy giáo lý mang tính phổ cập và đại chúng. Phật giáo tiến hành cải cách toàn diện hệ thống giáo dục từ cấp Tiểu học cho đến cấp Đại học, mở ra nhiều khóa giảng dạy giáo lý ngắn và dài hạn cho Thanh thiếu niên Phật tử. Nhiều Tự viện trong cả nước thường xuyên tổ chức những khóa thiền dành cho nhiều thành phần trong xã hội, đặc biệt là những khóa thiền mùa Hè cho sinh viên học sinh. Nhiều Lễ hội Phật giáo được tổ chức quy mô, hoành tráng nơi công cộng. Phật giáo thành lập nhiều Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, người già neo đơn và nhiều trung tâm dạy nghề, thành lập nhiều tổ chức bảo vệ môi trường và liên kết với nhiều tổ chức phi chính phủ cùng tham gia vào các hoạt động phúc lợi xã hội, thường xuyên tổ chức hội chợ thực phẩm để hỗ trợ cho nông dân.
Phật giáo Nam Hàn đang có dấu hiệu phát triển và sẽ thích ứng nhanh nhóng với tình thế trong nước và khu vực. Bài học chấn hưng và cải cách của Phật giáo Nam Hàn trong thời hiện đại cần được các nhà lãnh đạo Phật giáo tại các nước Đông Á nhận thức và tham cứu để tìm sách lược ứng phó với xu hướng giao lưu, hợp tác một cách ngang bằng và tôn trọng giữa Đông phương và Tây phương trong nhiều lãnh vực, bao gồm cả lãnh vực văn hóa và tôn giáo. Trong xu hướng này, nếu Phật giáo tại Đông Á thật sự vững mạnh, thì Phật giáo không những chỉ gìn giữ và phát huy tinh thần hòa bình và giải thoát của mình và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc mình, mà còn có thể truyền bá Phật giáo sang các nước phương Tây như Phật giáo Tây Tạng đang thực hiện, nhằm góp phần tạo nên một thế giới hòa bình hơn và tốt đẹp hơn.■

Nguyên Lộc
 
[*] Bài này dựa ý chính trong bài “Buddhism in Korea: Decolonization, Nationalism, and Modernization” của Pori Park trong Buddhism in World Cultrues do Stephen C. Berkwitz xuất bản, NXB: ACB-CLIO, năm 2006 và tham khảo Phật giáo Đại Hàn trước những thử thách lịch sử của Trần Quang Thuận
 
-->Đọc thêm...

Phật tử B. R. Ambedkar

Như thường niên, hôm nay, ngày mồng 6 tháng 12, lễ tượng niệm ngày  B. R. Ambedkar qua đời cũng được tổ chức trọng thể trong nhiều ngày tại công viên Shivaji, khu vực Dadar, thành phố Mumbai, Ấn Độ. Phật tử Ấn Độ xem Ambedkar như một vị Bồ-tát. Vì trong cách nghĩ của họ, ông là người đã đem Phật giáo trở về lại quê hương Ấn Độ, là người đã hướng dẫn họ trở về nương tựa ba ngôi Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Thật vậy, B. R. Ambedkar là một Phật tử ưu việt, có công rất lớn trong phong trào phục hưng Phật giáo Ấn Độ trong thế kỷ XX.
Năm nay, người ta ước đoán cũng sẽ có khoảng hơn 500 ngàn Phật tử và những người theo ông B. R. Ambedkar từ nhiều nơi hành hương về Mumbai để tham dự sự kiện này.
Để tưởng nhớ ông, nhân ngày ông qua đời, xin được giới thiệu đôi nét về ông.
Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp Cùng đinh (ngày xưa gọi là Thủ-đà-la), tại một ngôi làng nghèo, ở tiểu Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, vào 14 tháng 4 năm 1891. Ông là con út trong gia đình mười bốn người con, bố ông tên là Ramji Maloji Sakpal, mẹ ông tên là Bhimabai. Khi ông được năm tuổi, mẹ ông qua đời. Cha ông phải một mình nuôi dưỡng 14 người con.
Là một cậu bé thuộc giai cấp cùng đinh (Dalit) cũng như những cậu bé thuộc giai cấp cùng đinh khác, B. R. Ambedkar không được phép cắp sách đến trường như những cậu bé trang lứa của những giai cấp khác. Nhưng do vì ham học, cậu bé Ambedkar rón rén đến trường, xin được ngồi ngoài hành lang lớp học, để học dự thính. Một thời gian sau, thấy cậu học trò Ambedkar chăm học, ngoan hiền, Thầy giáo Mahadev, người thuộc giai cấp Bà-la-môn, có lòng quý mến, nhận làm con nuôi, và bảo lãnh cho Ambedkar vào trường học.
Năm ông lên bảy, gia đình ông chuyển đến sinh sống tại thành phố Bombay (nay là Mumbai). Tại đây, ông được ghi danh theo học tại một trường Trung học công lập và là học sinh đầu tiên thuộc giai cấp cùng đinh tại ngôi trường này. Mặc dù học rất xuất sắc, nhưng ông luôn phải đối mặt với những khinh bỉ, và la mắng mà bạn trang lứa trong lớp học đối xứ với ông.
Học xong Trung học (năm 1907), nhận được học bổng, B. R. Ambedkar thi vào Đại học và theo học ngành Kinh tế và Khoa học chính trị tại vào Đại học Bombay (nay là Đại học Mumbai). Sinh viên Ambedkar trở thành một trong những sinh viên đầu tiên thuộc giai cấp cùng đinh được vào Đại học tại Ấn Độ. Tại Đại học Bombay, ông gặp được người thầy giáo tốt bụng, Shri K.A Keluskar. Thầy giáo Keluskar tặng ông một quyển sách nhỏ, the Life of Gautam Buddha (Cuộc đời của đức Phật Gotama). Nội dung của sách này mở ra cho ông một hướng đi mới và nó bắt đầu thay đổi tín ngưỡng truyền thống của ông.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân (1912), ông cùng vợ và con chuyển về và làm việc cho chính quyền Baroda, một khu tự trị trong thời kỳ thuộc địa Anh, phía Tây Ấn Độ (nay là tiểu bang Gujarat). Nhờ làm việc ở đây, ông nhận được học bổng của chính quyền Baroda. Ông sang Hoa Kỳ, theo học Thạc sĩ ngành kinh tế tại phân khoa Chính trị học tại Đại học Columbia. Sau đó, sang Anh và tiếp tục theo học tiến sĩ ngành luật tại Đại học London.
Về lại Ấn Độ, Ambedkar làm việc tiếp trong chính quyền Baroda, đảm nhiệm chức vụ Thư ký trong bộ quốc phòng Baroda. Nhưng làm được một thời gian ngắn, ông phải thôi việc, lý do, vì ông sinh ra từ giai cấp cùng đinh. Không làm trong chính quyền, Ambedkar chuyển sang kinh doanh để kiếm sống, nhưng không có khách hàng, cũng chỉ vì ông là người xuất thân từ giai cấp cùng đinh.
Rồi ông được mời giảng dạy trong tư cách là giáo sư cho phân khoa Kinh tế chính trị tại Đại học Kinh tế và Thương mại Sydenham. Tuy được nhiều sinh viên quý trọng, và là giáo sư thực thụ, nhưng ông luôn bị đồng nghiệp khinh rẽ, cũng chỉ vì ông là giáo sư thuộc giai cấp cùng đinh. Các đồng nghiệp của ông không bao giờ nước cùng bình đựng nước mà ông đã uống qua.
Thấu hiểu hệ thống giai cấp của Ấn Độ bất công và vô lý, ông nghĩ phải làm một việc gì đó để giúp những người cùng khốn có thêm quyền lợi trong xã hội. Năm 1922, với số tiền tiết kiệm được và có thêm trợ giúp của một số bạn bè, ông qua lại London, theo học khóa Tiến sĩ kinh tế tại Đại học London. Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Anh, ông trở về Ấn Độ và làm việc tại Tòa án Bombay. Trong thời gian làm việc tại tòa án này, ông nỗ lực bảo vệ quyền lợi của những người cùng khốn.
Năm 1927, B. R. Ambedkar thành lập phong trào bảo vệ những con người nghèo cùng khốn khổ. Phong trào này ra sức đòi hỏi những quyền lợi căn bản nhất cho cộng đồng những gia đình cùng khốn, cụ thể là đòi hỏi quyền được uống nước sạch. Phong trào này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người cùng đinh. Và vì họ là số đông, nên phong trào này trở thành một tiếng nói mạnh mẽ trong những vấn đề chung của xã hội.
Tiến sĩ B. R. Ambedkar cũng như bao lớp người tri thức yêu nước khác tham gia phong trào đấu tranh trong tinh thần bất bạo động do Mahatma Gandhi lãnh đạo, để yêu cầu chính quyền thuộc địa Anh trả lại quyền quản lý đất nước cho người dân Ấn Độ. Tuy nhiên, B. R. Ambedkar lên tiếng chỉ trích cương lĩnh chính trị của đảng Quốc Đại do Mahatma Gandhi lãnh đạo. Theo ông, cương lĩnh chính trị của đảng này không quan tâm nhiều đến quyền lợi của giai cấp cùng đinh.
Năm 1932, B. R. Ambedkar và Mahatma Gandhi đã xảy ra mâu thuẫn lớn trên lập trường tư tưởng giai cấp. B. R. Ambedkar đề nghị xóa bỏ triệt để hệ thống giai cấp của xã hội cổ truyền Ấn Độ (mà chính xác là của Ấn giáo), trao quyền bầu cử và ứng cử cho tất cả cử tri thuộc giai cấp cùng đinh trong một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Mahatma Gandhi phản đối tư tưởng giai cấp của Ambedkar (theo M. Gandhi, vào lúc đó, chưa thể xóa bỏ triệt để hệ thống giai cấp), trong khi M. Gandhi chấp nhận tất cả các quyền này dành đối với những người theo đạo Hồi và đạo Sikh.
Chính quyền thuộc địa Anh lên tiếng ủng hộ quan điểm xóa bỏ giai cấp của B. R. Ambedkar. Mahatma Gandhi tuyên bố “tuyệt thực cho đến chết” nếu B. R. Ambedkar không chấp nhận quan điểm của ông. Trước tình hình căng thẳng, các nhà lãnh đạo của đảng Quốc Đại tiến hành nhiều cuộc thương thuyết với B. R. Ambedkar và nhận thấy, nếu vì việc này, mà M. Gandhi qua đời, những người Hindu (theo Ấn giáo) có thể sẽ trả thù và có thể sẽ sát hại nhiều người thuộc giai cấp cùng đinh, nên B. R. Ambedkar buộc lòng chấp nhận lập trường của Mahatma Gandhi.
Năm 15 tháng 8 năm 1947, Ấn Độ tuyến bố độc lập. Tiến sĩ Ambedkar được mời làm Bộ trưởng Tư pháp và đảm nhiệm vai trò chủ tịch Ủy ban soạn thảo Hiến pháp cho nhà nước Cộng hòa Ấn Độ. Với tư cách là chủ tịch Ủy ban soạn thảo hiến pháp và Bộ trưởng Tư pháp, bên cạnh tiếp thu cách thức quản lý nhà nước của các nước phương Tây, ông cũng tiếp nhận những mô hình dân chủ của cộng đồng Tăng sĩ Phật giáo trong lúc đức Thế Tôn còn tại thế và mô hình dân chủ của nhà nước cộng hòa Sakya và Lichchavis. Bản dự thảo Hiến pháp do ông và đồng nghiệp của ông soạn thảo đã được Hội đồng Hiến pháp chấp thuận và thông qua vào ngày 26 tháng 11 năm 1949. Trong đó, hiến pháp quy định lấy hình Sư tử trên trụ đá do Đại đế A-dục khắc tạo để đánh dấu sự kiện đức Thế Tôn vận chuyển bánh xe pháp tại vườn Lộc Uyển làm biểu tượng cho Quốc huy Ấn Độ và chọn bánh xe pháp luân của Phật giáo làm biểu tượng để in trên quốc kỳ của nhà nước cộng hòa Ấn Độ. Tiến sĩ B. R. Ambedkar được xem là cha đẻ của Bản Hiến pháp nước Cộng hòa Ấn Độ.
Sau ngày đất nước Ấn Độ giành lại độc lập, ông tuyên bố từ bỏ Ấn giáo và sẽ chọn một tôn giáo khác cho đời sống tâm linh của mình. Sau lời tuyên bố này, chức sắc của nhiều tôn giáo đã tiếp xúc với ông, mời gọi ông nương theo tôn giáo của họ. Trong thời gian này, ông tập trung nhiều vào việc nghiên cứu giáo lý của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới.
Tuy chưa chính thức quy y Tam bảo, nhưng tiến sĩ Ambedkar tham dự nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế về Phật giáo. Trong Hội nghị Tình hữu nghị Phật giáo Thế giới tổ chức tại Rangoon, Myamar vào 1954, ông đã phát biểu: “Nếu thế giới cần có tôn giáo, thì tôn giáo đó phải là Phật giáo”. Ông rất buồn khi nhìn thấy Phật giáo, một tôn giáo vĩ đại lại bị diệt vong ngay chính quê hương Ấn Độ của mình gần 700 năm kể từ đầu thế kỷ thứ 13. Ông kêu gọi những tổ chức Phật giáo trên thế giới phải có kế hoạch phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ.
Và rồi, Tiến sĩ B. R. Ambedkar đã chọn Phật giáo làm nơi nương tựa cho đời sống tâm linh của mình. Ông chính thức quy y Tam bảo nhằm ngày 14/10/1956, ngày vua A-dục theo Phật giáo. Sự kiện này đã kéo theo khoảng 500.000 người ủng hộ ông cải đạo và quy y theo Phật giáo. Như lời nhận định của Tiến sĩ Tiến sĩ M.L. Kasare phát biểu trong Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ nhất được tổ chức tại Mumbai với chủ đề “Phật giáo và thế giới hiện đại: Một viễn cảnh của Ambed¬kar”:  “Thế giới đã chứng kiến một sự kiện cải đạo chưa từng có trước đây. Sự kiện lịch sử này cho thấy Ambed¬kar là một nhà tổ chức vĩ đại của Phật giáo trong thời hiện đại. Ông đã làm nổi bật tầm quan trọng lời Phật dạy. Ông là cứu tinh của giai cấp cùng đinh và mở ra nhiều cánh cửa Phật giáo cho giai cấp nghèo khổ này. Bây giờ, họ không còn mặc cảm và tự ti về thân phận bần cùng của họ.”
B. R. Ambedkar đã qua đời vào ngày 6 tháng 12 năm 1956, chỉ ba ngày sau khi hoàn tất tác phẩm The Buddha and His Dhamma (Đức Phật và Giáo lý của Ngài).
Ông Ambedkar đã dành phần lớn cuộc đời của mình cho sự nghiệp kêu gọi tự do, quyền bình đẳng, tình anh em giữa tất cả mọi giai cấp, mọi thành phần trong xã hội. Và uy tín chính trị và giáo dục của ông đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ.
Những người theo ông tự nhận mình là những người theo Phật giáo Ambedkar. Họ hình thành một tổ chức của những người theo Phật tử Ambedkar, gọi là Phong trào Phật giáo Ambedkar hay Phong trào Phật giáo Mới. Từ ngày thành lập đến ngày nay, Phong trào Phật giáo Ambedkar đã tổ chức nhiều buổi lễ quy y cho hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn người cải đạo theo Phật, mà phần nhiều trong số họ thuộc giai cấp cùng đinh (Dalit).
Theo con số thống kế năm 2001, Phật tử tại Ấn Độ có khoảng 8 triệu (bây giờ con số này chắc chắn là nhiều hơn), trong số đó, có hơn 6 triệu Phật tử là những người theo phong trào của B. R. Ambedkar. Họ sống tập trung chủ yếu tại tiểu bang Maharashtra; trong tiểu bang này, nhiều nhất tại thành phố Nagpur. Mỗi năm, vào các dịp lễ tưởng niệm ngày sinh và ngày mất của B. R. Ambedkar hàng trăm ngàn Phật tử từ nhiều nơi hành hương về Tu viện Deekshabhoomi, thuộc thành phố Nagpur, nơi đánh dấu sự kiện Tiến sĩ Ambedkar và hàng trăm ngàn người đã quy y Tam bảo; và thành phố Mumbai, nơi ông đã trải qua phần lớn cuộc đời ông cho công cuộc đấu tranh đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn cho những người cùng đinh để cùng tưởng nhớ về ông.
Nguyên Lộc
Ghi chú: Nội dung bài viết này dựa vào những bài liên quan đến B. R. Ambedkar trên trang mạng Bách khoa toàn thư mở/ tiếng Anh.
-->Đọc thêm...

Monday, 22 April 2013

Truyền thống Hữu bộ và Kinh tạng A-hàm

Thông thường, nhiều người cho rằng kinh A-hàm là kinh tạng thuộc truyền thống Hữu bộ. Thật sự có phải kinh tạng A-hàm hoàn toàn thuộc Hữu bộ?  Trong phạm vi bài này, với những cố gắng còn nhiều giới hạn, tôi sẽ đưa ra những nhận định của tôi và dành phần đánh giá cho bạn đọc.
Cũng giống như kinh tạng Nikāya (Pāli), A-hàm là tạng kinh kết tập những bài pháp được cho của đức Phật. Lúc đức Phật còn tại thế, không có bất kỳ sự ghi chép nào về những bài giảng mà đức Phật đã giảng dạy cho nhiều tầng lớp xã hội, tại những địa điểm và trong nhiều trường hợp khác nhau trong suốt hơn 40 năm hoằng pháp. Nhưng sau ngày đức Phật niết-bàn, 500 Tỳ-kheo A-la-hán, dưới sự lãnh đạo của Tôn giả Đại Ca-diếp, đã trùng tụng, phân loại và kết tập tất cả lời dạy đó trong Đại hội kết tập kinh điển tại thành Vương Xá. Trong số các Tỳ-kheo A-la-hán, Tôn giả A-nan được mời trùng tụng kinh tạng. Mỗi và mọi bài kinh đều bắt đầu bằng câu: “Tôi nghe như vầy”. Những bài pháp của đức Phật được kết tập tại Đại hội này được tất cả các bộ phái Phật giáo Ấn Độ truyền thừa và vâng giữ. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh văn học, chúng ta thấy rằng, mỗi bộ phái như: Hữu bộ (Sarvāstivāda), Đại chúng bộ (Mahāsāṁghika), Pháp tạng bộ (Dharmagupta), Hóa địa bộ (Mahīśāsaka) và tất nhiên, bao gồm cả Thượng tọa bộ (Theravāda) đều có kinh tạng riêng của từng bộ phái.
Thượng tọa bộ, một truyền thống không bị gián đoạn lịch sử truyền thừa, được cho là đã lưu giữ kinh điển được kết tập tại thành Vương Xá bởi 500 Tỳ-kheo A-la-hán dưới sự lãnh đão của Tôn giả Đại Ca-diếp. Các bộ phái khác không còn tồn tại đến ngày nay, nên kinh điển của họ cũng bị thất lạc hoặc bị hư hủy nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh kinh điển của Thượng tọa bộ, kinh tạng Nikāya, chúng ta cũng có những kinh điển của các bộ phái khác hiện còn lưu giữ trong các bản dịch tiếng Hán. Những kinh điển này, gọi chung là kinh A-hàm, chuyển ngữ từ chữ Agāma, thường được sử dụng thay cho thuật từ Nikāya trong tiếng Hán. Thuật từ này được sử dụng đầu tiên trong kinh A-hàm chánh hạnh (T0151) do ngài An Thế Cao dịch vào những năm cuối của thế kỷ II A.D.
Kinh tạng A-hàm trong Hán tạng: Trong ấn bản Taisho, tập I và II, kinh A-hàm, bao gồm bốn bản dịch kinh A-hàm của nhiều dịch giả, dịch trong nhiều thời điểm khác nhau:
- Kinh Trường A-hàm (Dīrghāgama), do ngài Phật-đà-da-xá và Trúc Hộ Niệm dịch vào những năm 412-413 A.D.
- Kinh Trung A-hàm (Madhyamāgama), do ngài Cù-đàm Tăng-già Đề-bà dịch vào những năm 397-398 A.D.
- Kinh Tạp A-hàm (Saṁyuktāgama), do ngài Cầu-na Bạt-đà-la dịch vào những năm 435-443 A.D.
- Kinh Tăng nhất A-hàm (Ekottarāgama), do ngài Cù-đàm Tăng-già Đề-bà dịch vào những năm 384-385 A.D.
Ngoài ra, hai tập A-hàm này còn hàm chứa những bản dịch kinh Tạp A-hàm, không lưu lại tên người dịch, được dịch trong giai đoạn Tam Quốc (220-280) và kinh Tăng nhất A-hàm, cũng không lưu lại tên người dịch, được dịch trong giai đoạn Đông Tấn (351-431). Bản dịch kinh Tứ thập nhị chương của ngài An Thế Cao được biên tập trong kinh Tăng nhất A-hàm này. Một số lớn bản dịch không thuộc bốn bộ A-hàm trên được chuyển dịch trong suốt nhiều thế kỷ, từ cuối triều đại nhà Hán đến triều đại nhà Bắc Tống (148-1058), chiếm hơn phần nửa số kinh trong kinh tạng A-hàm.
Bốn bản dịch A-hàm này không lưu lại bất kỳ thông tin nào liên quan đến nguồn gốc của chúng. Thường thì các dịch giả chuyển dịch kinh điển Phật giáo luôn ghi lại thông tin nguồn gốc của kinh. Nhưng trong trường hợp bản dịch kinh A-hàm không ghi lại nguồn gốc của chúng không thể là những sai sót của người dịch. Vậy, vì lý do gì tất cả kinh tạng A-hàm điều thiếu sót thông tin này? Mà nếu, trong trường hợp dịch giả không đặt nghi vấn nguồn gốc bộ phái của kinh văn thì các học giả sau này cũng sẽ đặt nghi vấn trước khi họ chấp nhận những kinh điển này là chánh kinh. Nhưng tất cả đều im lặng. Sự im lặng này như là một sự xác chứng rằng tất cả kinh tạng A-hàm này đều có nguồn gốc từ đức Phật. Giải thích về điều này, giáo sư N. Dutt nhận định rằng “tất cả các bộ phái Phật giáo đều chấp nhận kinh tạng A-hàm.”
Bốn bộ A-hàm được biên tập vào cùng một tạng, kinh tạng, nhưng chúng không có cùng một nguồn gốc. So sánh nội dung kinh tạng A-hàm và kinh tạng Nikāya cho thấy, hai tạng kinh này giống nhau nhưng không hoàn toàn như nhau, và tất nhiên, không phải bản Hán được dịch từ bản kinh Nikāya. Truyền thống Hữu bộ lấy ngôn ngữ Sanskrit làm phương tiện chuyển tải tư tưởng của bộ phái và một số bài kinh Sanskrit của Hữu bộ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Mối quan hệ rất gần gũi giữa những bài kinh Sanskrit này với những bản Hán dịch A-hàm cho phép một số học giả tin rằng bản Hán dịch A-hàm thuộc truyền thống Hữu bộ. Ngược lại, căn cứ vào những điểm khác biệt giữa những bài kinh Sanskrit và bản Hán dịch A-hàm, giáo sư P.V. Bapat nhận định rằng nguyên bản của bản Hán dịch này phải là những bản kinh biên chép bằng tiếng Prākṛit, không phải bằng Sanskrit. Như trên đã trình bày, bản Hán dịch A-hàm hoàn chỉnh không phải là bản dịch từ nguyên bản của riêng bất kỳ bộ phái hoặc truyền thống nào. Mỗi bộ A-hàm được mang đến Trung Hoa do nhiều nhà truyền giáo của các bộ phái khác nhau, đến từ nhiều nơi khác nhau và trong nhiều thời điểm khác nhau. Mỗi bản dịch thường do một dịch giả hay một nhóm dịch giả chuyển dịch. Ngoài trừ kinh Trường A-hàm, ba bộ A-hàm kia đều được chuyển dịch hơn một lần do nhiều dịch giả khác nhau và từ những nguyên bản khác nhau. Những bài kinh riêng lẻ của kinh Tạp A-hàmTăng nhất A-hàm trong một số bản Hán dịch khác củng cố chắc chắn nhận định này.
Tuy nhiên, căn cứ vào những tài liệu tìm thấy liên quan đến kinh tạng A-hàm và những tài liệu liên quan ngoài các bộ A-hàm, nhiều học giả nhận định rằng các bộ phái Phật giáo Ấn Độ cùng chấp nhận thẩm quyền chung của kinh tạng A-hàm này. Liên quan đến Trường A-hàm, giáo sư H.Ui cho rằng kinh này thuộc Pháp tạng bộ (Dharmagupta). Để chứng minh nhận định này, H.Ui biện luận rằng, dịch giả Phật-đà-da-xá là một nhà truyền giáo của Pháp tạng bộ và cũng là dịch giả Luật tạng của Pháp tạng bộ. K. Watanabe cũng đồng ý nhận định này. Và ông giải thích thêm rằng kinh Ātārātiya (Trường bộ, kinh số 32) không được biên tập vào kinh Trường A-hàm, cho thấy kinh này không thuộc truyền thống Hữu bộ. H.Ui biện luận thêm rằng những giới điều khuyến khích tôn thờ tháp Phật phù hợp với truyền thống Pháp tạng bộ. Tuy nhiên, giáo sư Ishikawa cảnh giác rằng không chỉ riêng Pháp tạng bộ khuyến khích tôn thờ tháp Phật, mà một số bộ phái khác cũng có niềm tin này, cụ thể là Hữu bộ thuộc vùng Gandhāra.
Mặc dù những bài kinh Sanskrit hiện còn, thuộc Trung A-hàm, không giống hoàn toàn với bản Hán dịch kinh Trung A-hàm. Nhưng bản dịch Trung A-hàm được nhận dạng là thuộc truyền thống Hữu bộ. Ngài Minh Châu (Hòa thượng Thích Minh Châu), trong tác phẩm đối chiếu của ngài, cũng đưa ra kết luận tương tự và trình bày một số cứ liệu bảo vệ quan điểm này. Ngài trích dẫn những so sánh đối chiếu của giáo sư H. Sakurabe, cho thấy nhiều đoạn trong Trung A-hàm của Hữu bộ rất giống với bản dịch Trung A-hàm. Cũng cần lưu ý ở điểm này rằng không phải những điểm tương đồng với Hữu bộ không tương đồng với các bộ phái khác. Ví dụ trường hợp, căn cứ vào chi tiết kinh Trung A-hàm loại bỏ toàn bộ những thức ăn thịt và cá, ngài Minh Châu cho rằng kinh này thuộc Hữu bộ. Nhưng những thức ăn thịt và cá cũng được lược bỏ trong các bộ A-hàm thuộc các bộ phái khác. Ngoài ra, Luật tạng của Hữu bộ và các bộ phái khác cũng lưu giữ thông tin đức Phật không cho phép Tăng sĩ ăn thịt cá, trừ trường hợp: không nghe, không thấy và không nghi.
Tạp A-hàm (Saṁyuktāgama) được xem là kinh điển thuộc truyền thống Hữu bộ hoặc một chi phái của Hữu bộ. Theo Lu cheng, kinh này thuộc Tân Hữu bộ (Mula Sarvāstivāda). Bởi vì, cấu trúc trình bày của kinh này rất giống với cấu trúc trình bày của Luật tạng thuộc Tân Hữu bộ và cấu trúc căn bản của kinh này hoàn toàn giống tác phẩm the Saṁyuktāgama-tika được trích dẫn trong Yagācarabhūmi (Du-già sư địa luận). Nhận định này được củng cố bởi chi tiết kinh Tạp A-hàm lược bỏ kinh Niruttiyapātha (trong kinh tạng Pāli), vì nội dung bài kinh này phê phán sự tồn tại của quá khứ và vị lai, trái ngược với tư tưởng của Hữu bộ, chủ trương nhất thiết hữu: Quá khứ, hiện tại và vị lại là thật có.
Liên quan đến kinh Tăng nhất A-hàm, H.Ui và một số học giả khác cho rằng kinh này có thể thuộc Đại chúng bộ. Nội dung của kinh hàm chứa một số tư tưởng Đại thừa và nhiều tư tưởng rất giống tư tưởng của Đại chúng bộ.
Bản Hán dịch A-hàm được chuyển dịch từ những bản kinh có viết bằng những ngôn ngữ của Ấn Độ. Tuy nhiên, khi so sánh với những bài kinh Sanskrit hiện còn, bản dịch A-hàm có thể không phù hợp hoàn toàn với nguyên bản. Những bản dịch thường không chuẩn xác hoàn toàn so với nguyên bản là vì hầu hết dịch giả, theo Eliot, ít nhiều chuyển dịch không  chuẩn xác hoàn toàn, có những thêm thắt và chuyển đổi vị trí so với nguyên bản. Bản dịch cũng được xem xét cẩn trọng và biên tập trước khi ấn bản. Những dịch giả của kinh tạng A-hàm cũng không ngoại lệ và những bản dịch của họ cũng được biên tập, thêm thắt hoặc lược bớt.
Về mối quan hệ giữa kinh tạng A-hàm và Nikāya, M. Anezaki nhận định rằng hai tạng kinh này “có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm bị biệt”. Những điểm tương đồng cho thấy, rất có thể chúng cùng một nguyên bản; trong khi những điểm dị biệt chỉ là những dị biệt về những phân loại, sắp xếp kinh văn. “Những dị biệt, mặc dù không đáng kể, nhưng cũng cần được lưu ý.” Giáo sư Bapat cho rằng rằng kinh tạng Pāli gần bản Hán dịch kinh tạng A-hàm hơn so với kinh tạng A-hàm Sanskrit hiện còn. Hoernle, người xuất bản những bài kinh A-hàm Sanskrit, đưa ra kết luận “những bản kinh A-hàm Sanskrit có những khác biệt đáng kể so với kinh tạng Pāli Nikāya.” “Bản kinh Sanskrit hiện còn không phải là bản gốc của bản dịch A-hàm và cũng không phải của kinh tạng Pāli, mặc dù có nhiều điểm tương đồng với bản kinh Pāli hơn bản dịch A-hàm.” Ngài Minh Châu, trong tác phẩm so sánh kinh Trung A-hàm và kinh Trung bộ, trích dẫn những nhận định giá trị của nhiều học giả và nhận định rằng “tỷ lệ những điểm tương đồng giữa hai bộ kinh này rất cao… cho thấy rằng chúng có cùng một nguyên bản, không chỉ nội dung giáo lý mà còn cả nguồn gốc kinh văn, sự tương đồng trong tất cả nội dung giáo nghĩa của hai bản Hán dịch A-hàm và Pāli Nikāya.”
Những bộ kinh này, không chỉ tương đồng mà còn có cả dị biệt, cho thấy chúng được y cứ vào một nguồn kinh văn rất phổ biến. Ở khía cạnh dị biệt, cần xét đến những khác biệt trong những kinh văn truyền trụng sớm hơn. Những kinh văn này bắt nguồn từ đâu? Tất nhiên chúng có nguồn gốc từ những kinh tạng kết tập những bài pháp của đức Phật. Theo đó, kinh tạng A-hàm và Nikāya đều có cùng một nguyên bản. Như trường hợp, cũng cùng lưu giữ những Kinh Luật được trùng tụng tại Đại hội kết tập kinh điển tại thành Vương Xá, do Tôn giả Đại Ca-diếp chủ trì, nhưng Tôn giả Phú-lâu-na (Purāṇa), mặc dù đồng ý với tất cả kinh luật đã được Đại tăng trùng tụng, nhưng ngài đã lưu giữ Kinh Luật theo cách riêng của ngài. Cũng giống Tôn giả Phú-lâu-na, có thể có những Tỳ-kheo khác, những người cũng trực tiếp nghe đức Phật giảng dạy, nhưng không có cơ duyên tham dự Đại hội kết tập kinh điển tại thành Vương Xá. Những Tỳ-kheo này có thể sẽ lưu giữ thêm những bài kinh theo cách nhớ và cách hiểu của họ, những bài kinh của họ có thể vẫn tiếp tục được truyền tụng trong số những người theo họ. Thời gian sau, khi cộng đồng Tỳ-kheo phân rẽ thành nhiều bộ phái, những bài kinh đó có thể được kết tập thêm vào theo quan điểm bộ phái.
Những tương đồng và dị biệt cho chúng ta một nhận định chắc chắn rằng, tất cả những bản dịch A-hàm và Nikāya đều có nguồn gốc từ những kinh tạng ghi lại những bài pháp của đức Phật. Những dị biệt trong những bản kinh này là vì, trải qua thời gian, cộng đồng Tăng-già Phật giáo nguyên thủy bị phân chia thành nhiều bộ phái và hoằng pháp tại nhiều địa phương khác nhau, nên các bộ phái có thêm bớt một số kinh văn theo quan điểm của từng bộ phái. Nhưng những điểm tương đồng trong các kinh cho thấy, nội dung tư tưởng chính yếu và cấu trúc trình bày kinh văn trong những bản kinh của các bộ phái điều giống nhau, chúng được lưu giữ và bảo tồn rất tốt. Tuy phân ra thành các kinh Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm, Tăng nhất A-hàm, nhưng tất cả đều được kết tập thành kinh tạng A-hàm. Kinh tạng này là kinh tạng được Đại tăng kết tập tại Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất. Về sau, những Kinh Luật đã được 500 Tỳ-kheo A-la-hán kết tập vẫn tiếp tục được trùng tụng, biên chép và lưu truyền trong các bộ phái Phật giáo; nhưng về phần kinh tạng, cụ thể là những bài kinh ngắn, với số lượng nhiều, các bộ phái có chuyển đổi vị trí kinh văn và thêm bớt ít nhiều.
Kinh tạng A-hàm có thẩm quyền giáo chứng ngang với kinh tạng Nikāya: Các bộ phái Phật giáo sử dụng nhiều phương tiện ngôn ngữ để chuyển tải kinh văn thuộc bộ phái của mình. Kinh tạng A-hàm có ảnh hưởng lớn trong các bộ phái Phật giáo. Sự khác biệt về ngôn ngữ chỉ là sự khác biệt về những dạng ngữ pháp của kinh văn, hoàn toàn không có nghĩa là kinh văn ấy thuyên giảm giá trị xác tín của chúng. Lời dạy của đức Phật được các đệ tử của Ngài ghi nhớ, trùng tụng và lưu giữ trong nhiều ngôn ngữ tùy theo khả năng có thể của họ. Lại nữa, bản Hán dịch kinh tạng A-hàm được kiểm tra và biên tập rất cẩn trọng. Kinh tạng này phải được xem là tạng kinh có thẩm quyền giáo chứng ngang với kinh tạng Pāli Nikāya.
Tóm lại, có thể nói rằng bất kỳ truyền thống bộ phái nào, cuối cùng, cũng sẽ phải thừa nhận, kinh tạng A-hàm là kinh điển lưu giữ những thánh giáo nguyên thủy của đức Phật. Nghiên cứu lời dạy của đức Phật mà không nghiên cứu kinh tạng A-hàm là một sự nghiên cứu còn nhiều thiếu sót và không hoàn chỉnh. Nhưng cái khó cho chúng ta là, tất cả kinh A-hàm đều được lưu trữ trong Hán tạng, mà chúng ta, hầu hết, không biết tiếng Hán. Do đó, việc chuyển dịch kinh tạng A-hàm này sang tiếng Anh hoặc tiếng Ấn (Hindi) là một công việc rất cấp bách và cần thiết. Công việc này rất khó, nhưng không phải là không thể. Một nhóm học giả phải được thành lập cho công trình dịch thuật này ở cấp quốc gia hoặc cấp quốc tế dưới sự chủ trì của Hội đồng quản lý đại học (Ấn Độ). Thậm chí, chúng ta có thể phục hồi bản Sanskrit hoặc Pāli từ bản Hán dịch kinh tạng A-hàm. Công trình này nên do các học giả tinh thông và quan tâm về cổ ngữ và phục chế các tác phẩm cổ ngữ đảm trách.
Chandra Shekhar Prasad
Nguyên Lộc dịch
-->Đọc thêm...